Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lãng phí thực phẩm – bài toán khó của phát triển bền vững tại Việt Nam

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nạn lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hay vất bỏ mỗi năm khi vẫn còn ăn được hoặc tận dụng được, gây tổn hại khoảng 3,9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, gần 2% GDP hiện nay. Tỷ lệ lãng phí thực phẩm của Việt Nam hiện cao gấp hai lần các nền kinh tế tiên tiến và giàu có trên thế giới.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam khiến hàng hóa tiêu dùng tăng nhanh, cùng với đó là nạn lãng phí thực phẩm nhiều gấp đôi các nước phát triển. Ảnh: Reuters

Chống lãng phí thực phẩm đòi hỏi sự tham gia trên nhiều lĩnh vực của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Và đây cũng là một mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hiệp quốc đề ra.

Chưa giàu, nhưng đã xài hoang

Trên thế giới, khoảng một phần ba thực phẩm được sản xuất cho nhu cầu của con người bị lãng phí trong quá trình từ nông trại đến bàn ăn, trong đó khoảng một phần ba là do nạn vất bỏ sau khi mua, phần còn lại bị thất thoát trong thu hoạch, chế biến, vận chuyển và lưu trữ. Sự thiệt hại khổng lồ này lên đến 940 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Theo khảo sát năm 2018 của CEL Consulting - hãng tư vấn về chuỗi cung ứng và vận hành nông nghiệp, tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở tất cả các khâu của chuỗi cung ứng của Việt Nam, từ lúc bắt đầu được thu hoạch cho đến khi thành thức ăn.

Trong đó, 25% lượng thực phẩm sản xuất bị thất thoát trước khi đến được nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối. Tổng thiệt hại của tình trạng lãng phí thực phẩm của Việt Nam ước tính khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỉ đô la Mỹ, khoảng 2% GDP của Việt Nam.

Dữ liệu của CEL Consulting cho thấy, tỷ lệ thất thoát ở nhóm rau quả là cao nhất, khoảng 32% sản lượng, tương đương với khoảng 7,3 triệu tấn rau quả bị thất thoát mỗi năm. Đối với ngành thịt, tỷ lệ thất thoát lên tới 14%, tương đương khoảng 694.000 tấn mỗi năm. Nhóm cá và thủy sản có tỷ lệ thất thoát khoảng 12% sản lượng, tương đương 804.000 tấn mỗi năm.

Có tới 87% hộ gia đình người Việt thừa nhận đã lãng phí ít nhất hai dĩa thức ăn mỗi tuần - theo Food Bank Việt Nam. Cơm, bún, phở và mì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong biểu đồ những loại thức ăn bị lãng phí (68%), kế đến là thịt cá nấu chín (53%) và rau củ (44%).

Các chuyên gia và tổ chức quốc tế nhận định các yếu tố văn hóa hay tâm lý của người Việt có vai trò quan trọng. Hơn 50% thức ăn bị lãng phí ban đầu được tạo ra do tâm lý “để phần” cho những người không thể có mặt trong bữa ăn đó cùng gia đình. 49% những người để thức ăn trong tủ lạnh sẽ quên lãng nó đến khi nó không còn ăn được. 35% không biết cách kiểm soát khẩu phần ăn (khi chế biến, nấu nướng) một cách hợp lý dẫn đến nấu dư thừa so với nhu cầu ăn uống của gia đình. Đó là chưa kể đến các yếu tố như sĩ diện hay “mặt mũi”, chẳng hạn để thừa đồ ăn trong chén dĩa hoặc những bữa tiệc thừa mứa.

Điều đáng nói là Việt Nam chưa phải là nền kinh tế giàu có, nhưng tỷ lệ rác thực phẩm trong lượng rác thải rắn lại cao gấp đôi so với các nước giàu có. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Cứ 10 tấn rác thải tại Việt Nam thì có từ 5-8 tấn là rác hữu cơ dễ phân hủy, trong đó phần lớn là rác thực phẩm. Một quốc gia càng phát triển, tỷ lệ chất thải thực phẩm trong chất thải sản xuất càng thấp - trung bình là 32% so với 57% ở các nước kém phát triển hơn.

Điều này như “đùa giỡn” với thực trạng còn nhiều người đói tại Việt Nam. Theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê Việt Nam: Hộ “thiếu đói” là hộ có nguồn dự trữ lương thực và dự trữ bằng tiền, trị giá hàng hóa, tài sản có thể bán được để mua lương thực tính bình quân đầu người đạt dưới 13 ki lô gam thóc (lúa) hay 9 ki lô gam gạo một tháng. Như vậy, từ năm 2013-2017, nước ta có khoảng 283.200 lượt hộ trải qua thời gian đói, 1.185.000 lượt người thiếu đói bình quân hàng năm.

Năm 2018, kế hoạch hành động quốc gia “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025” được thông qua. Theo đó, một trong những mục tiêu là “lương thực không bị thất thoát, lãng phí”. Tuy nhiên, con đường tiến đến mục tiêu này hoàn toàn không dễ dàng.

Vai trò của người tiêu dùng

Các chuyên gia nói rằng nhận thức của người tiêu dùng là vấn đề quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn lãng phí thực phẩm.

Phần lớn người tiêu dùng không thể phân biệt được sự khác biệt giữa hai nhãn ghi “Use by” và “Best by” - báo cáo của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) viết.

Các khảo sát của UNEP cho thấy ít nhất 90% người dùng đã vứt bỏ thức ăn khi đến ngày ghi trên nhãn. Nhưng hầu hết không biết đó là những ghi nhận về thời điểm sản phẩm sẽ duy trì ở chất lượng cao nhất, chứ không có nghĩa là chất lượng sản phẩm sẽ có thể kém đi nhiều sau ngày đó - trừ một số sản phẩm như thịt nguội hay từ sữa chưa được tiệt trùng rất dễ hư và nguy hiểm khi tiêu thụ ngay sau khi hết hạn sử dụng.

Ít người tiêu dùng Việt biết rằng một số sản phẩm như bột, đường, bánh hay đồ hộp vẫn giữ chất lượng sau thời gian hết hạn, tức có thể sử dụng được hay ăn được. Riêng đường thì hoàn toàn không hư nếu quá trình bảo quản tốt, không để kiến và côn trùng xâm nhập. Các loại bánh tươi hay rau quả tươi có ghi “Best by” được siêu thị bán giảm giá hoặc quyên tặng cho các bếp ăn, tổ chức từ thiện khi sắp đến hạn.

Ở các nước, thị trường “hàng cận date” trở thành ngành kinh doanh tỉ đô khi một số công ty tổ chức kênh thu mua và phân phối nhanh và hiệu quả lượng hàng chưa bán kịp và sắp đến hạn. Tại Việt Nam, thị trường này chưa xuất hiện, ngoại trừ Bách Hóa Xanh tặng các loại rau xanh cho khách hàng đến mua sắm sau 7 giờ tối.

Tuy nhiên, các siêu thị và doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam vẫn chưa chú trọng các chiến dịch quảng bá hay truyền thông về thông tin ghi nhãn trên các món thực phẩm. “Những yếu tố về văn hóa như thói quen tiết kiệm đúng mức cần một thời gian dài để thay đổi hay hình thành. Nhưng việc giúp người tiêu dùng đọc hiểu các thông tin ghi nhãn nằm trong tầm với của các doanh nghiệp trong nước”, chuyên gia tiêu chuẩn và chất lượng Bùi Phước Hòa thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nói.

Cơ hội và cả trách nhiệm của doanh nghiệp

Chuỗi cung ứng, hạ tầng logistics, các vấn đề sau thu hoạch là nguyên nhân làm thực phẩm giảm chất lượng. Năm 2020, theo một khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ thất thoát thực phẩm, nông sản trước chế biến trung bình của trái cây Việt Nam là 10%, rau củ là 20-50%, thủy, hải sản là 30-35%. Tổn thất lương thực vào khoảng 10-15%.

Tuy nhiên, theo CEL Consulting, chỉ có 14% hộ nông dân hay các trang trại tại Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng lạnh trong bảo quản, chế biến, vận chuyển và phân phối đến tay người tiêu dùng. Đây là thị trường đầu tư mới trị giá nhiều tỉ đô la đang được các doanh nghiệp Việt Nam chú ý đến, nhất là sau hai năm trải qua dịch Covid-19.

Giảm các tầng nấc trung gian, đầu tư công nghệ để tăng giá trị cộng thêm cho nông sản đóng vai trò quan trọng. Bà Lưu Thị Lan, đại diện tập đoàn Sun Rice tại Việt Nam, nói rằng hợp lý hóa các công đoạn để giảm khâu trung gian, đầu tư công nghệ sẽ giảm thất thoát lớn trong sản xuất gạo, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hay như doanh nghiệp Cỏ May ở Đồng Tháp đầu tư công nghệ để thu thêm dầu cám gạo trong quá trình xay xát lúa gạo hoặc dùng rơm để trồng nấm rơm.

Trong khi đó, các khách sạn và nhà hàng đang nỗ lực tái chế chất thải được tạo ra trong ngành thực phẩm và đồ uống. Khách sạn JW Marriot Hotel Hanoi đã hình thành một trang trại trồng rau tại khách sạn từ tháng 10 năm ngoái. Bếp trưởng Steven Peter đã tận dụng vỏ hàu làm phân bón cho vườn rau ven hồ của khách sạn.

Các nhà hàng thuộc chuỗi pizza 4P’s tại Việt Nam có chương trình tiết kiệm nguyên liệu chế biến. Nhà hàng còn thông báo trên fanpage kêu gọi khách hàng, nhà cung ứng và công chúng đóng góp sáng kiến cho chống lãng phí. Các nhà sáng lập 4P’s đưa các tiêu chí này vào các quy chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) mà họ phải công bố hàng năm với công chúng và nhà đầu tư.

4 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết công phu, có cơ sở số liệu rất thuyết phục; bài rất hữu ích cho thực trạng của đất nước hiện nay. Cần có nhiều bài về chủ đề này để hướng dẫn thói quen tiêu dùng tiết kiệm. Xin cảm ơn tác giả và Toà soạn!

    • Chào bạn Vân, tôi là tác giả bài viết. Hơn hai năm sau thì tình cờ tôi đọc được bình luận của bạn. SSA là viết tắt từ “Sub-Sahara Africa”, tức là châu Phi Hạ Sahara hay ngắn gọn hơn là Hạ Saraha.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới