Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sửa luật để cứu san hô!

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nạn khai thác và mua bán san hô tràn lan đang khiến rạn san hô, thảm cỏ biển ở nhiều khu vực biển có nguy cơ bị xóa sổ. Điều đáng nói là mua bán san hô lại không bị cấm từ tháng 7-2019 đến nay, trong khi trước đó các hành vi này bị cấm và có mức phạt khá nặng đối với người vi phạm.

Trong nội dung Nghị định 42/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản” có hiệu lực thi hành từ ngày 5-7-2019 không có điều khoản nào quy định việc xử phạt liên quan đến khai thác, mua bán hay hủy hoại san hô. Trước đó, “người tiền nhiệm” là Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12-9-2013 (được thay thế bằng Nghị định 42/2019/NĐ-CP) lại có những quy định rất chi tiết để bảo vệ san hô. Trong Nghị định 103/2013/NĐ-CP có đến hai điều liên quan đến bảo vệ san hô và thảm cỏ biển là điều 5 và điều 8.

Điều 5 “Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản” quy định mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển. Đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển san hô thì mức phạt từ 500.000 đồng đến cao nhất là 20 triệu đồng nếu khối lượng san hô từ 100 ki lô gam trở lên.

Còn mức phạt theo quy định ở điều 8 “Vi phạm các hoạt động bị nghiêm cấm tại các phân khu chức năng trong khu bảo tồn biển” là từ 5 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi “giẫm đạp hoặc thả neo trên các rạn san hô, thảm cỏ biển”.

Do các điều khoản quy định liên quan đến bảo vệ san hô, cỏ biển không còn nữa trong Nghị định 42/2019 mà thay vào đó là các quy định chung chung nên các cơ quan chức năng rất khó áp dụng vào thực tế để xử phạt việc mua bán, xâm hại rạn san hô. Đây là nguyên nhân chính khiến nạn mua bán san hô ngày càng tràn lan và kéo theo đó là tình trạng khai thác san hô đến mức cạn kiệt.

Việc tàn phá san hô diễn ra không chỉ ở các khu vực biển bình thường mà còn trong các khu vực bảo tồn. Ngay cả các khu vực được bảo vệ, như Hòn Mun - khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam - thuộc danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hay khu bảo tồn biển thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), khu bảo tồn biển Hòn Cau (tỉnh Bình Thuận) cũng không thoát khỏi tình trạng san hô bị hủy hoại.

Hậu quả của tình trạng này có thể thấy rất rõ qua một “lát cắt” tại quốc lộ 1 đoạn giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ ngày 27-8-2022, khu vực này có vài chục hộ kinh doanh san hô dọc theo hai bên đường. San hô được chào bán với số lượng rất lớn, chỉ một hộ bán đã bảo đảm có thể cung cấp 5 tấn san hô mỗi tháng(*). Thử hình dung khi cả khu “chợ” này hoạt động, lượng san hô bán ra nhiều đến mức nào và tương ứng là diện tích san hô đáy biển bị bào mòn rộng đến bao nhiêu?

Rạn san hô còn bị hủy diệt vì người dân lặn biển bắt cá bằng cyanur, hóa chất độc này lan vào trong nước khiến san hô chết từ từ. Tình trạng tàu cá thả lưới với các tấm chì nặng, nằm sát đáy biển cũng góp phần tàn phá nghiêm trọng các rạn san hô.

Và còn nạn xây dựng lấn biển bừa bãi cũng góp phần tàn phá san hô. Tại Phú Quốc, từ năm 2015 đã có một số dự án du lịch xây dựng lấn biển, nạo vét khu vực biển có san hô để xây cầu cảng bê tông, bứng nhiều loài san hô mang về vùng nước cạn tạo cảnh quan và làm hư hại hệ sinh thái biển. Những vùng biển hoang sơ tại Hòn Mây Rút Ngoài và Hòn Rỏi vốn nổi tiếng với những rạn san hô tuyệt đẹp và quý hiếm bị bê tông hóa, nhiều rạn san hô bị vùi lấp không còn cứu vãn được.

Theo ghi nhận của Ban quản lý vịnh Nha Trang, không chỉ có san hô tại Hòn Mun mà ở các đảo khác trong vịnh san hô đều bị hư hại rất nhiều, suy giảm 70-80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015. San hô được xem là mái nhà của sinh vật biển và Việt Nam là vùng đa dạng san hô lớn nhất thế giới với khoảng 400 loài nhưng 9/10 trong số hơn 1.000 ki lô mét vuông rạn san hô ở Việt Nam đang trong tình trạng nguy cấp(**).

Hệ sinh thái biển đang bị tàn phá đến mức báo động đỏ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy rất cần Chính phủ có hành động để bảo vệ những rạn san hô tuyệt đẹp của Việt Nam mà việc đầu tiên là bổ sung những điều khoản bảo vệ rạn san hô và thảm cỏ biển vào Nghị định 42/2019/NĐ-CP vì đây sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng ra tay hành động.

(*) https://tuoitre.vn/lam-tac-duoi-day-dai-duong-20220827093822303.htm

(**) https://vtv.vn/xa-hoi/san-ho-dang-keu-cuu-vi-hanh-vi-kho-chap-nhan-cua-du-khach-20200604162617579.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới