Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ant tìm kiếm không gian phát triển mới ở ASEAN

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ant Group, chi nhánh công nghệ tài chính (fintech) của tập đoàn Alibaba, đang nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác và đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số đang tăng trưởng vượt bậc ở Đông Nam Á. Tập đoàn fintech hàng đầu của Trung Quốc xem Đông Nam Á là không gian phát triển mới, giúp họ thoát khỏi môi trường tù túng ở quê nhà.

"Chúng tôi rất tập trung vào ASEAN vì chúng tôi tin rằng đã đến lúc cần thiết phải có mặt”, Jia Hang, Tổng giám đốc Ant Group khu vực Đông Nam Á, phát biểu với Nikkei Asia. Ông không quên nhấn mạnh sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế năng động trong khu vực sau dịch Covid.

Xây dựng hệ sinh thái Alipay+

Gia nhập mảng kinh doanh quốc tế của Ant Group từ năm 2015, Jia Hang được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của tập đoàn từ tháng 3-2022. Ảnh: Nikkei Asia

Hôm 7-9, Ant công bố thỏa thuận hợp tác với hãng fintech Akulaku của Indonesia, cho phép người dùng app của Akulaku kết nối với ví Alipay+. Thỏa thuận mới nâng tổng số đối tác tham gia hệ sinh thái mở rộng của Alipay+ lên 13.

Hệ sinh thái mở rộng này có vai trò rất quan trọng để Ant Group mở rộng cơ hội phát triển, hơn là chỉ phụ thuộc vào phí giao dịch như trước đây. Đây là chi tiết mang tính sống còn sau khi Bắc Kinh siết chặt giám sát toàn bộ mảng thanh toán số ở Trung Quốc, buộc Ant cũng như các đối thủ Trung Quốc khác phải cải cách hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như tách mảng cho vay vi mô (micro lending) khỏi phần còn lại của các dịch vụ tài chính.

Nhận xét của Hang nhấn mạnh sự tự tin của Ant Group trong tiến trình mở rộng ra nước ngoài sau khi gã khổng lồ fintech này buộc phải hủy bỏ vụ niêm yết lần đầu dự kiến sẽ là vụ IPO lớn nhất thế giới vào tháng 11-2020. Thương vụ niêm yết bị hủy bỏ sau khi nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba công khai chỉ trích hệ thống tài chính và các cơ quan quản lý của Trung Quốc là “lỗi thời”.

"Chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn và hợp tác với nhiều doanh nghiệp hơn ở Đông Nam Á nhằm phục vụ người dân địa phương tốt hơn", Hang nói.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành thanh toán và từng là giám đốc điều hành của mạng thẻ tín dụng lớn nhất thế giới UnionPay, Hang được bổ nhiệm làm giám đốc khu vực của Ant Group hồi tháng 3-2022 - tức bảy năm sau khi ông gia nhập Ant năm 2015. Đây là lần đầu tiên Ant bổ nhiệm một vị trí như vậy.

Từ đầu năm 2022, Ant Group đã mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài thông qua các khoản đầu tư lớn. Tháng 4, hãng fintech của Trung Quốc đã nắm giữ phần lớn cổ phần trong công ty mua lại và xử lý thanh toán 2C2P có trụ sở tại Singapore. Hang gọi thỏa thuận này là "một phần quan trọng" để mở rộng cơ sở khách hàng là người bán (merchant) của Ant trong khu vực.

Alibaba khai sinh Alipay ở Trung Quốc vào năm 2004. Ứng dụng thanh toán bằng mã QR Alipay đã vươn vai trở thành một trong những ví điện tử lớn nhất thế giới với hơn 1 tỉ người đang sử dụng ví. Hiện do Ant Group vận hành, siêu ứng dụng này được du khách Trung Quốc sử dụng nhiều nhất khi du lịch nước ngoài.

Nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ ở Đông Nam Á. Theo Statista, tổng giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số trong khu vực sẽ đạt 195 tỉ đô la Mỹ trong năm nay và gần gấp đôi con số này vào năm 2027.

Thông thường, ví điện tử hầu như chỉ giới hạn trong thị trường nội địa ở Trung Quốc và các nước, vì thế khách không thể sử dụng ở nước ngoài. Ant Group đang tìm cách kết nối các thị trường phân mảnh bằng một hệ thống dựa trên mã QR duy nhất có tên là Alipay+ có thể sử dụng được trên các nền tảng thanh toán khác nhau, gồm thanh toán trực tuyến hay thanh toán ngay tại cửa hàng.

Chiến thuật “nhún nhường”

Ant Group đặt mục tiêu kết nối các dịch vụ thanh toán dựa trên mã QR trong hệ sinh thái mở rộng Alipay+ của tập đoàn. Ảnh: Ant Group

Ra mắt vào năm 2020, Alipay+ hiện đang dựa rất nhiều vào mã QR để kết nối cơ sở hơn 1 tỉ người dùng của Ant ở châu Á. Điều này cho phép người dùng có thể sử dụng đồng nội tệ và ví điện tử nội địa để thanh toán ở nước ngoài.

Ant Group áp dụng chiến thuật hợp tác với các hãng địa phương đã có tên tuổi và thị phần, thay vì tự mình đầu tư và phát triển các ứng dụng và dịch vụ từ con số không. Tập đoàn cung cấp vốn và hỗ trợ chuyên môn, và thường sẵn sàng chấp nhận vai trò thiểu số về cổ phần và đưa các đối tác nước ngoài vào vị thế dẫn dắt về dịch vụ và mở rộng tệp khách hàng – Nikkei Asia bình luận.

Các đối tác hiện nay của Alipay+ bao gồm Dana của Indonesia, Touch 'n Go của Malaysia, TrueMoney ở Thái Lan, GCash ở Philippines và EZLink của Singapore.

"Chúng tôi đang làm việc với họ vì chúng tôi muốn xây dựng một phương thức thanh toán kỹ thuật số mang tính cộng tác, cởi mở và một giải pháp tiếp thị kỹ thuật số cho khu vực này", Hang nói.

Ngoài việc nhận được một phần phí từ mỗi giao dịch ở nước ngoài, hệ sinh thái mở rộng Alipay+ sẽ thu phí đăng ký định kỳ từ các merchant và các công cụ tiếp thị của bên thứ ba trên ứng dụng, chẳng hạn như các chương trình quà thưởng và dịch vụ hỗ trợ các công ty phát triển ứng dụng của riêng họ. Đây là chiến lược mà Alibaba áp dụng khi phát triển siêu ứng dụng Alipay.

Hồi tháng 6, Ant Group đã thành lập một ngân hàng kỹ thuật số có tên là ANEXT ở Singapore cho phép các công ty nước ngoài thiết lập tài khoản từ xa miễn họ là thực thể được đăng ký hợp pháp tại đảo quốc này.

“Nhìn chung, chúng tôi đang cố gắng xây dựng một dịch vụ khép kín đầu cuối (end-to-end service) để giúp các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng hưởng lợi từ quá trình số hóa ngày càng gia tăng”, Hang phát biểu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới