Thứ Hai, 16/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đất không lành làm sao chim đậu?

Liên Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thông qua Hội Sếu quốc tế, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai việc tiếp nhận hai con sếu đầu đỏ từ vườn thú Vientiane (Lào) về nuôi tại Vườn quốc gia Tràm Chim từ tháng 11 tới(*). Thật đáng buồn khi từ chỗ mỗi năm có hàng ngàn con sếu đầu đỏ ghé Tràm Chim ở lại vài tháng, thì từ năm 2020 đến nay sếu không về đây nữa vì môi trường sống của chúng đã không còn như trước.

Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp rộng 7.500 héc ta, là khu đất ngập nước với 230 loài chim, 130 loài cá, 130 loài thực vật. Trong số này đặc biệt có sếu đầu đỏ, loài chim di trú có tên trong Sách Đỏ. Hơn ba mươi năm trước đây, năm 1986, loài sếu đầu đỏ được tái phát hiện ở Tràm Chim. Năm 1998, nơi đây trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim và đến năm 2012, vườn quốc gia này được công nhận là khu bảo tồn ngập nước (Ramsar) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam.

Có thể nói trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã làm rất tốt công tác bảo tồn môi trường sống nên sếu di trú ghé về ngày càng nhiều. Điều này góp phần đưa Tràm Chim và danh sách Ramsar quý giá của thế giới.

Cùng với sen, sếu đầu đỏ được tỉnh Đồng Tháp xem là biểu tượng của tỉnh, hình của sếu được đặt trang trọng trên đầu trang web của cổng thông tin điện tử tỉnh này. Với thực trạng sếu không về nữa như hiện nay, có lẽ biểu tượng của tỉnh này sẽ mất đi một phần ý nghĩa.

Năm 1998, khi mới thành lập, lượng sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim là 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và 2019 đều chỉ có 11 con. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam không thấy sếu đầu đỏ bay về, trú lại tìm thức ăn. Như vậy, năm 2021 là năm thứ hai sau hơn 30 năm gắn bó, loài chim quý hiếm này không về lại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Trước đây, đàn sếu thường từ Campuchia bay về vườn kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau rồi mới rời đi. Quãng thời gian này, Tràm Chim cũng thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng, chụp hình loài chim quý hiếm. Giờ đây, còn gì đáng buồn hơn khi sắp tới đây, khách tham quan Tràm Chim chỉ còn được chiêm ngưỡng cặp sếu nuôi nhốt. Những tấm ảnh, thước phim ghi lại cảnh sếu “khiêu vũ” trên Tràm Chim đẹp đến nao lòng giờ chỉ còn là quá khứ đầy nuối tiếc.

Nguyên nhân đầu tiên khiến sếu dần biến mất là sinh cảnh sống của loài chim quý này bị tàn phá quá nhanh trong 10 năm gần đây ở phía Bắc Campuchia và Tây Nguyên Việt Nam. Những khu rừng khộp nơi sếu sinh sản và đồng cỏ ngập nước quanh Biển Hồ (Campuchia) nơi sếu kiếm ăn nay đã biến mất, thay vào đó là những đồn điền cây công nghiệp, đồng lúa.

Nguyên nhân trực tiếp hơn là Tràm Chim không còn bảo tồn được hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài sếu như giai đoạn đầu khi mới thành lập vườn quốc gia.

Các cánh đồng cỏ năn rộng lớn ở Tràm Chim, nơi cung cấp thức ăn chính của sếu là củ năn kim đã được thay bằng nơi trữ nước quanh năm để phòng chống cháy rừng tràm. Hệ sinh thái bị đảo lộn, sự thay đổi từ sinh thái đất ngập nước theo mùa, nước ra vào tự nhiên thành môi trường sinh thái ao hồ khiến đồng cỏ năn, đặc biệt là năn kim bị thu hẹp, suy thoái, cỏ không thể tạo củ khiến sếu mất nguồn thức ăn.

Thêm vào đó, tình trạng phát triển quá nhanh khiến khu vực sếu sinh sống ngày càng bị thu hẹp vì đất ngập nước đã bị thay thế bằng ruộng lúa, vườn cây và thậm chí cả nhà máy sản xuất. Ngay sát ranh giới khu vực bảo tồn ở Tràm Chim là một nhà máy gạch men rộng 25 héc ta, công suất 15 triệu mét vuông gạch mỗi năm.

Hóa chất từ phân bón, thuốc trừ sâu, tiếng ồn và nước thải từ sản xuất cùng với tình trạng mất nguồn thức ăn là củ năn đã biến Tràm Chim không còn là vùng đất lành chim đậu nên sếu bỏ đi là điều tất yếu. Thực trạng đi đến mức không thể đảo ngược này là hậu quả từ việc khuyến nghị của những nhà khoa học bảo tồn không được lắng nghe trong suốt thời gian dài.

Đất lành chim đậu là điều dễ nói nhưng không dễ làm.

(*) https://vnexpress.net/vuon-quoc-gia-tram-chim-se-tiep-nhan-seu-dau-do-tu-lao-4509520.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới