Thứ Hai, 26/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nga sẽ có thị trường mới cho 50% lượng dầu thô bị EU cấm vận

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nga có thể sẽ tìm các thị trường mới cho khoảng một nửa lượng dầu thô xuất khẩu sẽ bị Liên minh châu Âu (EU) cấm vận vào tháng 12 tới, theo Công ty dữ liệu năng lượng Kpler (Bỉ).

EU sẽ cấm vận dầu thô của Nga vào tháng 12 tới. Ảnh: Almayadeen

Kpler cho biết Indonesia, Pakistan, Brazil, Nam Phi, Sri Lanka và một số quốc gia ở Trung Đông có thể mua tổng cộng tới 1 triệu thùng dầu/ngày từ Nga trong mùa đông tới. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu và là nguồn thu chính của Điện Kremlin, đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine. Các thành viên EU vẫn đang mua một lượng dầu nhất định của Nga, khoảng 1 triệu thùng/ngày nhưng vào tháng 12 họ sẽ cấm nhập khẩu hầu hết dầu thô Urals của Nga, tiếp theo sau đó, họ sẽ cấm nhập khẩu đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga vào tháng 2-2023.

Lệnh cấm vận này có thể làm giảm sản lượng dầu của Nga gần 2 triệu thùng/ngày so với mức trước chiến tranh, trừ khi các dòng chảy dầu của Nga được phân bổ ở nơi khác, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Trong những tháng qua, các công ty xuất khẩu dầu của Nga đã chuyển hướng vận chuyển hàng hóa của họ sang châu Á, chủ yếu đến Ấn Độ và Trung Quốc, do nhiều khách hàng châu Âu tự nguyện tránh xa dầu của họ ngay cả khi lệnh cấm vận của EU chưa được triển khai. Điều này khiến Nga phải trả giá đắt, với việc dầu Urals giao dịch ở mức chiết khấu sâu so với giá dầu chuẩn toàn cầu. Có lúc, giá dầu Urals của Nga giao dịch với mức thấp hơn 30 đô la mỗi tháng so với giá dầu Brent ở London.

Vào tháng 3 năm nay, lượng dầu thô mà Ấn Độ và Trung Quốc nhập khẩu của Nga đã vượt 27 nước thành viên của EU. Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng mua dầu của Nga và giờ đây chiếm khoảng 50% lượng dầu xuất khẩu của Nga bằng đường biển.

Ngược lại, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga và Hàn Quốc cũng đã giảm mua dầu của Nga. Sri Lanka, nước đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đang tranh thủ mua dầu giá rẻ của Nga, với ba lô hàng dầu của Nga đã được giao.

Chính quyền Myanmar gần đây cho biết sẽ bắt đầu nhập khẩu dầu từ Nga. Chính phủ Mỹ thừa nhận rằng không thể ngăn chặn các giao dịch như vậy vì Mỹ chưa áp đặt các biện pháp trừng phát thứ cấp đối với các nước kinh doanh với Nga.

Tính đến tháng 8, EU và Anh đã cắt giảm nhập khẩu dầu thô của Nga tổng cộng 880.000 thùng/ngày so với mức trước chiến tranh. Dữ liệu của IEA cho thấy trong cùng tháng, nhập khẩu dầu thô của họ từ các nguồn bên ngoài Nga tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ.

Sự tái phân bổ các dòng chảy dầu thô toàn cầu có thể gây tổn thất cho một phần dầu thô xuất khẩu từ các thành viên khác của nhóm OPEC+, một liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài. Theo Kpler, Indonesia có thể nhập khẩu dầu Nga để thay thế dầu của Nigeria, trong khi Pakistan có thể giảm nhập khẩu dầu Arab Light từ Saudi Arabia để mua dầu của Nga.

Các thông tin trước đó cho thấy Indonesia đang cân nhắc mua dầu giá rẻ của Nga nhưng vẫn chờ xem liệu Trung Quốc và Ấn Độ có tham gia liên minh áp trần đối với giá dầu Nga do Mỹ và EU đề xuất hay không.

Trong khi đó, Trung Đông có thể tiêu thụ 500.000 thùng dầu thô/ngày của Nga trong mùa đông này đồng thời chuyển dầu trước đây được sử dụng trong nước sang thị trường xuất khẩu.

Kpler cho biết các nước Trung Đông sẽ mua dầu Urals giá rẻ của Nga để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu, cho phép họ bán dầu Arab Light nhiều hơn sang châu Á.

Theo dữ liệu được Bộ Tài chính Nga công bố trong tuần này, thặng dư ngân sách của Nga đã gần như biến mất hoàn toàn trong mùa hè chủ yếu do giá dầu giảm mạnh. Vào cuối tháng 6, thặng dư ngân sách của Nga ở mức 1,37 ngàn tỉ rúp (23 tỉ đô la Mỹ). Nhưng đến cuối tháng 8, mức thặng dư này giảm xuống chỉ còn 137 tỉ rúp (2,3 tỉ đô la Mỹ).

Ngân sách của Nga sẽ càng chịu sức ép lớn hơn khi EU cấm vận dầu mỏ của Nga vào cuối năm. Theo truyền thống, dầu mỏ đóng góp một phần lớn hơn trong ngân sách của Nga so với khí đốt, nhưng giá dầu thô trên thị trường quốc tế hiện đã giảm khoảng 25% kể từ mức đỉnh được thiết lập vào đầu tháng 6.

Theo Bloomberg, BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới