(KTSG Online) - Dự án mua bán điện giữa Lào và Singapore, một phần của dự án tích hợp điện năng với sự tham gia của 4 nước Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (Dự án LTMS-PIP) vừa được chính phủ các nước này chính thức thông qua.
Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong ASEAN giữa 4 quốc gia này mở ra triển vọng cho việc kết nối hệ thống mạng lưới điện chung trong 10 nước ASEAN, thiết lập dấu mốc cho thị trường mua bán năng lượng giữa các nước ASEAN trong tương lai.
Dự án với mục tiêu tạo ra một hệ thống an ninh năng lượng cho toàn khu vực bằng cách kết nối vào một mạng lưới điện chung, qua đó các thành viên có thể chia sẻ khả năng cung cấp, truyền tải điện cho nhau, nước thừa điện sẽ bán cho nước cần một cách dễ dàng.
Từ cuối tháng 6 năm nay, Singapore đã nhập khẩu điện 100 MW thủy điện từ Lào trong khuôn khổ Dự án tích hợp điện của Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore. Con số 100 MW tương đương với khoảng 1,5% nhu cầu điện cao điểm của Singapore.
Ông Chanthaboun Soukaloun, Tổng Giám đốc Công ty Điện lực Lào (EDL) cho biết, EDL bán điện cho Singapore theo hạn mức năng lượng. Hiện nay, Lào có khoảng 90% dự án điện là sử dụng năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng xanh. Thị trường này sẽ mở ra cơ hội cho EDL và các nhà đầu tư tư nhân đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy điện, đặc biệt là các dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió.
Nhằm thúc đẩy việc mua bán năng lượng giữa các nước ngày càng phát triển, nhất là đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới điện ASEAN, các nước thành viên cần sớm xây dựng các tiêu chuẩn chung về hệ thống truyền tải điện trong khu vực. Điều này không chỉ giúp việc kết nối xuyên biên giới được dễ dàng mà còn giúp giảm chi phí trong quá trình triển khai các dự án tương tự trong tương lai.
Trước Singapore, Chính phủ Lào cũng đã đã tập trung triển khai hàng loạt các dự án thủy điện trên toàn quốc nhằm thúc đẩy xuất khẩu điện năng sang nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Campuchia.
Hiện Lào đã ký các hợp đồng mua bán điện năng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại 25 dự án với tổng công suất lắp đặt 2.180 MW. Trong đó, đã bắt đầu xuất khẩu tại 3 dự án gồm Sekaman 1, Sekamansanse và Sekaman 3 với tổng công suất lắp đặt 572 MW.
Dự kiến 22 dự án còn lại sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2022 - 2025 và xuất khẩu điện sang Việt Nam với tổng công suất lắp đặt 1.608 MW. Đến năm 2030, tổng lượng điện năng Lào xuất khẩu sang Việt Nam có thể tăng lên đến 8.148,5 MW.
Hôm qua (19-9), báo chí Lào đưa tin Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào đã ký với Công ty Savan Vayu Renewable và Công ty LTM Lào Biên bản ghi nhớ về việc xem xét khả năng triển khai các dự án điện gió.
Theo kế hoạch, nhà máy điện gió trên có công suất lắp đặt 1.200 MW, chi phí xây dựng khoảng 2,15 tỉ đô la Mỹ, việc xây dựng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025. Điện được tạo ra từ nhà máy này sẽ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam.
Bên cạnh việc xuất khẩu điện sang Việt Nam, Lào cũng xuất khẩu điện sang Campuchia, với 445 MW. Theo thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực điện năng giữa hai nước, trong năm 2030 Lào sẽ xuất khẩu hơn 6.000 MW điện năng sang Campuchia.
Theo TTXVN, Bộ Công Thương