(KTSG) - Trong những năm gần đây, việc tính toán giá bán xăng dầu trong nước đã được công khai dựa trên những thông tin về giá nhập khẩu, tỷ giá hối đoái và trích lập/chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đây là một tiến bộ trong công tác quản lý và điều tiết giá xăng dầu trong nước.
Bên cạnh việc xác định giá bán, câu hỏi về tính hiệu quả cũng như nguyên tắc hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng được người dân và các cơ quan giám sát kinh tế vĩ mô quan tâm. Tuy nhiên, cho tới nay, những câu hỏi này vẫn chưa được giải đáp do thiếu các tổng kết, đánh giá từ các cơ quan quản lý.
- Yêu cầu các bộ, ngành báo cáo việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu
- Xem xét bỏ Quỹ bình ổn để giá xăng dầu diễn biến theo tín hiệu thị trường
Không giúp làm giảm chi phí xăng dầu
Về cơ bản, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt là Quỹ) hoạt động dựa trên nguyên tắc lấy thu để chi thông qua giá bán xăng dầu. Quỹ không có một nguồn thu nào khác ngoài việc trích lập từ giá bán. Do vậy, Quỹ không giúp làm giảm chi phí xăng dầu mà chỉ lấy tiền trước, rồi sau đó trả lại cho người tiêu thụ vào một lúc nào đó. Hơn nữa, việc trích lập Quỹ ít nhiều sẽ làm tăng chi phí tài chính cho người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu của Quỹ, như tên của chính nó, đó là “bình ổn”, hay làm giảm sự truyền tải biến động (volatility) của giá thế giới vào giá trong nước. Các mục tiêu khác, nếu có, chỉ là phụ.
Chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá
Yếu tố quyết định quan trọng nhất để Quỹ có thể ổn định được giá xăng dầu trong nước là khả năng dự báo được giá thế giới của những nhà điều hành. Nếu giá thế giới đang ở vùng cao (so với mức giá trung bình dài hạn), thì việc chi Quỹ là cần thiết. Ngược lại, nếu giá thế giới đang ở vùng thấp thì trích lập Quỹ là việc nên làm.
Do vậy, khả năng dự báo chính xác giá xăng dầu thế giới đang ở vùng cao hay thấp so với mức giá trung bình dài hạn sẽ quyết định Quỹ có khả năng bình ổn giá trong nước hay không. Nếu dự báo và hành động sai (trích lập khi giá cao, chi khi giá thấp), Quỹ sẽ chỉ gây thêm bất ổn.
Hình vẽ dưới đây cho thấy có vẻ như việc chi Quỹ thường được thực hiện khi giá thế giới kỳ liền trước tăng, trích nộp Quỹ khi giá thế giới kỳ liền trước giảm.
Tất nhiên, cách làm này không nhất thiết làm giảm được sự biến động của giá trong nước. Ví dụ, nếu giá thế giới kỳ trước tăng, nhưng vẫn đang ở dưới mức giá trung bình trong dài hạn, thì việc chi Quỹ lại càng làm giá trong nước chậm hội tụ về mức giá trung bình, do vậy làm tăng tính bất ổn.
Tương tự như vậy, nếu giá thế giới kỳ trước giảm, nhưng vẫn đang cao hơn mức giá trung bình trong dài hạn, thì việc trích lập Quỹ càng làm cho nó chậm giảm về mức giá trung bình.
Quỹ đang thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập từ các nông dân, ngư dân, tài xế xe tải (những người dùng máy dầu) sang những người sử dụng xe xăng (thường có thu nhập cao hơn).
Nói tóm lại, để làm giảm tính biến động của giá trong nước, thì Quỹ phải được sử dụng sao cho giá trong nước xoay quanh càng gần mức giá trung bình của nó càng tốt.
Để đánh giá hiệu quả bình ổn của Quỹ, chúng ta thử tính toán độ lệch chuẩn (thước đo phản ánh sự biến động) của giá xăng dầu trong nước trong trường hợp có và không có Quỹ trong trong giai đoạn từ 1-1-2020 đến 20-9-2022.
Kết quả cho thấy, khi có Quỹ, độ lệch chuẩn (biến động) của giá xăng E5RON92 và giá dầu mazút tăng thêm lần lượt là 219 đồng/lít và 49 đồng/lít so với trường hợp không có Quỹ. Trong khi đó, khi có Quỹ, độ lệch chuẩn của giá xăng RON95, diesel và dầu hỏa có giảm đôi chút, lần lượt là 26 đồng, 189 đồng và 86 đồng/lít so với trường hợp không có Quỹ.
Như vậy, việc điều hành Quỹ làm giảm biến động giá RON95, dầu diesel, và dầu hỏa, nhưng lại làm tăng biến động giá E5RON92 và dầu mazút. Nhìn chung, tác động bình ổn giá của Quỹ là khá mờ nhạt.
Thiếu quy tắc điều tiết minh bạch
Ngoài ra, mặc dù đa số giá các loại xăng dầu luôn có biến động cùng nhau (cùng tăng, cùng giảm) nhưng không phải tất cả chúng đều phải trích nộp hay được xả Quỹ cùng lúc. Trong cùng một kỳ, việc có loại xăng dầu phải trích nộp, có loại không, có loại được xả Quỹ diễn ra thường xuyên, tương đối tùy hứng. Quy mô trích lập hoặc chi Quỹ cho từng loại cũng rất khác nhau. Điều này cho thấy các nhà quản lý đang thiếu một quy tắc nhất quán trong điều hành Quỹ.
Tái phân phối thu nhập theo hướng gia tăng bất bình đẳng
Trong giai đoạn từ 1-1-2020 đến 20-9-2022, số lần được chi so với số lần phải trích lập của từng mặt hàng như sau:
E5RON92: 46 lần được chi > 25 lần trích lập và 1 lần không đổi; RON95: 36 lần được chi > 31 lần trích lập và 5 lần không đổi.
Diesel: 27 lần được chi < 44 lần trích lập và 1 lần không đổi; Dầu hỏa: 25 lần được chi < 41 lần trích lập và 6 lần không đổi; Ma-zút: 22 lần được chi < 40 lần trích lập và 10 lần không đổi.
Như vậy, số lần các mặt hàng xăng được chi lớn hơn so với số lần phải trích lập, còn số lần các mặt hàng dầu phải trích lập lớn hơn so với số lần được chi. Số tiền trung bình (giản đơn) được chi của các mặt hàng xăng E5RON92 và RON95 lần lượt là 526 đồng/lít và 5 đồng/lít. Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, và dầu mazút phải trích lập trung bình lần lượt là 135 đồng, 138 đồng, và 115 đồng/lít.
Điều đó cho thấy, Quỹ đang thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập từ các nông dân, ngư dân, tài xế xe tải (những người dùng máy dầu) sang những người sử dụng xe xăng (thường có thu nhập cao hơn).
Có thể hiểu các nhà điều hành đang dùng Quỹ để điều tiết theo hướng khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu “sạch hơn”. Tuy nhiên, đây là mục tiêu của công cụ thuế bảo vệ môi trường, không phải mục tiêu của Quỹ. Hơn nữa, sự điều tiết giữa E5RON92 và RON95 có thể phần nào hiểu được bởi chúng có thể thay thế nhau. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi các mặt hàng dầu vốn không có phương án thay thế, lại đang phải “trợ giá” cho cả E5RON92 hay RON95.
Có nên duy trì Quỹ hay không?
Dự báo chính xác giá xăng dầu thế giới để bình ổn giá trong nước là một công việc khó và tốn nhiều nguồn lực. Nhìn chung Quỹ đang không thực hiện tốt chức năng chính của nó, trong khi lại gây ra nhiều tác động phụ không mong muốn. Đây là thời điểm thích hợp để chấm dứt hoạt động của Quỹ.
Nếu tồn tại, Quỹ chỉ nên hoạt động dưới dạng một quỹ ứng phó khẩn cấp trong một số tình huống nhất định, ví dụ như khi giá thế giới tăng đột biến. Và thay vì lấy thu từ tạm ứng/trích lập qua giá bán, nguồn thu cho Quỹ nên được lấy từ phần vượt dự toán ngân sách từ xuất khẩu dầu thô, từ thuế giá trị gia tăng hay thuế bảo vệ môi trường, và các nguồn ngân sách khác.
Cùng với các công cụ thuế liên quan, Quỹ này chỉ nên hoạt động trong những tình huống Nhà nước muốn thực hiện trợ giá xăng dầu cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, chu kỳ điều hành giá càng dài, doanh nghiệp càng phải đối mặt với tính bất định/rủi ro lớn hơn trong kinh doanh khi giá trong nước không theo sát giá thế giới. Do vậy, dù Quỹ có tiếp tục tồn tại hay không, rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu là việc cần làm sớm.
Ngày 19-9-2022, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật giá (sửa đổi), trong đó vẫn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ này từng nhiều lần được các doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất bỏ. Trước đó, Bộ Tài chính - cơ quan soạn dự thảo Luật giá (sửa đổi) khi lấy ý kiến về luật này cũng đề nghị bỏ Quỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả sử dụng Quỹ, nêu nhiều doanh nghiệp phản ánh việc điều hành chưa linh hoạt, làm giá trong nước chưa bám sát thị trường. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị có đánh giá, tổng kết về hoạt động, trích và sử dụng Quỹ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình: “Dự luật vẫn giữ nhưng chưa thấy có đánh giá, tổng kết, nêu xử lý của Chính phủ với các ý kiến khác nhau”. - (Theo Tuoitre.vn)
(*) Trường Đại học Kinh tế Quốc dân