Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chất lượng nông sản phụ thuộc lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất, cung ứng

Đông Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Rau củ quả không đảm bảo an toàn nhưng được dán nhãn tiêu chuẩn VietGAP đã xuất hiện trong các siêu thị, gây lo lắng và bức xúc cho người tiêu dùng. Người dân bằng niềm tin của mình với các hệ thống siêu thị, đã lựa chọn mua các sản phẩm rau sạch để đảm bảo sức khỏe cho mình và gia đình, cộng đồng.

Tuy nhiên, những lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng rau quả cho thấy những đường đi của rau quả “bẩn”, rau quả không an toàn được gắn mác VietGAP đã tồn tại bằng nhiều cách, vào chợ truyền thống, và cả siêu thị có uy tín... KTSG Online có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, xung quanh vấn đề này.

Rau củ an toàn, để thuận theo tự nhiên là tốt nhất - Ảnh: Viên Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ cung cấp

KTSG Online: Với góc nhìn của người theo dõi nông nghiệp hữu cơ, ông đánh giá thế nào về cơ chế quản lý rau an toàn hiện nay?

- Ông Nguyễn Văn Cường: Thực tế, rau quả “bẩn” không phải bây giờ mới diễn ra, nó vẫn tồn tại hàng ngày, đâu đó trong các khu chợ dân sinh. Và chỉ khi, câu chuyện rau quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí một số hàng nhập khẩu thuộc diện trôi nổi được dán nhãn rau củ quả an toàn, đội lốt rau VietGAP và bày bán tại những siêu thị lớn, người tiêu dùng mới lo lắng, bức xúc.

Rau quả "bẩn” không chỉ tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tổn hại đến niềm tin của toàn xã hội với việc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Câu chuyện này còn đặt ra cho chúng ta câu hỏi, phải chăng đang có lỗ hổng trong việc cấp chứng nhận, đánh giá, giám sát, quản lý các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP?

Trước hết cần nhìn nhận một cách rõ ràng, một sản phẩm nông nghiệp để đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều bước. Đầu tiên là trang trại, nông hộ sản xuất, đến người cung cấp, vận chuyển và nhà phân phối, cuối cùng là người tiêu dùng. Một quá trình dài như vậy, chỉ cần một khâu không trung thực, hàng hóa nông sản bị “bẩn” là điều khó tránh, và việc kiểm soát cũng không hề dễ dàng.

Mặt khác, tiêu chuẩn VietGAP hay chứng nhận rau quả an toàn đều chỉ có giá trị với sản phẩm từ nông trại được chứng nhận. Rau củ quả hoàn toàn không giống những thực phẩm đóng gói, có cơ chế niêm phong, chống hàng giả, mà trong quá trình lưu thông, có thể bị thay đổi rất dễ dàng.

Giả sử trong khâu lưu thông hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, chúng ta hãy thử nhìn nhận về quy trình cấp chứng nhận VietGAP.

Thông thường, các chứng nhận nông nghiệp đều do các tổ chức chứng nhận đánh giá và cấp. Những thông tin đánh giá dù có chính xác thì cũng chỉ là tại thời điểm đánh giá. Sau khi đã cấp chứng nhận rồi, các tổ chức đánh giá không thể biết được chủ trang trại, nông hộ đó thực hiện quy trình sản xuất, thu hoạch nông sản như thế nào. Kể cả việc dán tem truy xuất nguồn gốc cũng vẫn phụ thuộc vào người khai báo.

Vườn cam được sử dụng phân bón hữu cơ và các phương pháp trừ sâu bọ dân gian với tỏi ớt nghiền của Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ - Ảnh: TL

Như vậy, quản lý chất lượng nông sản nói chung vẫn phần nhiều dựa vào lương tâm, thái độ, trách nhiệm của người sản xuất, người cung ứng.

Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận VietGAP đôi khi không phải xuất phát từ mong muốn của người nuôi, trồng trực tiếp. Đâu đó, có thể có chương trình nào đó, hay một hoạt động tài trợ nào đó mà cả thôn, cả xã cùng lên VietGAP. Bản thân người nông dân chưa thấy lợi ích từ canh tác theo chuẩn VietGAP và không thấy rằng việc bảo vệ thương hiệu chính là bảo vệ nguồn lợi lâu dài, thì rất khó có được sản phẩm đúng nghĩa.

KTSG Online: Như vậy, chúng ta có quá nhiều lỗ hổng từ cơ chế quản lý đến giám sát rau an toàn?

- Có thể hiểu như vậy. Tuy nhiên theo tôi, lỗ hổng lớn nhất chính là khâu giám sát. Gần như rất ít sản phẩm nông sản khi đưa ra thị trường được minh bạch liên tục về nguồn gốc, như nó trồng thế nào, trồng ở đâu, bón phân gì, ăn cái gì...

Đặc biệt, sản phẩm có số lượng lớn đưa ra thị trường, tôi chưa thấy một nhà phân phối nào thuê đơn vị giám sát độc lập cho sản phẩm thực phẩm hàng ngày bày bán trên kệ hàng của họ gắn với các tiêu chí đảm bảo sức khỏe của người dân.

Thứ nữa, về hậu kiểm, cũng hiếm khi có đơn vị nào có thể kiểm tra thường xuyên, chuẩn chỉ các mẫu rau, củ quả, thực phẩm được lưu hành trên hệ thống bán hàng của họ. Cũng dễ hiểu bởi vì những thực phẩm tươi sống chỉ lưu hành thời gian rất ngắn.

KTSG Online: Với tư cách chuyên gia quản lý nông nghiệp, Viện trưởng có ý kiến thêm về các giải pháp để đảm bảo rau quả được kiểm soát an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn và đến tay người tiêu dùng đúng chất lượng công bố, cam kết?

- Tiêu chuẩn VietGAP hay organic là rất cần thiết, và VietGAP khiến nông nghiệp của chúng ta có nhiều thay đổi tích cực. Người nông dân được tiếp cận, được đào tạo và nhận thức rõ hơn về rau an toàn theo chuẩn VietGAP, người bán hàng có cơ sở tiêu chí để nhập hàng, để phân loại giữa rau an toàn và rau chưa được kiểm chứng.

Nói một cách khác, các tiêu chí, tiêu chuẩn không có lỗi, lỗi là chúng ta chưa thực hiện được như tiêu chuẩn, tiêu chí đó yêu cầu. Tôi lấy ví dụ, ở các tiêu chuẩn nông nghiệp, điều khó nhất chính là ghi chép nhật ký quá trình sản xuất nông sản.

Điều này, tưởng đơn giản nhưng không phải đơn vị nào cũng làm được và thực hiện bài bản. Nếu làm đúng, chỉ cần kiểm tra nhật ký có thể sẽ phán đoán được sản phẩm có nằm trong trang trại hay không, những bất thường sẽ được phát hiện kịp thời.

Muốn rau an toàn, ngoài lương tâm, trách nhiệm của chủ nông trại, cần ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để giám sát và nâng cao hiệu quả truy xuất nguồn gốc, phương pháp đưa nông sản đến tay người tiêu dùng - Ảnh: TL

Thực tiễn làm việc với nông dân, câu chuyện ghi chép cũng là vấn đề khó cho nông dân. Người nông dân không phải ai cũng có thói quen ghi chép và đôi khi khá bất tiện. Bản thân viện chúng tôi cũng có ý tưởng tạo sổ ghi chép điện tử trong nông nghiệp, kiểu như app trên điện thoại. Tuy nhiên, đề xuất này rất ít được đơn vị công nghệ hưởng ứng. Nếu như, việc này được phát triển đồng bộ thì truy xuất nguồn gốc mới phát huy đúng giá trị của nó.

Tuy nhiên, để đảm bảo những sản phẩm nông nghiệp không có tình trạng “đội lốt” thì điểm mấu chốt và người chịu trách nhiệm lại là nhà phân phối. Bởi đơn vị phân phối là người có quyền lựa chọn phân phối sản phẩm nào có lợi cho thương hiệu của mình, chính họ là người có “quyền trượng” trong chuỗi sản xuất - phân phối, để yêu cầu nhà cung cấp minh bạch thông tin.

Họ cần phải phát huy vai trò là người đồng hành, dùng uy tín của mình để bảo lãnh sản phẩm. Do đó, họ cần phải lựa chọn đối tác phù hợp, yêu cầu đối tác chứng minh, minh bạch sản phẩm của mình. Thậm chí, chính họ cần có đội ngũ giám sát có đủ chuyên môn, năng lực giúp họ phân biệt thật giả. Nếu họ không đủ khả năng, có thể thuê những đơn vị giám sát độc lập để tư vấn giám sát từ khâu chọn giống, ươm, trồng, chăm bón, thu hoạch, vận chuyển....

Trước đây, chúng tôi cũng chứng kiến một số đơn vị áp dụng đặt camera tại ruộng, cử cán bộ xuống giám sát khi canh tác thu hái, nhưng sau đó không hiểu lý do gì, những thửa ruộng đó không được canh tác nữa. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp hay để nhà phân phối cân đối.

Đối với công tác hậu kiểm của các đơn vị chức năng cần phải chặt hơn nữa, thường xuyên hơn nữa. Quan điểm của tôi, cần có sự phối hợp đồng bộ từ đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối, đơn vị chứng nhận và các cơ quan chức năng thì những sản phẩm VietGAP mới không bị trà trộn.

Ngoài biện pháp ngăn ngừa, cần tạo môi trường minh bạch để những sản phẩm an toàn được chứng minh phải có vị thế nhất định thì mới thu hút những đơn vị có tâm có tầm tham gia lĩnh vực nông nghiệp.

KTSG Online: Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!

1 BÌNH LUẬN

  1. Nên khuyến khích mô hình người sản xuất trực tiếp phân phối sản phẩm, khi có khép kín được quy trình trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Phương thức này rất phù hợp với nền tảng số hóa marketing. Riêng các nhà phân phối là các siêu thị, bắt buộc phải chứng minh được nông sản thực phẩm có nguồn gốc, kiểm soát được chất lượng an toàn thì mới cho đưa vào lưu thông. Tình trạng hô biến rau củ quả China thành sản phẩm Việt tồn tại từ rất lâu rồi, nếu không dẹp loạn được các đầu mối nhập khẩu này thì không bao giờ giải quyết tận gốc vấn đề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới