Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

14 bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 20% kế hoạch

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 46,7% tính tới hết tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương làm rõ trách nhiệm. Báo cáo về tình hình giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.

Thông tin trên được nêu tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia sáng 26-9.

Tống vốn đầu tư công được Quốc hội quyết nghị là trên 526.105 tỉ đồng trong năm 2022, trong đó hơn 42% vốn trung ương, còn lại là ngân sách địa phương. Nếu tính thêm 16.000 tỉ đồng vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang 2022 thì tổng kế hoạch đầu tư vốn năm nay gần 542.106 tỉ đồng.

Nhưng báo cáo của Bộ Tài chính cho biết khối lượng giải ngân dự kiến chỉ đạt hơn 253.148 tỉ đồng tính tới cuối tháng 9, bằng 46,7% kế hoạch. Xét về số tuyệt đối, số giải ngân luỹ kế đến cuối tháng 9-2022 cao hơn cùng giai đoạn năm 2021 khoảng 34.597 tỉ đồng, tương ứng 16%.

Còn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 46,7% - mức trung bình cả nước. Trong số này, có 14 bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Kết quả này, theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. Tuy nhiên, ông Phương vẫn đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới kết quả giải ngân vốn.

Lý giải nguyên nhân giải ngân vốn chậm, ông Phương nêu 25 tồn tại, vướng mắc. Các vướng mắc này được phân loại thành 3 nhóm chính.

Nhóm khó khăn thứ nhất là khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm.

Nhóm khó khăn thứ hai là công tác triển khai, gồm việc lập kế hoạch đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện, còn tình trạng vốn chờ dự án, thủ tục, khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân; công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; còn bất cập về giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán, quyết toán, năng lực các nhà thầu, nhà đầu tư, quản lý, tư vấn, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Nhóm khó khăn thứ ba mang tính đặc thù của năm 2022. Theo đó, năm nay là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, khan hiếm nguồn cung nguyên liệu đất cát để san lấp mặt bằng.

Trong các nguyên nhân trên, ông Phương cho rằng hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện tại các bộ, cơ quan và địa phương là nguyên nhân chính khiến giải ngân chưa kỳ vọng.

Còn phản ánh của một số tỉnh, thành cho thấy, ngoài do khâu thực hiện ở địa phương chậm, họ gặp vướng khi nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần. Việc này khiến các địa phương lúng túng, không dám triển khai.

Ngoài ra, những vướng mắc trong quy định sử dụng vốn nước ngoài hay chuyện khan hiếm vật liệu, giá vật tư xây dựng tăng nên các nhà thầu chần chừ cũng ảnh hưởng tới giải ngân vốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Đồng tình với những nguyên nhân trên, nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên nhân cốt yếu là các đơn vị được giao vốn "thiếu sâu sát, kỷ luật không nghiêm; người đứng đầu nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm".

Bên cạnh đó, năng lực nhà thầu chưa đáp ứng nhu cầu hoặc để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm ở một số nơi.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo khắc phục yếu kém này, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông yêu cầu các bộ, ngành và địa phương sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, khởi công mới trong năm 2023. Việc này giúp triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, không để chậm trễ.

Các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; kiểm soát chặt số dự án và thời gian bố trí vốn để tránh dàn trải. Ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

2 BÌNH LUẬN

  1. Câu chuyện này, nói nhiều, phê bình nhiều quá rồi… Nhưng vẫn không có gì thay đổi ? Trước hết cần chấm dứt kiểu phân bổ vốn như lâu nay, rải mành mành, mỗi nơi một tí, nơi cần nhiều thì không đủ vốn để thi công, nơi cần ít thì vẫn cứ xí chỗ dài dài… Vốn thì cứ đọng, kêu thì mãi kêu. Nguyên nhân là tình trạng xin cho/ ỷ lại… còn quá nặng nề. Cần có giải pháp đồng bộ và thay đổi triệt để.

  2. Một lý do quan trọng nữa, đó là các nhà thầu đang tẩy chay, hoặc “chạy làng” khi tiếp cận các dự án đầu tư công. Bởi thủ tục quy trình quá phức tạp, dễ rủi ro cho chính người thi công. Mặt khác, đơn giá thi công thì “bóp nghẹt”, chung chi đủ mọi đường, giá thì dìm dưới đất, nhưng yêu cầu chất lượng thì trên trời. Làm sao ai dám và muốn làm ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới