Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án đầu tư công chậm triển khai sẽ bị thu hồi vốn đã cấp

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu về thu hồi vốn đã cấp phát cho các dự án đã được phân bổ kế hoạch vốn nhưng chưa khởi công. Nguồn vốn thu hồi này sẽ được sử dụng cho các dự án khác.

Tại cuộc họp về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngày 31-8, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết hiện có thêm 2 cơ quan có tỉ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước so với thời điểm kiểm tra vào tháng 7-2022, đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai.

Ngược lại, trong đợt kiểm tra tháng 8-2022 thì có thêm Bộ Xây dựng xuất hiện trong danh sách có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.  Một số yếu tố tác động tới tiến độ giải ngân của Bộ Xây dựng gồm biến động về giá nguyên vật liệu, ảnh hưởng của dịch bệnh, một số chủ đầu tư còn lúng túng, chưa quyết liệt triển khai thực hiện, vướng mắc trong cấp thẩm quyền phê duyệt 3 loại quy hoạch quốc gia.

Các tuyến cao tốc vùng Đông Nam bộ nối với TPHCM và các vùng lân cận luôn được đề nghị chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong vài năm tới.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết có 5 nguyên nhân lớn làm chậm tiến độ giải ngân, gồm: năng lực lập dự án còn hạn chế; thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm; một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong kiểm tra, đôn đốc; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa quyết liệt và tình trạng một số nhà thầu thi công cầm chừng.

Để nâng cao tiến độ giải ngân, bà Thắng cho biết chính quyền thành phố đã lập 3 tổ công tác và sẽ thúc đẩy kiểm tra trong 4 tháng còn lại của năm 2022.

Cụ thể, tổ số 1 tập trung vào các dự án lớn, có vốn trên 100 tỉ đồng. Tổ số 2 gỡ vướng về giải phóng mặt bằng. Tổ số 3 tháo gỡ khó khăn cho dự án ODA. Các tổ công tác rà soát, làm việc với các địa phương, chủ đầu tư hàng tuần để tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân.

Tương tự, ông Võ Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết chính quyền tỉnh cũng lập 4 tổ công tác, làm việc với chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức các chuyên đề về giải ngân, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ dự án theo các mốc thời gian cụ thể.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá tiến độ giải ngân vốn còn chậm, tỷ lệ còn thấp.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, theo Phó Thủ tướng, do nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc phân bổ vốn chưa khoa học, nhiều dự án được bố trí vốn năm 2022 nhưng chưa được phê duyệt dự án đầu tư, chưa đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, có dự án chưa giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, một số dự án chậm tiến độ do nhà thầu yếu kém, do các thủ tục thanh toán, nghiệm thu chưa kịp thời.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, triển khai thi công 3 ca tại các dự án đã đủ điều kiện và đang triển khai để bù tiến độ đã chậm.

Với các dự án đã được phân bổ kế hoạch vốn nhưng chưa khởi công, ông yêu cầu kiên quyết thu hồi để điều động, phân bổ vốn cho các dự án khác, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Với TPHCM, ông đề nghị chính quyền thành phố đề xuất được danh sách các dự án “không tiêu được tiền”, từ đó, điều chuyển, phân bổ cho các công trình có thể giải ngân được.

“Trong tổng số vốn đầu tư 54.000 tỉ đồng cần giải ngân theo kế hoạch của TPHCM, thì có bao nhiêu công trình chưa phê duyệt được dự án, bao nhiêu dự án HĐND đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa đấu thầu, bao nhiêu dự án đã ký hợp đồng, có nhà thầu nhưng hiện nay chưa có mặt bằng để thi công”, Phó thủ tướng lưu ý và đề nghị các tổ công tác của TPHCM phải đề xuất việc điều chỉnh vốn cho các công trình có thể đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới