(KTSG Online) - Ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương sẽ chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước Covid-19 cho đến năm 2024 do biên giới của Trung Quốc vẫn đóng cửa, khiến khoảng 140 triệu du khách không thể đi du lịch trong khu vực, theo các nhà phân tích.
- Du lịch thế giới vẫn duy trì phục hồi giữa cơn bất ổn kinh tế
- Ba hãng bay nhà nước Trung Quốc lỗ nặng vì chính sách zero Covid
Vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khoảng 154,6 triệu người dân Trung Quốc đại lục đã đi du lịch bên ngoài đất nước, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Họ chiếm 40% khách du lịch quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước đại dịch, theo Công ty tư vấn bất động sản JLL.
Koichiro Obu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản châu Á - Thái Bình Dương của DWS, một công ty quản lý tài sản của Đức, nói: “Đà phục hồi trong lĩnh vực khách sạn ở châu Á đang bị trì hoãn do chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ của Trung Quốc. 90% khách Trung Quốc từng đi đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và số người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng ít nhất 10 triệu người mỗi năm, vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng họ là động lực chính của tăng trưởng”.
Obu nhận định du lịch của khụ vực chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm tới và chỉ trở về mức trước đại dịch sớm nhất là vào năm 2024. Ngay cả khi các nước châu Á - Thái Bình Dương đã loại bỏ hầu hết các hạn chế du lịch, khoảng trống mà du khách Trung Quốc để lại vẫn tiếp tục đè nặng lên công suất và giá phòng của khách sạn.
Bắc Kinh đã kiên định với chính sách ‘zero-Covid’ và điều này trên thực tế đã ngăn hầu hết người dân đi ra nước ngoài. Khách trên các chuyến bay đến Trung Quốc phải trải qua một quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt và số lượng các chuyến bay quốc tế bị hạn chế nghiêm trọng.
Ngành khách sạn của khu vực cảm nhận rõ nhất tác động của sự vắng bóng khách du lịch Trung Quốc. Trong bốn tuần kết thúc vào ngày 20-8, giá phòng trung bình hàng ngày tại các khách sạn ở các nước châu Âu như Pháp, Ý, Hy Lạp và Croatia là trên 250 đô la Mỹ, trong khi giá phòng ở châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 50 đô la Mỹ, theo dữ liệu mới nhất từ Công ty dữ liệu khách sạn toàn cầu STR.
Obu cho biết, điều này đã buộc nhiều chủ khách sạn phải bán tài sản của họ. Ví dụ tại Nhật Bản, Seibu Holdings đã bán danh mục khách sạn cho Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC với giá 150 tỉ yen (1,4 tỉ đô la Mỹ) hồi tháng 2. Odakyu Electric Railway đang bán khách sạn Hyatt Regency Tokyo, nằm ở quận Shinjuku thời thượng của Tokyo, với giá khoảng 100 tỉ yen.
Obu nói: “Đây không phải là những giao dịch bán tháo, nhưng điều tôi có thể nói là bạn không bao giờ gặp những cơ hội như vậy trong điều kiện bình thường. Điều này chỉ có thể xảy ra khi thị trường rung chuyển hoặc đang trong thời kỳ suy thoái”.
Ở Hồng Kông, kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra. Trước thời điểm cuộc biểu tình phản đối chính quyền xảy ra vào năm 2019 và đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm sau đó, 51 triệu trong tổng số 65,1 triệu du khách đến Hồng Kông là người Trung Quốc đại lục, theo Cơ quan Du lịch Hồng Kông.
Jonathan Law, Phó Chủ tịch phụ trách mảng khách sạn và hospitality của JLL, nói: “Ngành du lịch Hồng Kông phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc đại lục. Cho đến khi thị trường đó mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh của các khách sạn ở Hồng Kông sẽ chỉ là một phần nhỏ so với mức trước đại dịch Covid-19”.
Law cho rằng vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư khách sạn ở Hồng Kông. Tuy nhiên, một số chủ sở hữu khách sạn ở đây đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và không còn muốn bán tài sản như trước đây.
Law cho biết sự phục hồi hoàn toàn của ngành khách sạn Hồng Kông có thể sẽ mất từ 2-3 năm. Chính quyền Hồng Kông vừa quyết định chấm dứt yêu cầu cách ly bắt buộc 3 ngày đối với khách nhập cảnh vào Hồng Kông kể từ ngày 26-9 nhưng vẫn duy trì các biện pháp kiểm dịch khách bao gồm xét nghiệm Covid-19 nhiều lần. Quyết định này có thể là tin không vui đến nhiều khách sạn vì hai năm qua, họ “sống” nhờ lượng khách cách ly bắt buộc.
Việc nới lỏng các hạn chế du lịch dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy phòng của các khách sạn ở Hồng Kông vì thị trường lưu trú phục vụ nhu cầu du lịch tại chỗ có khả năng bị ảnh hưởng khi người dân Hồng Kông chọn phương án đi du lịch và nghỉ ngơi ở nước ngoài.
Theo SCMP