Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

BOT Cai Lậy phát sinh hơn 500 tỉ đồng lãi vay, sẽ tính vào tổng mức đầu tư để hoàn vốn?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau gần 5 năm dừng thu phí, dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn từ km 1987+560 đến km 2014+000 (BOT Cai Lậy) phát sinh lãi vay hơn 500 tỉ đồng. Khoản tiền phát sinh này được doanh nghiệp dự án đề xuất tính vào tổng mức đầu tư khi thực hiện hoàn vốn cho dự án, hiện đang chờ ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền.

Dự án BOT Cai Lậy phát sinh hơn 500 tỉ đồng lãi vay sau gần 5 năm tạm ngưng thu phí. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi họp báo thông tin về việc thu phí trở lại của dự án BOT Cai Lậy diễn ra vào chiều nay, 5-10, ở tỉnh Tiền Giang, ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, doanh nghiệp dự án, cho biết dự án có tổng mức đầu tư 1.398 tỉ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu 210 tỉ đồng và vốn vay 1.178 tỉ đồng. Tổng mức này chưa tính phần đầu tư trạm thu phí trên tuyến tránh khoảng 60 tỉ đồng.

Theo ông Duy, sau gần 5 năm dự án tạm ngưng thu phí (từ ngày 4-12-2017), nhưng công ty vẫn phải trả lãi vay hàng tháng cho ngân hàng với tổng số tiền phát sinh hơn 500 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi của KTSG Online, về việc xử lý phần lãi phát sinh nêu trên, ông Duy cho biết, 500 tỉ đồng này doanh nghiệp dự án sẽ làm việc với các cơ quan, ban ngành để đưa vào tổng mức đầu tư của dự án.

Ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, cho rằng về nguyên tắc doanh nghiệp sẽ được cộng thêm phần lãi suất phát sinh hơn 500 tỉ đồng như nêu trên vào tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để có quyết định chính thức, tức hiện vẫn chưa có ý kiến chính thức từ các cơ quan chức năng.

Như vậy, nếu cộng cả chí phí xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh và chi phí lãi vay phát sinh, tổng mức đầu tư của dự án BOT Cai Lậy sẽ là khoảng 1.958 tỉ đồng.

Dự án BOT Cai Lậy sẽ chính thức thu phí trở lại từ 7 giờ ngày 7-10 tới sau gần 5 năm phải tạm ngưng. Dự án được xây dựng hai trạm thu phí để thực hiện thu phí hoàn vốn, trong đó, trạm thu phí trên tuyến tránh có mức giá thấp nhất là 24.000 đồng/xe và cao nhất là 137.000 đồng/xe; trạm thu phí trên quốc lộ 1 có mức giá thấp nhất là 14.000 đồng/xe và cao nhất là 118.000 đồng/xe.

Theo ông Duy, sau thời gian thu phí thử nghiệm, lưu lượng xe lưu thông qua dự án đạt khoảng 20.000 lượt/ngày đêm, trong đó, lưu lượng xe qua trạm trên quốc lộ 1 là 17.000 lượt/ngày đêm và trạm trên tuyến tránh là 3.000 lượt/ngày đêm.

Dự án có thời gian thu phí hoàn vốn theo hợp đồng ban đầu là 6 năm 4 tháng 29 ngày, tuy nhiên, với việc thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho xe ở khu vực xung quanh trạm; điều chỉnh giảm giá vé; phân chia lưu lượng với dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận..., nên thời gian thu phí hoàn vốn mới chưa được xác định.

Dự án BOT Cai Lậy được khởi công xây dựng vào tháng 2-2015; tổ chức thu phí hoàn vốn từ ngày 1-8-2017, nhưng đã tạm dừng từ ngày 4-12-2017. Dự án có tổng chiều dài 38,46 km, trong đó, xây dựng tuyến tránh dài 12,02 km và cải tạo tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài  26,44 km.

4 BÌNH LUẬN

  1. Tại dự án BOT Cai Lậy, nhà thầu làm BOT ở đường tránh, nhưng lại đặt trạm thu phí trên quốc lộ, nơi chỉ thực hiện việc tu sửa mặt đường. BOT đường mới và sửa chữa đường quốc lộ là hai việc có tính chất hoàn toàn khác nhau, sử dụng nguồn vốn khác nhau, cho dù chỉ do một nhà thầu thực hiện tất cả hai nhiệm vụ trên thì cũng không được nhập hai dự án đó làm một cục rồi đem BOT tất cả. Nguồn vốn của dự án BOT do nhà thầu BOT tự bỏ tiền ra, sau đó thu phí của phương tiện có sử dụng đường BOT để hoàn vốn. Còn sửa chữa bảo trì đường quốc lộ thì sử dụng nguồn vốn từ “quỹ bảo trì đường bộ”, quỹ này được hình thành từ “phí bảo trì đường bộ” do đóng góp hàng năm của các phương tiện vận tải có lưu hành. Do các phương tiện đã đóng đầy đủ “phí bảo trì đường bộ” để tu sửa đường quốc lộ rồi thì không thể thu phí sửa chữa đường đối với các phương tiện chạy trên quốc lộ. Việc nhập hai việc khác nhau vào một dự án rồi BOT tất cả, để kiếm cớ đặt trạm thu phí trên quốc lộ với lý do “trong phạm vi dự án” là một sự nhập nhèm, không thể chấp nhận, nhất là khi đây là đường độc đạo về miền Tây. Yêu cầu chỉ được thu phí BOT trên đường tránh thị xã Cai Lậy, dẹp bỏ cái trạm thu phí đang đặt trên đường quốc lộ, đây là đường của nhân dân.

  2. THÊM MỘT CÁI SAI
    Trạm thu phí đặt sai chỗ là một cái sai. Vì cái sai này làm cho không thu phí được.
    Nay lại lấy chi phí tài chính là chi phí mà nhà đầu tư phải chịu để đầu tư dự án chuyển cho người đi đường chịu thì thêm cái sai quá sai!
    Người đi đường chỉ hưởng tiện ích của con đường chứ không liên quan việc chủ đầu tư làm sao có nguồn vốn đầu tư. Nếu làm thế sao không tính luôn chi phí cơ hội vốn chủ đầu tư vào?

  3. Đường tránh là phần mở rộng cho quốc lộ để cho người dân di chuyển thuận lợi. Năm 2015 nếu nhà nước đầu tư đoạn này qua đấu thầu thì khoản 300 tỷ, lại cho BOT rồi giờ ra số tiền gần 2 nghìn tỷ, dự báo cho đến cuối đời của dự án thì người dân phải trả hơn 3 nghìn tỷ đồng, gấp mười lần giá trị đầu tư ban đầu. Ai trả lởi cho người dân tại sao đi quốc lộ mà phải đóng tiền? So với ngân sách nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng năm hơn 200 nghìn tỷ đồng thì 300 tỷ cho đoạn tránh đó không đáng để đầu tư.

  4. Tất cả các phương tiện ô tô , khi đăng kiểm đã đóng phí bảo trì đường bộ! Nhà thầu sửa quốc lộ 1A thì đã có phí này trả cho họ. Vậy thu phí quốc lộ 1A là không thể chấp nhận được!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới