Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng ‘ngóng’ ngày sửa Luật Giao dịch điện tử

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng chưa thể thực hiện một cách toàn diện do vướng một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005, theo các chuyên gia và đại diện ngân hàng.

Hoạt động số hóa của ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ khi các ngân hàng gồm VPBank, Techcombank, MB, HDBank sớm thực hiện ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, qua đó đưa chỉ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên khoảng 40-50%, góp phần nâng tỷ lệ lợi nhuận của ngân hàng.

95% các nghiệp vụ về thanh toán, tiền gửi về cơ bản được các ngân hàng thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết số tiền 15.000 tỉ đồng đầu tư ban đầu cho chuyển đổi số giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về ứng dụng ngân hàng số với tỷ lệ tăng trưởng đạt 40% chỉ trong thời gian ngắn.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng ban chỉ đạo. Ngoài ra, phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu có 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số đến năm 2025.

Việc đẩy mạnh chữ ký điện tử sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mục tiêu này hiện phải đối mặt với không ít thách thức.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết hoạt động của các ngân hàng, trung gian tài chính hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro pháp lý do thiếu khuôn khổ pháp luật quy định về giao dịch điện tử trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử phát triển mạnh mẽ tại tất cả các lĩnh vực. Còn phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi, với sự phát triển đột phá của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, sinh trắc học, chuỗi khối (blockchain).

Cụ thể, Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, trong khi chuyển đổi số mạnh nhất là trong giai đoạn Covid-19, tức là các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị trước đó vài năm.

“Như vậy, ngân hàng phải đi trước một bước. Nhưng để các ngân hàng đi trước một bước, thì không phải các ngân hàng tự làm được trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử”, ông Hùng nói tại một toạ đàm về chuyển đổi số ngành ngân hàng diễn ra ngày 28-9.

Với dự thảo Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (sửa đổi), ông Hùng cho biết các quy định mới đã cơ bản khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đặc biệt việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số nội dung chưa thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động hiện nay, gồm quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chưa tạo điều kiện cho các chủ thể tự lựa chọn loại chữ ký điện tử phù hợp với nhu cầu về tính khả dụng và độ an toàn; quy định về sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài còn chưa phù hợp thực tiễn; việc sử dụng các chứng từ điện tử đã được ký bằng chữ ký điện tử trong các vụ việc tại tòa án; quy định chỉ được sử dụng chữ ký số đối với các giao dịch nhằm mục đích kinh doanh.

Những yếu tố này, theo ông Hùng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bằng phương thức điện tử của các tổ chức tín dụng. Thậm chí, Thông tư số 39/2016 của NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng không thể sửa đổi được, nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung.

Tương tự, TS Phạm Xuân Hòe, chuyên gia kinh tế, cho rằng thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ. Điển hình là Luật giao dịch điện tử chưa kịp sửa đổi, còn Luật kế toán cũng tạo ra những vướng mắc cho các ngân hàng khi việc “xác định dấu chấm hay dấu phẩy trong quá trình số hóa của ngành cũng đã khó khăn”.

Việc chia sẻ dữ liệu dân cư thế nào để các tổ chức tín dụng có thể dùng eKYC xác thực khách hàng cũng là vấn đề cần giải quyết, theo ông Hoè.

Còn báo cáo về tình hình triển khai Luật Giao dịch điện tử do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho thấy một số vấn đề.

Thứ nhất, Luật chưa quy định rõ về chữ ký điện tử nên khó xác định được như thế nào thì một dấu hiệu dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử đáp ứng là chữ ký điện tử đúng quy định và có giá trị pháp lý. Điều này dẫn tới vướng mắc cho tổ chức tín dụng (TCTD) khi giao dịch điện tử với khách hàng.

Thứ hai, chưa có quy định rõ, cụ thể đối với vấn đề định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC).

Thứ ba, quy định nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử chưa rõ ràng, đang gây ra nhiều cách hiểu không thống nhất.

Thứ tư, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định hiện hành chỉ có quy định về nguyên tắc chung, song chưa có hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng kiểm tra giá trị pháp lý, tính hiệu lực của điện tử, bao gồm cả chữ ký số/chứng thư số của bên nước ngoài trên các hợp đồng/chứng từ do khách hàng xuất trình cho các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài.

Về phía các ngân hàng, đại diện ngân hàng số của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết Luật Giao dịch điện tử hiện chỉ đề cập và có các quy định đối với chữ ký điện tử và chữ ký số, trong khi thực tế giao dịch của ngân hàng hiện tại đang chấp nhận các biện pháp xác thực như mật khẩu, SMS OTP, Token OTP, Digital OTP, nhận dạng sinh trắc học.

“Căn cứ trên Quyết định 630 của NHNN ban hành ngày 21-3-2017, các giao dịch không được ký với chữ ký điện tử mà sử dụng các biện pháp xác thực khác thì tính pháp lý của chứng từ trong trường hợp này hiện chưa được quy định cụ thể”, đại diện MB nói tại một tọa đàm góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Cũng theo đại diện MB, quy định tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử mới chỉ đề cập chung về chữ ký số, trong khi chữ ký số có nhiều hình thức khác nhau.

Liên quan tới việc sửa đổi Luật, Văn phòng Quốc hội cho biết Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến 7 dự án luật, trong đó có Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, diễn ra từ ngày 20-10 tới 18-11 sắp tới.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không nên sửa đổi mà phải viết lại toàn bộ luật liên quan đến giao dịch điện tử. Bối cảnh ngày hôm nay đã rất khác xa đầu những năm 2000. Không hiểu tại sao các nhà lập pháp của ta lại chậm chân trước thời cuộc như vậy ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới