Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu Quốc hội đề xuất TPHCM chủ động về năng lực tài chính, nhân lực và ứng dụng khoa học

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong buổi làm việc giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và UBND Thành phố chiều ngày 13-10, nhiều ý kiến và đề xuất đã được nêu ra để trung tâm kinh tế lớn nhất nước nâng cao tính chủ động trong tài chính, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút vốn đầu tư lẫn tái cơ cấu theo hướng giảm dân số.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý tại hội nghị. Ảnh: TTBC TPHCM

Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Bộ, ngành nêu lên nhiều ý kiến để tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy tiềm lực của TPHCM. Trong đó, đa phần ý kiến cho rằng, thành phố cần được phân cấp quyết liệt hơn nữa để giải quyết các vấn đề tồn tại.

Tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm dân số

Tại buổi làm việc, đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí, nói TPHCM là địa phương có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái. Đó là dân số lớn nhất cả nước, tăng dân số cơ học nhanh. “Việc này có thể tạo nguồn nhân lực cho TPHCM nhưng đồng thời sẽ dẫn đến việc quá tải cơ sở hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở…”.

Ông Trí, cũng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, cho rằng nhiều nhiệm kỳ qua, thành phố đã chạy theo tốc độ gia tăng dân số để tập trung đầu tư cho giao thông, y tế, giáo dục… Tuy nhiên, việc đầu tư này của thành phố luôn đi sau vì tốc độ gia tăng dân số quá nhanh. “Chúng ta đầu tư nhưng hình như mãi vẫn chạy theo sau…”, ông Viện trưởng nói. Và cho rằng thành phố cứ phải chạy theo để giải quyết mãi, rất mất sức.

Theo ông Trí, TPHCM có truyền thống đi đầu trong suốt quá trình phát triển kinh tế. Địa phương này là nơi có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành sớm, nhưng đến nay không còn hiệu quả.

“Cách đây 15 năm, Khu công nghiệp Tân Bình được coi là hình mẫu lý tưởng. Nhưng bây giờ không còn lý tưởng nữa, không nơi nào phát triển khu công nghiệp sát vách khu dân cư như vậy”, ông Trí nói, và cho biết thêm: “Khu công nghiệp Củ Chi cũng gây ảnh hưởng đến giao thông vì là nơi tập trung lượng lớn công nhân, người lao động của địa phương và các tỉnh, thành khu vực miền Tây”.

Theo ông nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng không phải khu nào cũng có hiệu suất, hệ lụy là gây ách tắc hạ tầng. Ông Trí gợi mở TPHCM nên tái cơ cấu nền kinh tế, chọn những mục tiêu, sản phẩm cụ thể để xin trung ương cơ chế phát huy, theo hướng giảm dân số.

“Tôi thấy tỉnh lộ 8 của huyện Củ Chi có thời điểm người đi đông hơn đường Cách Mạng Tháng Tám ở trung tâm thành phố. Mà người đi ở đây chủ yếu là người dân ở các địa phương lân cận lên thành phố đi làm”, ông Trí nói.

Đại biểu Quốc hội góp ý, vấn đề ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng giao thông của TPHCM liên quan trực tiếp đến cơ cấu kinh tế, công nghiệp. Nếu vẫn duy trì cách thức phát triển như hiện tại, dù mở thêm đường, xây thêm nhà, trường, bệnh viện,… thì vẫn tiếp tục quá tải.

Thay vào đó, TPHCM cần tính toán để lựa chọn sản phẩm chất lượng cao, phát triển các lĩnh vực, các ngành nghề yêu cầu nhân lực chất lượng cao, giảm lao động phổ thông, chuyển dịch các khu, cụm công nghiệp hiện hữu tới những địa phương khác đang cần. Có như vậy, áp lực dân số của thành phố sẽ giảm, các ngành nghề mới sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Ông gợi ý thành phố nên mạnh dạn đề xuất với những địa phương và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong những khu công nghiệp ở thành phố đến những địa phương cần. Đồng thời đề xuất chính sách để chuyển đổi công năng các khu công nghiệp này để phát triển thương mại - dịch vụ. “Như vậy giá trị gia tăng không chỉ cao hơn mà giải quyết được vấn đề quá tải hạ tầng, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Trí nói.

Đánh giá TPHCM luôn khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và đã đề xuất trung ương nhiều cơ chế chính sách đặc thù để giữ vững vai trò này. Tuy nhiên theo ông, dù có cơ chế gì đi nữa thì lúc nào TPHCM cũng cảm thấy chật chội.

Nếu TPHCM cứ phải đợi, dựa vào ngân sách để phát triển thì rất chậm, mà phải có giải pháp để huy động nguồn xã hội hóa, kể cả trong đầu tư và trong quản lý. Cái gì xã hội làm được thì để cho xã hội làm.

“Phải coi xã hội hóa là biện pháp phù hợp trong tình hình thành phố phải chờ ngân sách”, ông nói, và cho rằng: “Vấn đề quan trọng là TPHCM phải có cơ chế chính sách thông thoáng để huy động được nguồn lực này”. Theo đó, thành phố chỉ hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, còn không can dự vào các nguồn lực đầu tư.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban thường trực ban dân vận trung ương cho rằng, TPHCM cần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó quan tâm hạ tầng số và sử dụng nguồn lao động trình độ cao.

Còn nhiều nghịch lý khác

Trong quá trình phát triển, TPHCM đã đặt ra nhiều mục tiêu, tham vọng lớn. Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cũng có ý kiên thành phố cần giải quyết các vấn đề còn tồn tại và bức xúc trong thời gian dài.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề cố hữu của TPHCM là có GDP đầu người hàng đầu cả nước, nhiều người thu nhập cao, nhiều xe sang nhưng “không sạch, không đẹp và an toàn còn nhiều vấn đề”.

Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: TTBC TPHCM

Đại biểu Nghĩa cho rằng, những vấn đề về hạ tầng của thành phố xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có sự chậm trễ của các tuyến đường sắt đô thị, việc cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, thành phố còn nhiều người dân thu nhập thấp, lạm phát thực tế ở mức cao...

Có sự mất công bằng trong phát triển ở TPHCM. Ông dẫn chứng vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp được đặt ra từ 20-30 năm trước nhưng đến nay vẫn không giải quyết được; bất động sản chủ yếu phục vụ cho người có thu nhập trung bình và thu nhập cao. Thành phố phải có sự đột phá ở 6 yếu tố để trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng, lôi kéo phát triển cùng cả nước đến năm 2030 và xa hơn. Đó là tài chính ngân sách; nguồn lực đất đai, nhà cửa; mở cửa hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy; nhân lực.

Trong đó, về tài chính ngân sách, ông đề nghị phải có mức độ tự chủ cao hơn mặt bằng pháp lý và cơ chế hiện hữu. Ông dẫn chứng thời điểm khi bàn chi tiết về Nghị quyết 54, TPHCM muốn thế này nhưng các bộ, ngành trung ương lại muốn thế kia, cuối cùng phải chọn “giải pháp trung du”, dẫn đến “không làm được gì cả”.

Hay cơ chế bán tài sản công là nhà đất của cơ quan trung ương để TPHCM lấy nguồn thu cũng không được thực hiện. “Các cơ quan trung ương không chịu dời đi, thành phố đành đứng đó bất lực, không làm được gì”, ông Nghĩa nói.

Còn về nhân lực của thành phố, theo ông Nghĩa là đang cực kì khó khăn. “Với yêu cầu của trung ương giao, yêu cầu phát triển của thời đại và yêu cầu của 10 triệu người dân thành phố thì nhân lực hiện nay không thể đáp ứng được, thiếu những người ngang tầm nhiệm vụ từ cấp sở trở xuống”, ông Nghĩa nói.

Rà soát quy hoạch, xóa quy hoạch treo

Liên quan đến quy hoạch của TPHCM, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị TPHCM tập trung cho công tác quy hoạch để khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực về đất đai, vị trí, điều kiện tự nhiên, con người.

Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Thanh Nghị thể hiện sự đồng tình với việc phân cấp mạnh mẽ cho TPHCM. Ảnh: TTBC

Hiện TPHCM đang tập trung cho công tác điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chung xây dựng thành phố Thủ Đức, lập quy hoạch phân khu Khu đô thị Tây Bắc. Ông Nghị đề nghị TPHCM cần quan tâm thêm về quy hoạch không gian ngầm, đồng thời đánh giá nếu làm tốt 4 quy hoạch này thì sẽ khai thác tốt nguồn lực, khắc phục các hạn chế bất cập về ùn tắc giao thông, ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ủng hộ những gì chưa có trong quy định pháp luật thì cho phép TPHCM thí điểm, sau đó đánh giá để xây dựng thành quy định chung cho cả nước. Đơn cử như thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng, phân khu chức năng trên địa bàn TPHCM hiện thuộc thẩm quyền Thủ tướng.

Hiện TPHCM có khoảng 600 đồ án quy hoạch. Ông Nghị cũng đề nghị rà soát xem những quy hoạch không khả thi để điều chỉnh và khai thác tốt hơn, xóa quy hoạch treo.

Góp ý cho những bất cập về hạ tầng của TPHCM, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, lưu ý thành phố cần thực hiện ngay các giải pháp cho ngập úng, ô nhiễm môi trường. Theo ông Dũng, kinh nghiệm của nhiều đô thị khác trên thế giới cho thấy, nếu làm chậm, TPHCM sẽ phải trả giá rất đắt, mất nhiều thời gian, chi phí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới