Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng sau trận mưa lịch sử: Vài suy nghĩ từ góc độ quy hoạch

Bùi Huy Trí (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – LTS: Trận mưa lịch sử tại thành phố Đà Nẵng vừa qua (do ảnh hưởng của cơn bão Sonca) đã gây ra những thiệt hại chưa từng có. Theo kiến trúc sư Bùi Huy Trí, chuyên gia về quy hoạch và đô thị, cần suy nghĩ về các giải pháp ứng phó lâu dài với các hiện tượng bất thường của tự nhiên từ góc độ quy hoạch xây dựng.

Cơn mưa to trong khoảng thời gian dài khiến thành phố Đà Nẵng bị ngập nặng nhất từ trước đến nay. Ảnh: Thái Hà

Đà Nẵng vừa trải qua một trận mưa được coi là lớn nhất trong vòng mấy mươi năm qua. Trận mưa lịch sử kéo dài liên tục nhiều giờ đồng hồ trên diện rộng, với lượng mưa trên 500 mm, điều chưa từng thấy đối với người dân thành phố này.

Những tác động trong và sau trận mưa là rất đáng kể. Nhiều khu vực trong đô thị bị ngập sâu, đường phố biến thành những dòng nước, nhiều ô tô bị bỏ lại trên đường, sân bay phải đóng cửa... Và, đáng chú ý hơn cả là một số khu vực dân cư bị ngập nặng, phải huy động đến các biện pháp cứu hộ.

Trận mưa như một phép thử cho khả năng chống chịu của hạ tầng đô thị. Từ góc độ quy hoạch xây dựng, chắc chắn có nhiều điều cần nhìn nhận, đánh giá, và suy nghĩ về các giải pháp ứng phó lâu dài với các hiện tượng bất thường của tự nhiên.

Khả năng thoát nước của đô thị Đà Nẵng ở mức nào?

Theo số liệu quan tắc của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lượng mưa lớn nhất đo được trong 6 giờ (từ 15 giờ đến 21 giờ tối 14-10) khoảng 567 mm.

Trước hết, hãy hình dung một cách đơn giản về lượng mưa trên 567 mm/6h là như thế nào. Đó là hình ảnh một khối nước có diện tích bằng thành phố Đà Nẵng và dày gần 0,6 mét đổ xuống địa phận Đà Nẵng trong vòng 6 giờ. Thể tích khối nước đó tương đương 500 triệu khối nước, gấp rưỡi dung tích hồ Phú Ninh của tỉnh Quảng Nam.

Chưa cần đến các phân tích khoa học chuyên ngành cũng có thể thấy đó là một thách thức đối với hạ tầng của bất cứ đô thị nào.

Trong chuyên ngành, để đánh giá khả năng thoát nước của đô thị, người ta thường lấy tiêu chuẩn chiều dài bình quân cống trên đầu người. Các đô thị trên thế giới có tỷ lệ trung bình là 2 m/người, ở nước ta tỷ lệ này tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng là 0,2 đến 0,25 m/ng, còn lại chỉ đạt từ 0,05 đến 0,08 m/người. Như vậy khả năng thoát nước của Đà Nẵng ở nhóm cao trên bình diện cả nước.

Phần lớn các đô thị trên thế giới đều phải ứng phó với hiện tượng ngập do mưa lớn. Tại các nước tiên tiến trên thế giới, người ta có thể áp dụng đến các biện pháp thoát nước cực kỳ hiện đại và tốn kém. Thí dụ ở thành phố Tokyo (Nhật Bản), từ năm 2016 đã đưa vào vận hành kênh xả nước ngầm khu vực đô thị (MAOUDC) - hệ thống đường hầm dài 6,3 km nằm ở độ sâu 22 m dưới lòng đất, được xây dựng ngay trong hệ thống bể cùng một số trụ chứa nước hình trụ cao chót vót, đủ để giúp “siêu thành phố” này không bị ngập lụt.

Mỗi bể chứa nước cao 70 m, đủ lớn để chứa một tàu con thoi hoặc tượng Nữ thần tự do. Hạ tầng thoát nước siêu việt này được đầu tư tới 2 tỉ đô la, bắt đầu vận hành từ năm 2016 và hiện là công trình chống lũ lớn nhất thế giới. Đó là mô hình mà chúng ta chưa thể có được trong tương lai gần.

Một đoạn bờ kè biển Đà Nẵng. Thành phố miền Trung này trong nhiều năm qua đầu tư nhiều dự án cho thoát nước đô thị. Ảnh: Nhân Tâm

Trong điều kiện của Việt Nam, thoát nước đô thị áp dụng các giải pháp thông thường của các nước đang phát triển. Đó là lựa chọn cao trình xây dựng đô thị hợp lý, bảo vệ và xây dựng hệ thống hồ điều hòa, đầu tư hệ thống cống rãnh thoát nước ra sông, biển... Cũng trong điều kiện hiện tại, việc tính toán tiết diện cống thoát nước được tính cho tần suất 10 - 20 năm, nghĩa là trong khoảng thời gian ấy mới có một trận mưa lớn bất thường như trận mưa tần suất 50 năm vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

Có thể xuất hiện câu hỏi tại sao không tính toán cho những trận mưa tần suất 50 năm. Câu trả lời nằm ở điều kiện kinh tế. Với các đô thị ở Việt Nam chưa đô thị nào có thể đầu tư hệ thống thoát nước với năng lực 50 năm mới dùng một lần mà phải dựa vào nhiều giải pháp đồng bộ khác về kỹ thuật như kênh hở, ao, hồ, trạm bơm... và các giải pháp quản lý như dự báo, di dời tạm, cứu hộ... Đó là tình trạng chung của các đô thị tại nước ta hiện nay.

Đối với thành phố Đà Nẵng, suốt hơn 20 năm đẩy mạnh phát triển đô thị, các thế hệ lãnh đạo rất chú trọng công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nói riêng. Hàng tháng UBND thành phố đều tổ chức các cuộc họp nghe báo cáo các đồ án quy hoạch, trong đó bao gồm hợp phần thoát nước, đặc biệt là các khu vực trọng yếu về thoát lũ.

Từ đó đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. Đối với hợp phần thoát nước chủ yếu là đầu tư xây dựng các tuyến thoát nước chính cho khu vực đô thị (cống hộp nhiều ngăn, kênh hở,…), cụ thể: dự án thoát nước vệ sinh môi trường thành phố, với kinh phí cho hợp phần thoát nước khoảng 30 triệu đô la, hoàn thành năm 2005; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố, với kinh phí cho hợp phần thoát nước khoảng 90 triệu USD, hoàn thành năm 2014; dự án phát triển bền vững thành phố, với kinh phí cho hợp phần thoát nước khoảng 120 triệu đô la, vừa cơ bản hoàn thành trong tháng 6-2021.

Ngoài ra, thành phố còn sử dụng vốn ngân sách đề đầu tư các trạm bơm chống ngập cho các khu vực trung tâm tại quận Hải Châu, Thanh Khê như tuyến cống và trạm bơm Thuận Phước giải quyết thoát nước cho khu vực Đầm Rong, Hải Hồ, kinh phí 70 tỉ đồng, hoàn thành năm 2012; trạm bơm Trương Chí Cương giải quyết thoát nước cho khu vực khu dân cư Tuyên Sơn, kinh phí 15 tỉ đồng, hoàn thành năm 2014; trạm bơm cuối tuyến đường Ông Ích Khiêm giải quyết thoát nước cho toàn bộ khu vực hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung, đường Đỗ Quang, đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Hải Phòng, kinh phí khoảng 67 tỉ đồng, đã cơ bản hoàn thành, đang vận hành thử nghiệm trong mùa mưa năm 2021.

Để chủ động nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng thoát nước, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống thoát nước giai đoạn 2019-2025 với kinh phí khoảng 5.000 tỉ đồng, theo đó đã ban hành kế hoạch hàng năm, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, ban quản lý triển khai các dự án thoát nước trên toàn địa bàn thành phố.

Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, hơn 10 năm qua, thành phố đã xử lý được khoảng 90 điểm ngập úng, trong đó có nhiều điểm ngập úng nặng như khu vực Đầm Rong, đường Hải Hồ; khu vực đường Trương Chí Cương; khu vực đường Nguyễn Văn Linh; khu vực Bàu Gia Phước, quận Sơn Trà; khu vực Khe Cạn, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ…

Nếu nhìn lại khoảng thời gian 15 - 20 năm trước đây, sau mỗi trận mưa trên 300 mm, mức độ ngập lụt nặng nề hơn rất nhiều so với hiện nay. Khi đó tình trạng thường thấy là nhiều khu vực nội thị như đường Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng, Đống Đa... bị ngập sâu và cô lập, các khu vực ven đô, đặc biệt là Hòa Xuân nước ngập tới mái nhà, nước sông Hàn dâng tràn đường Bạch Đằng. Thời gian ngập kéo dài đến 2-3 ngày, công tác cứu trợ diễn ra trong nhiều ngày.

Một vài thông tin, số liệu để thấy khả năng thoát nước đô thị của Đà Nẵng ở mức khá cao so với mặt bằng chung các đô thị cả nước và đang được tiếp tục cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.

 Có thể tốt hơn từ công tác quy hoạch

Có những ý kiến quy hết trách nhiệm về hậu quả ngập lụt cho công tác quy hoạch xây dựng. Điều đó không sai nhưng không hoàn toàn đúng.

Suy nghĩ một cách nôm na, nếu không có đô thị thì xưa nay các vùng nông thôn vẫn ngập lụt sau các trận mưa lớn. Việc phát triển đô thị là yếu tố có thể làm tăng khả năng ngập lụt chứ không phải nguyên nhân ngập lụt. Quy hoạch đô thị phải đảm bảo yếu tố hòa hợp với tự nhiên. Chính vì vậy khái niệm “chống lũ” được thay thế bằng “chung sống với lũ”. Chung sống không có nghĩa là sống bên cạnh nhau mà phải tương tác một cách tích cực.

Trong hơn 20 năm qua, ranh giới đô thị Đà Nẵng đã mở rộng hơn 4-5 lần. Quá trình phát triển đô thị có nhiều tác động đến khả năng thoát nước toàn thành phố. Có những tác động tích cực như đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thoát nước, cũng có những tác động không tích cực như san lấp một số hồ, phát triển các khu dân cư làm hạn chế khả năng thoát nước, tỷ lệ bê tông hóa nền đô thị khá cao...

Năm 2021, Đà Nẵng đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung có đề ra ý tưởng “Thành phố ngàn hồ”. Tất nhiên không phải sẽ quy hoạch 1.000 cái hồ mà đại ý là hình thành rất nhiều hồ để dự trữ nguồn nước và điều tiết lũ lụt.

Tuy nhiên, ý tưởng này không được nghiên cứu một cách trọn vẹn. Theo bản vẽ quy hoạch chung được duyệt có thể hiện một số hồ lớn nhưng chưa thực sự hợp lý. Một số hồ được xác định vị trí không khả thi như trên các khu vực đồi núi, hoặc thiếu những hồ ở vị trí trọng yếu như khu vực Hòa Tiến, Hòa Khương vốn là khu vực rốn lũ. Đó là một hạn chế đáng tiếc.

Một góc thành phố Đà Nẵng lúc mưa bão chưa xảy ra. Hiện nay, Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục thực hiện quy hoạch đô thị đến năm 2030 và 2045. Ảnh: Nhân Tâm

Hiện nay thành phố đang chỉ đạo triển khai các quy hoạch phân khu. Toàn thành phố có 12 phân khu, có thể hiểu là 12 mảnh chi tiết thuộc quy hoạch chung. Nếu các quy hoạch phân khu này tuân thủ hoàn toàn quy hoạch chung đồng nghĩa với sự bảo lưu hạn chế nói trên của quy hoạch chung. Các quy hoạch phân khu sau khi được duyệt sẽ là công cụ mà các quy hoạch chi tiết và các dự án cụ thể phải tuân thủ. Khi đó cơ hội để phát triển hệ thống hồ điều hòa sẽ bị cản trở một cách đáng tiếc, ảnh hưởng to lớn đến tương lai lâu dài của đô thị Đà Nẵng.

Qua một số buổi tham dự cuộc họp nghe báo cáo sơ bộ các quy hoạch phân khu, điều nổi cộm là chất lượng nghiên cứu chưa sâu do thời gian quá nghiên cứu quá gấp rút. Nếu các đồ án quy hoạch phân khu này được duyệt sẽ tạo ra những công cụ quản lý rất xộc xệch và kém chất lượng.

Qua sự kiện trận mưa lịch sử, cá nhân tôi cho rằng đây chính là cơ hội để thành phố có chỉ đạo mới về công tác triển khai quy hoạch phân khu theo hướng giãn tiến độ thực hiện để các đồ án có chất lượng hơn. Các quy hoạch phân khu cần phải đặt ra hai yêu cầu chiến lược. Một là hình thành số lượng và diện tích hồ điều hòa đáp ứng khả năng điều tiết đối với các kịch bản mưa lũ bất lợi nhất. Hai là tạo ra các hành lang xanh gồm đồng ruộng, ao hồ, rừng phòng hộ, công viên ở mức độ tối đa so với điều kiện có thể.

Các đồ án quy hoạch phân khu tuy được nghiên cứu bởi nhiều đơn vị tư vấn nhưng phải đảm bảo tính kết nối, đặc biệt là chiến lược bảo vệ nguồn nước ngọt và điều tiết lũ lụt thông qua việc hình thành các chuỗi hồ, điều mà các đồ án quy hoạch phân khu riêng lẻ không thể làm được.

Ngoài ra hiện nay Sở Xây dựng cũng đang triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật sau quy hoạch chung và công tác này không có kết nối rõ ràng với công tác quy hoạch phân khu. Đối tượng quy hoạch không chỉ có đất đai, công trình mà còn là hạ tầng kỹ thuật. Các yếu tố đó phải kết hợp thống nhất để tạo nên một cơ thể đô thị. Việc nghiên cứu riêng rẽ là bất cập lớn.

Để khắc phục điều đó, thành phố cần thành lập một ban chỉ đạo triển khai thống nhất quy hoạch phân khu và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Điều này là hơi muộn nhưng rất cần thiết và không nên bỏ qua.

Ngoài việc nên có chỉ đạo mới về quy hoạch phân khu và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, thành phố cần chú trọng một số vấn đề mang tính chiến lược như phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, đặc biệt là Quảng Nam về quản lý lưu vực các sông, bảo vệ và chia sẻ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn...; xác định các hành lang thoát lũ cho các dòng sông để quản lý các khu vực không được phép phát triển đô thị; tận dụng các khoảng trống hiện tại và khoảng trống tiềm năng trong khu nội đô như các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu liên hợp thể thao Hòa Xuân, kể cả các khu vực không xây dựng trong phạm vi sân bay quốc tế... để hình thành các hồ với các quy mô hợp lý; có định hướng và quy chế cho chiến lược phát triển quy hoạch xanh, kiến trúc xanh, hạn chế tối đa giải pháp bê tông hóa nền đô thị...

----------

(*) chuyên gia về quy hoạch và đô thị

1 BÌNH LUẬN

  1. Khoảng năm 1980, nhà tôi bên kênh Nhiêu Lộc ở TP HCM, mỗi lần mưa lớn thì nước ngập tràn bờ kênh, tràn vào nhà tôi, nhưng trên đường không ngập vì nước mưa theo cống chảy xuống kênh. Bây giờ mưa lớn, nhiều chỗ trên đường ngập nửa mét nhưng con kênh gần đó cạn queo do đường cống bị nghẹt rác .TP HCM có hệ thống kênh rạch phong phú nhưng tác dụng chống ngập không hiệu quả do hệ thống cống bị nghẹt rác. Bây giờ nếu thông cống hay làm mới hệ thống cống thì cần kinh phí rất lớn và tốn thời gian dài. Nên làm một hệ thống kênh mini rộng ba tấc sâu ba tấc chạy dưới lòng đường dọc theo sát lề đường dẫn nước xuống kênh và sông, cuối đường kênh mini có lưới lọc rác, trên mặt kênh mini này sẽ có lót vĩ sắt đục lỗ để xe chạy. Kinh phí cho kênh mini này sẽ rất thấp và không tốn nhiều thời gian. Người ta đã chứng minh được cùng một kích thước thì tốc độ dòng chảy của kênh nhanh gấp mấy lần tốc độ dòng chảy của cống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới