Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chi cho nhập khẩu xăng dầu đã tăng hơn 130% trong 9 tháng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Số tiền cả nước chi để nhập khẩu xăng dầu trong tháng 9 vừa qua tiếp tục tăng và trong 9 tháng lên đến 6,83 tỉ đô la Mỹ, bằng 231,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng 2022, cả nước chi 6,83 tỉ đô la Mỹ nhập khẩu xăng dầu các loại, bằng 231,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ảnh là người dân chen nhau đổ xăng ở một cây xăng tại TPHCM gần đây - Ảnh minh họa: TL

Số tiền Việt Nam chi cho nhập khẩu xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua. Và theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9 vừa qua, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 628.000 tấn với trị giá là 616 triệu đô la Mỹ, tăng 34,8% về lượng và tăng 27,8% về trị giá so với tháng trước đó.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 6,53 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá là 6,83 tỉ đô la, tăng 22,7% về lượng và tăng đến 131,8% về trị giá, tương ứng tăng 3,88 tỉ đô la so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lượng dầu diesel là 3,71 triệu tấn (tăng 4,1%) và chiếm 57% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước. Lượng xăng là 1,22 triệu tấn (tăng 74,1%) và chiếm 20%; lượng nhiên liệu bay là 1,11 triệu tấn (tăng 123%) và chiếm 17% lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước.

Đây cũng là mặt hàng mà Việt Nam chi ngoại tệ để nhập khẩu có mức tăng nhiều thứ hai, chỉ sau nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng khoảng 10 tỉ đô la).

Đáng chú ý, số tiền chi cho nhập khẩu xăng dầu trong 9 tháng đầu năm nay đã vượt xa tổng số tiền chi nhập khẩu mặt hàng này của cả năm ngoái (năm 2021 là 4,14 tỉ đô la).

Số tiền chi cho nhập khẩu tăng không chỉ do diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao mà lượng xăng dầu nhập khẩu trong 9 tháng vừa qua cũng tăng, đạt 6,53 triệu tấn, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này gần bằng với lượng nhập khẩu xăng dầu của cả năm 2021 (6,96 triệu tấn).

Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu của các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam với hơn 2,5 triệu tấn, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam từ Hàn Quốc chiếm đến 39,16% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm nay.

Cùng thời gian trên, Việt Nam nhập khẩu nhiên liệu này từ Trung Quốc tăng đến 130% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 627.000 tấn.

Dù Malaysia cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam lớn thứ hai với 956.148 tấn, kim ngạch 885,67 triệu đô la, nhưng giảm mạnh so với con số gần 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Singapore với 960.508 tấn, kim ngạch 978,7 triệu đô la, gần tương đương về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là chưa kể tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12-10-2022, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Dung Quất, cung ứng 70% sản lượng trong nước, đã giảm sản lượng xăng, tăng sản xuất dầu diesel.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn giữa liên bộ Công Thương - Tài chính với 31 doanh nghiệp đầu mối và 2 nhà máy lọc dầu, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, cho rằng trung bình 9 tháng nhà máy này đã sản xuất vượt kế hoạch 106% mặc dù những tháng đầu năm còn thấp do nhu cầu sản phẩm trong nước rất cao.

Còn ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên, Phó giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn, thông tin rằng ngoài quí 1 có một số diễn biến bất thường, sản lượng bị hụt so với phần cam kết với các đầu mối. Song, 2 quí sau đó, nhà máy Nghi Sơn đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quí 3 lượng xăng đã vượt so với ký kết.

Nhìn chung, trong quí 3, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất cung ứng hơn 72% tổng nhu cầu và dự kiến quí 4 sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).

Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30%. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu.

Đồng thời, thời gian gần đây, tình hình nguồn cung xăng dầu và chiết khấu có nhiều bất ổn. Ở thị trường trong nước xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… khiến một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh.

Ảnh: Lê Hoàng

Mặt khác, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu ở buổi thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 ngày 22-10 vừa qua được báo chí tường thuật rằng một phần doanh nghiệp xăng dầu vơi nguồn tiền vì chứng khoán, bất động sản.

Cụ thể theo ông Diên, những doanh nghiệp làm xăng dầu đều ít nhiều có tham gia bất động sản, chứng khoán nên nguồn tiền bị vơi đi. Chính vì vậy, có thể đến kỳ nhập hàng, khi giá nhập lên cao, giá bán ra lại thấp thì doanh nghiệp không có nguồn tiền nhập. Cùng với đó, hạn mức tín dụng cũng ảnh hưởng đến hoạt động nhập hàng của doanh nghiệp xăng dầu.

Ông Diên cho biết thêm, trước đây các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh khu vực phía Nam có nhiều nguồn, cùng lúc ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối. Nhưng vấn đề đặt ra là ký rồi lại không nhập, không mua trong thời gian dài nên doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn khẳng định hiện nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, có cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá rất chi tiết về nguồn cung xăng dầu. Cụ thể, đến ngày 30-9, hàng dự trữ thương mại là hơn 2,55 triệu m3 xăng dầu; năng lực sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong tháng 10 đảm bảo 80% nguồn cung trong nước (1,7-1,75 triệu m3). Cộng với nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối, xăng dầu đảm bảo cho nhu cầu trong nước.

Với lượng dự trữ như trên, ông Diên khẳng định hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. "Nguồn cung không thiếu, nhưng doanh nghiệp phải mua giá cao, nhập giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm", ông Diên nhìn nhận.

Quay trở lại ngoại tệ chi cho nhập khẩu xăng dầu, theo giới quan sát, với số tiền chi cho nhập khẩu xăng dầu 9 tháng nói trên cùng với nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 70-80% thì khả năng chi nhập khẩu cho xăng dầu những tháng còn lại sẽ tiếp diễn. Do đó, dự báo khi kết thúc năm 2022, tổng số tiền chi cho nhập khẩu mặt hàng này sẽ cao hơn gấp đôi của năm 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới