Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lực nào cho tăng trưởng?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bối cảnh không mấy thuận lợi trên thị trường thế giới và ở trong nước đang tạo ra thách thức không nhỏ cho khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước cập nhật đến tháng 10 ước đạt 387.700 tỉ đồng, cũng chỉ mới bằng 67,1% kế hoạch năm. Ảnh: LÊ VŨ

Xu thế toàn cầu

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào đầu tháng 11 này, lên mức 4%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ đầu năm đến nay với tổng mức tăng 3,75 điểm phần trăm, trong đó bốn lần gần nhất đều tăng 0,75 điểm phần trăm. Theo các chuyên gia kinh tế, Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất lên 5% trong thời gian tới, và với chính sách tiền tệ thắt chặt quá nhanh như vậy có thể kéo nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn suy thoái.

Đáng lưu ý là trong cuộc khảo sát trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) vừa rồi, lần đầu tiên phần lớn các nhà kinh tế nhận thấy khả năng suy thoái kinh tế sẽ diễn ra trong vòng hai năm tới, và hầu hết những người còn lại dự báo một cuộc “hạ cánh” khó khăn của Fed với tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng bằng không trong thời gian tới.

Tăng trưởng trong giai đoạn tới của Việt Nam được dự báo sẽ chịu nhiều áp lực hơn, do chịu ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu cộng thêm một số vấn đề đặc thù trong nội tại của nền kinh tế.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại sự sai lầm chính sách của Fed có thể tạo ra sự lan tỏa suy thoái kinh tế sang các thị trường khác trên phạm vi toàn cầu. Trong bức thư gửi tới Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch tăng lãi suất với tốc độ “đáng báo động” của Fed, trong đó có trích dẫn một cảnh báo từ Liên hiệp quốc về nguy cơ một cuộc suy thoái bắt nguồn từ chính sách của các ngân hàng trung ương

Hiện tại, rủi ro đáng quan ngại nhất không chỉ là tăng trưởng suy giảm mà còn kèm theo lạm phát cao, giống như thời kỳ lạm phát đình trệ những năm 1970. Thực tế trong sáu tháng đầu năm nay, nhiều nền kinh tế lớn đã ghi nhận giảm tốc tăng trưởng, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái.

Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, giảm mạnh 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi đầu năm. Trong đó, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều bị hạ dự báo tăng trưởng khá mạnh.

Mới đây nhất, ngày 2-11, IMF lại đưa ra nhận định hoạt động kinh tế tại khu vực Mỹ Latinh có thể sẽ suy giảm trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính quốc tế.

IMF từng đưa ra tính toán rằng khoảng 30% trong số các nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ít nhất hai quí liên tiếp tăng trưởng âm trong năm nay và năm sau.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái có thể kéo dài sang năm 2023 và lâu hơn nữa, do ảnh hưởng của chính sách tăng lãi suất quá nhanh của các ngân hàng trung ương.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang lo ngại nguy cơ suy thoái trong tương lai, tăng trưởng của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn khá tích cực, với GDP chín tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của chín tháng trong giai đoạn 2011-2022; đặc biệt quí 3 tăng đến 13,67% nhờ nhu cầu phục hồi cũng như dựa trên mức nền quá thấp của cùng kỳ năm 2021 do ảnh hưởng bởi cách ly, phong tỏa kéo dài trong quí 2 và quí 3.

Tuy nhiên sự lo lắng vẫn đang nằm ở phía trước, khi tăng trưởng trong giai đoạn tới của Việt Nam được dự báo sẽ chịu nhiều áp lực hơn, do chịu ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu cộng thêm một số vấn đề đặc thù trong nội tại của nền kinh tế.

Lực nào cho tăng trưởng?

Hiện chính sách tài khóa được kỳ vọng sẽ thay thế chính sách tiền tệ để dẫn dắt đà tăng trưởng trong thời gian tới. Nhưng với những gì đang diễn ra ở các dự án đầu tư công, giới hoạch định chính sách có lý do để lo ngại.

Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, với số giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30-9-2022 là hơn 253.000 tỉ đồng theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mới chỉ đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (47,38%); riêng vốn ODA mới chỉ giải ngân được khoảng 15%.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước cập nhật đến tháng 10 ước đạt 387.700 tỉ đồng, cũng chỉ mới bằng 67,1% kế hoạch năm.

Tỷ lệ giải ngân thực hiện các chính sách hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng còn rất thấp. Tính đến ngày 28-9-2022 mới đạt 20% tổng số vốn của chương trình này. Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại giải ngân chưa được bao nhiêu, nên cũng chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Trong khi khu vực công chưa phát huy hết tiềm lực, khu vực tư nhân vẫn đang gặp khó khăn dù nền kinh tế được cho là đang phục hồi tích cực. Trong 10 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 122.100 doanh nghiệp, tăng 25,8%; bình quân một tháng có 12.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8.500 doanh nghiệp/tháng) và năm 2021 (gần 10.000 doanh nghiệp/tháng).

Ngoài những khó khăn về khả năng tiếp cận vốn, tín dụng từ ngân hàng trong những tháng gần đây, hay áp lực lãi vay trước xu hướng lãi suất gia tăng, các doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng bởi giá hàng hóa, nhiên liệu thế giới leo thang đẩy chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Ngoài ra, một tín hiệu đáng lo ngại gần đây là số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu sụt giảm hoặc thậm chí bị hủy trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, do việc thắt chặt chi tiêu của người dân ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu. Điều này khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng sản xuất, đóng cửa nhà máy và sa thải nhân công.

Còn lực kéo hỗ trợ cho tăng trưởng từ khu vực nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đứng trước những tín hiệu không mấy tích cực. Mặc dù các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng và xu hướng phục hồi của kinh tế Việt Nam, nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới 10 tháng qua tiếp tục giảm 23,7% so với cùng kỳ, cho thấy nước ta chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Theo các chuyên gia kinh tế, việc sụt giảm vốn FDI đăng ký có thể ảnh hưởng đến số vốn FDI giải ngân trong tương lai và do đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Với nguồn vốn đầu tư đang gặp nhiều thách thức, lực đóng góp cho tăng trưởng sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào năng suất lao động - một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo trong phiên họp Quốc hội mới đây lại cho thấy tốc độ tăng năng suất lao động vẫn ở mức thấp và là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt trong năm nay, khi chỉ có thể tăng 4,7-5,2%, thấp hơn so với mục tiêu là 5,5%.

Nếu nhìn vào việc tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến vượt khoảng 2 điểm phần trăm so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch, tốc độ tăng năng suất lao động thấp rõ ràng cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và số lượng lao động. Đây là thực trạng đáng lo ngại, khi Việt Nam cũng sẽ bắt đầu đối mặt với bài toán già hóa dân số trong những năm tới.

Trong khi đó, một số dự báo cho thấy đà tăng lạm phát của Việt Nam sẽ có độ trễ so với thế giới do Việt Nam mở cửa chậm hơn và phản ứng chính sách trễ hơn. Do đó, lạm phát sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao và có thể đạt đỉnh vào nửa đầu năm sau và sau đó giảm dần về cuối năm.

Như vậy, trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ gần như đã hết, khu vực tư nhân không còn hỗ trợ nhiều cho đầu tư như giai đoạn trước, chính sách tài khóa khó phát huy hiệu quả do các dự án đầu tư công vẫn giải ngân chậm, dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chậm lại trước những rủi ro tỷ giá và bất ổn địa chính trị toàn cầu, thì động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn tới là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới