(KTSG Online) – Chính phủ Đức đang xem xét thành lập một quỹ do nhà nước hậu thuẫn để giúp đảm bảo và đa dạng hóa nguồn cung các nguyên liệu thô chiến lược cần thiết cho tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch như lithium, cobalt, nickel... Berlin xem đây là vấn đề cấp bách trong bối cảnh cuộc chiến Nga- Ukraine kích hoạt một cuộc cạnh tranh toàn cầu về an ninh tài nguyên.
- Cú sốc năng lượng thúc đẩy châu Âu cải cách thị trường khí đốt tự do
- SK (Hàn Quốc) đặt cược lớn vào các dự án sản xuất chip, năng lượng sạch ở Mỹ
Quỹ này là một phần quan trọng trong một cuộc cải tổ rộng lớn hơn trong chiến lược tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, theo một tài liệu của chính phủ Đức.
Đức ngày càng lo ngại về nguồn cung các nguyên liệu quan trọng bao gồm các kim loại cần thiết đối với nhiều công nghệ quan trọng trong tiến trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Mục đích của việc thành lập quỹ quốc gia là tìm các nhà cung cấp thay thế cho Trung Quốc, một sáng kiến được phát động bởi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, nhà chính trị của đảng Xanh, người chỉ trích mạnh mẽ chính sách kinh tế của đất nước đối với Trung Quốc. Các cuộc thảo luận nhằm giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh cũng đang diễn ra ở Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban châu Âu (EC) đã lên kế hoạch giới thiệu đạo luật về nguyên liệu thô quan trọng trong quí đầu tiên của năm 2023.
Theo một nghiên cứu của hãng kiểm toán Ernst & Young (EY) được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Kinh tế Đức, Đức phải nhập khẩu 39 trong tổng số 46 nguyên liệu thô chiến lược mà nước này cần để đạt các mục tiêu trong chính sách năng lượng và công nghiệp. EY cho biết Trung Quốc là nhà cung cấp đang nắm quyền chi phối 23 nguyên liệu chiến lược trong số này.
Hơn 90% khoáng sản đất hiếm mà Đức sử dụng là đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Đức và Trung Quốc đang xấu đi trong những tháng gần đây do cuộc chiến ở Ukraine, căng thẳng ở eo biển Đài Loan và những lo ngại lớn hơn của các nước phương Tây về sự thống trị kinh tế của Trung Quốc cũng như sự thâm nhập của nước này vào các lĩnh vực chiến lược. Nhiều nguồn tài nguyên mà Đức phụ thuộc vào nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với các công nghệ chuyển đổi năng lượng, bao gồm các nguyên liệu để sản xuất tấm pin mặt trời, tuốc-bin gió và pin.
Franziska Brantner, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và khí hậu Đức, nói: “Để tiến trình chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa với carbon thành công, chúng ta phải đảm bảo khả năng tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng trong dài hạn”. Bà nhấn mạnh, cuộc chạy đua tranh giành nguồn cung nguyên liệu thô chiến lược trên toàn cầu đang diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết, vì vậy Đức không được phép tụt lại đằng sau.
Franziska Brantner, người đang tháp tùng Thủ tướng Olaf Scholz trong chuyến công du châu Á cuối tuần này, muốn phát triển một chính sách nguyên liệu thô quốc gia chủ động hơn.
Nghiên cứu của EY cho biết mục tiêu của quỹ quốc gia thu mua nguyên liệu thô với sự tham gia hỗ trợ của khu vực tư nhân là giúp giảm rủi ro nguồn cung thông qua “cấu trúc tài trợ thay thế”.
Theo EY, quỹ quốc gia sẽ tài trợ mua nguyên liệu thô và hỗ trợ các dự án thăm dò khoáng sản ở trong và ngoài nước bằng cách phát hành các khoản nợ được chính phủ bảo lãnh. Quỹ này cũng có thể giúp các công ty mua cổ phần trong các công ty khai khoáng hoặc thực hiện các nghiệp vụ phòng chống rủi ro trên thị trường hàng hóa.
Chính phủ Đức đã cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty kinh doanh hàng hóa để giúp họ mua các mặt hàng năng lượng và kim loại quan trọng. Trafigura Group, công ty kinh doanh đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Singapore, đã đồng ý cung cấp các kim loại màu không phải của Nga cho các khách hàng Đức trong 5 năm tới dựa vào 800 triệu đô la Mỹ tín dụng ngân hàng được chính phủ Đức bảo lãnh.
Nghiên cứu của EY khuyến nghị chính phủ Đức thành lập một cơ quan quản lý tài nguyên để xây dựng các liên minh và điều phối các chính sách, đồng thời thiết lập một kho dự trữ quốc gia đối với các nguyên liệu thô quan trọng.
EY cho biết giá nguyên liệu thô ở các nước có chính sách nguyên liệu thô chủ động như Hàn Quốc hay Nhật Bản là thấp hơn so với ở châu Âu trong 10 năm qua. Các cơ quan nhà nước quản lý chính sách nguyên liệu thô ở Hàn Quốc và Nhật Bản chủ động tham gia hỗ trợ mua và thăm dò nguyên liệu thô. Ngoài ra, hai nước này cũng có các kho dự trữ nguyên liệu thô lớn mà các công ty có thể dựa vào trong trường hợp nguồn cung bị tắc nghẽn hoặc giá trên thị trường quốc tế bị đẩy lên cao.
Nghiên cứu của EY sẽ được chính phủ Đức sử dụng để cập nhật chiến lược tài nguyên quốc gia.
Theo Bloomberg, Tagesspiegel