Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Cơn địa chấn’ FTX sẽ lan xa tới đâu?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vụ phá sản của FTX, sàn giao dịch tiền ảo lớn thứ ba thế giới, đã gây ra một "cơn địa chấn” trong thế giới tài sản số. Câu hỏi cấp bách hiện nay là tác động của nó sẽ sâu rộng như thế nào?

Vụ phá của FTX và cú ngã ngựa của người sáng lập Sam Bankman-Fried đang khiến thị trường tiền ảo suy sụp. Nếu giá bitcoin giảm sâu hơn do tác động từ cơn địa chấn FTX, thị trường chứng khoán ở châu Âu và Mỹ có thể bị ảnh hưởng. Ảnh: CNN

Rõ ràng, những bên bị ảnh hưởng đầu tiên là các khách hàng gửi tiền ở FTX và các nhà đầu tư của công ty này. Xa hơn nữa, cú sụp đổ của FTX khiến thị trường tiền ảo càng suy giảm mạnh hơn và có thể dẫn đến tác động nhất định đến một số thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư phải bán bớt cổ phiếu để bù đắp thua lỗ ở các khoản đầu tư tiền ảo.

Lo ngại hiệu ứng lây lan

Nhận được sự hẫu thuẫn tài chính từ các nhà đầu tư tổ chức tên tuổi và những lời ca ngợi từ những nhân vật nổi tiếng ở Thung lũng Silicon cùng với chiến dịch quảng cáo rầm rộ, sàn FTX và người sáng lập Sam Bankman-Fried đã nổi như cồn trong vòng 3 năm qua kể từ ngày thành lập và từng được định giá 32 tỉ đô la Mỹ. Vì vậy, công việc xử lý hậu quả từ cú sụp đổ của FTX có thể mất nhiều tháng. Trong đơn xin phá sản nộp ở một tòa án của bang Delaware (Mỹ) hôm 11-11, FTX cho biết đang có các khoản nợ và tài sản trị giá từ 10-50 tỉ đô la Mỹ và 100.000 chủ nợ (chủ yếu là các khách hàng gửi tiền trên sàn FTX.com).

Greg Magadini, Giám đốc bộ phận phái sinh tại Amberdata, nhà cung cấp dữ liệu blockchain, cho biết: “Hiệu ứng lây lan, nỗi sợ hãi lớn hiện nay liên quan đến cú sụp đổ của FTX dường như đang thành hiện thực”.

Khách hàng của FTX, những người đã nộp tiền vào sàn FTX để mua bán tiền ảo hoặc thậm chí chỉ để kiếm lãi, có thể chịu tổn thương lớn nhất. Thủ tục phá sản là một quá trình diễn ra chậm chạp, do vậy, sẽ mất rất nhiều thời gian để thẩm định cách phân chia tài sản còn lại của FTX cho một loạt các bên liên quan.

Owen Lau, nhà phân tích tại Công tyOppenheimer & Co., nói: “Chúng ta chưa có tiền lệ về một vụ phá sản như vậy”.

Theo Lau, tòa án có thể ra phán quyết xem khách hàng nhỏ lẻ của FTX như là những chủ nợ không có bảo đảm, được hiểu là những  cá nhân cho vay tiền nhưng không nắm giữ tài sản cụ thể hoặc là tài sản thế chấp của bên nợ. Điều này có nghĩa là ưu tiên nhận lại tiền của họ sẽ thấp hơn so với các chủ nợ khác bao gồm các nhà đầu tư tổ chức. Trong kịch bản như vậy, những khách hàng chưa kịp rút tiền khỏi sàn FTX trong những ngày qua xem như mất trắng.

Những nhà đầu tư nhỏ lẻ khác trên thị trường tiền ảo cũng chịu thua lỗ lớn khi dư chấn từ quyết định nộp đơn xin phá sản của FTX khiến giá của các đồng coin ảo suy sụp. Giá bitcoin, đồng tiền ảo vốn hóa lớn nhất đã giảm khoảng 20% trong tuần này, tính đến ngày 11-11, nâng mức giảm lên 75% từ mức đỉnh gần 69.000 đô la Mỹ vào năm ngoái. Đồng ether, có vốn hóa lớn thứ hai thị trường và các đồng tiền ảo khác cũng lao dốc. Mã thông báo FTT của FTX giảm giá đến 85% chỉ trong vòng một tuần.

Hàng loạt bên liên quan sẽ bị ảnh hưởng

Ngoài ra, điều mà nhiều người lo sợ là mức độ tiếp xúc với FTX của rất nhiều tổ chức lớn và nhỏ, những bên có thể đã cho vay tiền, giao dịch hoặc liên kết vận may của họ với sàn FTX. Danh sách bị ảnh hưởng đang tăng lên, bao gồm BlockFi, công ty cho vay tài sản ảo gặp khó khăn từng được Bankman-Fried, người sáng lập FTX giải cứu.

Hôm 11-11, BlockFi thông báo tạm dừng việc rút tiền của khách hàng vì công ty không thể duy trì hoạt động bình thường do các bất ổn liên quan đến vụ phá sản của FTX.

BlockFi là một trong những công ty cho vay tiền ảo lớn nhất thế giới, từng được định giá 3 tỉ đô la Mỹ vào tháng 3 năm ngoái.

Hồi tháng 7, FTX US đã đồng ý cho BlockFi vay 400 triệu đô la Mỹ, kèm theo quyền chọn được phép thâu tóm BlockFi với mức giá dựa vào các điều kiện cụ thể.

Các điều kiện này bao gồm BlockFi phải nhận được giấy phép từ Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) để vận hành một dịch vụ tạo ra lợi suất ở Mỹ; đạt ít nhất 10 tỉ đô la Mỹ tài sản của khách hàng vào thời điểm FTX US thực hiện quyền chọn...

Nếu các điều kiện này được đáp ứng, FTX US sẽ phải chi tới 240 triệu đô la Mỹ để mua lại Blockfi, nếu không, BlockFi có thể đã được bán với giá thấp nhất là 15 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên giờ đây, thương vụ này xem như sụp đổ vì FTX Group cùng hàng trăm công ty liên quan khác bao gồm FTX US đã nộp đơn xin phá sản.

Công ty môi giới tiền ảo Genesis Trading của Mỹ cũng báo cáo rằng mảng kinh doanh phái sinh của họ có khoảng 175 triệu đô la Mỹ bị khóa trên một tài khoản giao dịch ở FTX. Trong khi đó, tỉ phú Michael Novogratz nói với CNBC rằng công ty của ông, Galaxy Digital Holdings, có khả năng sẽ không thể thu hồi khoản tiền 77 triệu đô la Mỹ tiếp xúc với FTX.

Quỹ đầu tư Galois Capital cũng có hơn một nửa tài sản, trị giá 100 triệu đô la Mỹ mắc kẹt ở sàn FTX.

Theo trang tin The Block, sàn FTX, FTX Ventures (đơn vị đầu tư của FTX) và Alameda Research, đã đầu tư vào hơn 250 dự án của một loạt công ty tài sản số như Helium, Aptos Labs, NEAR Protocol, Mysten Labs... Vẫn chưa rõ vụ phá sản sẽ ảnh hưởng đến các dự án này cũng như các công ty đứng đằng sau chúng như thế nào.

Alameda Research, công ty đầu cơ tiền ảo, cũng do Bankman-Fried sáng lập, đã cung cấp khoản vay 485 triệu đô la Mỹ cho Công ty cho vay tiền ảo Voyager Digital, vốn đã nộp đơn xin phá sản hồi tháng 7. Sau đó,  FTX US đồng ý mua lại Voyager Digital với giá 1,4 tỉ đô la Mỹ. Giờ đây, Voyager Digital phải mở lại cuộc bán đấu giá tài sản do FTX US phá sản. Voyager Digital cũng tiết lộ có 3 triệu đô la Mỹ đang bị khóa ở sàn FTX.

Các nhà đầu tư tổ chức mất nhiều nhất

Nhưng mất mát nhiều nhất có thể là nhóm các nhà đầu tư tổ chức đã rót tổng cộng 1,8 tỉ đô la Mỹ vào FTX trong những năm qua. Những nhà đầu tư này bao gồm SoftBank, Sequoia Capital, Quỹ hưu trí giáo viên Ontario, Công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings, Tiger Global Management, Lightspeed Venture Partners, Paradigm... Nhiều nhà đầu tư bao gồm SoftBank, Sequoia Capital cho biết họ sẽ bút toán xóa hết giá trị của các khoản đầu tư của họ ở FTX.

Một số nhà phân tích lo ngại hiệu ứng domino từ vụ sụp đổ của FTX có thể cũng đe dọa sự ổn định tài chính nói chung, tương tự như sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman vào năm 2008. Nhìn chung  thị trường tiền ảo chưa được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính toàn cầu vì có ít liên kết với các hoạt động kinh tế thực ngoài lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư tổ chức lớn thoát khỏi tiền ảo hoàn toàn và bán mạnh bitcoin, thị trường tiền ảo có thể giảm mạnh hơn nữa và dẫn đến tác động lây lan ngày càng tăng. Chẳng hạn như, các nhà đầu tư có thể phải bán cổ phiếu để bù đắp khoản lỗ của họ trên thị trường tiền ảo.

Thị trường chứng khoán Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu có liên kết chặt chẽ với tiền ảo hơn so với thị trường chứng khoán Trung Quốc và Nhật Bản. Do đó, phản ứng của thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu đối với các vấn đề về tiền ảo sẽ rõ ràng hơn.

Mike McGlone, nhà chiến lược thị trường hàng hóa cao cấp tại Bloomberg Intelligence, cảnh báo cú sụp đổ của đế chế tiền ảo của Sam Bankman-Fried có thể gây ra những những hậu quả vượt ra ngoài thị trường tài sản số. Ông nhận định cuộc khủng hoảng FTX có thể làm tăng tốc đà giảm giá trên thị trường hàng hóa giữa lúc nền kinh tế toàn cầu hướng đến cơn suy thoái. Ông cũng lưu ý thị trường cổ phiếu cũng có thể suy giảm trở lại, đặc biệt là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn tăng lãi suất. Ông dự báo cơn địa chấn FTX có thể đẩy giá bitcoin hướng đến các mốc 10.000-12.000 đô la Mỹ trong những tháng tới.

Theo Bloomberg, Coin Telegraph

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới