(KTSG Online) - UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, và đang hỗ trợ doanh nghiệp này nghiên cứu đầu tư dự án cảng biển.
Chính quyền sở tại yêu cầu dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đất liền, trên biển và có biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tại các dự án nói trên.
Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư (IPC) Bình Định, hôm nay, 15-11, Khu liên hợp Gang thép Long Sơn sẽ được xây dựng trên diện tích 468 héc ta với tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỉ đồng. Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư với công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng và thép cuộn.
Đồng thời, theo IPC Bình Định, nhà đầu tư này cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496,9 héc ta mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỉ đồng với quy mô đầu tư được chia làm 2 giai đoạn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có 10 bến, khu hậu cần cảng khoảng 44 héc ta, chiều dài đê/kè chắn sóng khoảng 4.000 m, công suất 11-13 triệu tấn/năm. Sau đó, trong giai đoạn sau năm 2025 (đã bao gồm giai đoạn 2021-2025) khu cảng sẽ có 13 bến, khu hậu cần cảng khoảng 44 héc ta, chiều dài đê/kè chắn sóng khoảng 4.000 m và công suất 30-35 triệu tấn/năm. Cảng Hoài Nhơn hình thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của Khu liên hợp gang thép Long Sơn, đảm bảo tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Khi cả 2 công trình dự án đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời giải quyết được số lượng lớn lao động tại địa phương. Theo đó, trong quá trình thi công dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 5.000 người và trong quá trình sản xuất, kinh doanh là khoảng 7.500 người.
Để giúp nhà đầu tư triển khai trình tự các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và các thủ tục liên quan, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan của tỉnh sớm xây dựng chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, nhất là tạo điều kiện về lao động, việc làm và các chính sách an sinh xã hội khác liên quan.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng yêu cầu dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đất liền, trên biển; không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường; chuyển mục đích sử dụng đất rừng; lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng…
Theo hồ sơ, bước đầu dự án có nhu cầu tuyển dụng khoảng gần 3.000 lao động. Theo đó, đối với thuyền viên tàu biển làm việc trên đội tàu biển, công ty sẽ liên hệ với các trường có chức năng đào tạo thuyền viên để ký hợp đồng đào tạo; đối với lao động cần phải qua đào tạo bao gồm cơ khí, điện, tự động hoá, luyện kim, vận hành thiết bị cảng, lái xe, lái máy công trình, kế toán, quản trị, bảo vệ… sẽ được đào tạo tại các trường đào tạo phù hợp, hỗ trợ kinh phí ăn ở trong quá trình học, đào tạo;
Đối với lao động không cần phải qua đào tạo hoặc không có bằng cấp (ưu tiên lao động nữ), vào làm các công việc như chăm sóc cây xanh, vệ sinh công nghiệp, nấu ăn, tạp vụ…. đồng thời được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Bộ luật Lao động.
Bên cạnh đó nhà đầu tư đề xuất tổ chức các chương trình an sinh xã hội tại địa phương như hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ sửa chữa và nâng cấp trường mẫu giáo… và các chương trình an sinh xã hội hàng năm tiếp theo trong từng giai đoạn xây dựng dự án cũng như khi đi vào vận hành.