Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mùa tour Tết 2023: áp lực bán cùng nỗi lo nghẽn dòng tiền

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau gần một tháng bán tour Tết 2023, một số công ty du lịch lớn tại TPHCM cho biết, sức mua tương đối khả quan nhưng doanh nghiệp đang đứng trước áp lực lớn là phải bán hàng nhanh vì Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay cận kề nhau. Thêm vào đó còn là nỗi lo thiếu tiền để chuẩn bị dịch vụ.

Du khách tìm hiểu thông tin tại một công ty du lịch. Ảnh: Minh Duy

Nếu như sản phẩm cho mùa tour Tết năm ngoái khá lèo tèo do TPHCM và nhiều địa phương ở phía Nam vừa kết thúc đợt giãn cách dài để chống dịch bệnh và du lịch quốc tế chưa mở cửa thì sản phẩm cho mùa Tết năm 2023 sắp tới đã khác hẳn.

“Kệ” tour Tết đã đầy hàng

Dạo một vòng thị trường có thể thấy, các công ty lữ hành đã phục hồi toàn bộ tour trong nước và gần hết tour nước ngoài, chỉ trừ dòng tour đến vài điểm đến đặc biệt như tour đi Trung Quốc, nơi vẫn thắt chặt các biện pháp chống dịch Covid-19.

“Chúng tôi có 300 tour Tết Nguyên đán trong và ngoài nước, dự kiến đón hơn 20.000 lượt khách”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nói và cho biết, không chỉ phục hồi gần hết các sản phẩm như hồi trước dịch mà công ty còn có thêm tour mới. Chẳng hạn, với mảng du lịch nước ngoài, trong Tết này công ty đã mở thêm dòng tour đến Nam Mỹ.

Tương tự, nhiều công ty khác, như Amazing Our World Travel, TST Tourist, Vietravel, Lữ hành Fiditour… cũng cho biết đã chào tour Tết từ giữa tháng 10 và gần như toàn bộ các dòng sản phẩm đã được mở lại.

“Hồi trước dịch, chúng tôi có những tour đi nước ngoài như Maldives, Nhật Bản và các tour trong nước cho khách tự chọn dịch vụ, nay tất cả đã trở lại danh sách bán”, bà Phan Thị Thu Hiền, CEO Công ty Amazing Our World Travel, nói.

Về giá cả, thông tin từ nhiều công ty du lịch lớn cho biết, giá tour trong nước và nước ngoài tăng bình quân ở mức 5-20% so với dịp bình thường. Tuy nhiên, những doanh nhân đang vận hành những công ty có quy mô nhỏ và vừa như bà Hiền, cho biết có nhiều tour nước ngoài tăng giá cao, từ 30% trở lên do vé máy bay đắt đỏ.

“Như với tour đi Nhật Bản, giá vào dịp bình thường cỡ 29-30 triệu đồng nhưng đến Tết phải là 40 triệu đồng hoặc hơn”, bà nói.

Áp lực phải bán nhanh

Mùa tour Tết năm nay có hai điểm khác biệt. Đó là, kỳ nghỉ Tết Dương lịch chỉ cách Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần thay vì một tháng rưỡi đến khoảng hai tháng như những năm trước và những biến động liên quan đến chi phí như lãi suất tăng, giá đô la Mỹ tăng so với tiền đồng, giá xăng dầu tăng cao. Điều này đã khiến các công ty phải đẩy nhanh tốc độ bán để kịp thời gian của hai kỳ nghỉ Tết và chủ động chuẩn bị dịch vụ, sắp xếp vốn. Phần lớn nhà tour đã đẩy bán tour Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán ngay khi chào hàng chứ không thể chờ đến khi kết thúc đợt bán hàng này mới sang đợt khác.

“Chúng tôi phải bán sớm, nếu để đến hết Tết Dương lịch mới đẩy mạnh tour Nguyên đán thì nhiều tour, trong đó có tour đường xa sẽ không kịp vì loại này cần nhiều thời gian xin thị thực”, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nói.

Những gì đang diễn ra trên thị trường đã cho thấy điều này. Đó là, tuy chào tour Tết từ rất sớm nhưng ngay từ thời điểm mới chào hàng, nhiều công ty đã ồ ạt khuyến mãi cho khách mua tour sớm. Các chương trình khuyến mãi tập trung vào nhóm đi các điểm đến xa ở nước ngoài, những nơi cần phải xin thị thực, có chi phí tour cao và những người đi tour trong nước bằng đường hàng không. Mức khuyến mãi tùy thuộc vào giá trị tour. Chẳng hạn, khách mua sớm các tour máy bay đi trong nước có thể được giảm vài trăm ngàn đồng nhưng có thể được bớt vài triệu đồng cho tour đường xa ở nước ngoài.

Ông Yên cho biết: “Người bán phải theo rất sát thị trường, xem kết quả liên tục để đưa ra các quyết định. Có thể nói, bán tour mùa này là phải canh từng đoàn một, nếu thấy không ổn là phải hành động ngay”.

Theo đó, với thị trường nhiều biến động như hiện nay, một khó khăn nữa của nhà điều hành là dự báo nhu cầu của thị trường. Trong quá khứ, như ở mùa du lịch hè rồi, nhiều công ty đã lâm vào cảnh có khách nhưng không có đủ dịch vụ để bán do không thể đoán được là thị trường sẽ bùng nổ đến mức nào. Tuy nhiên, nếu lấy kết quả tốt của mùa hè để chuẩn bị dịch vụ cho mùa Tết thì lại có thể khiến doanh nghiệp thừa dịch vụ và lỗ vốn. Vì vậy, cùng với việc ước lượng thị trường dựa vào kết quả bán của những mùa trước, từ các thông tin liên quan thì các biện pháp theo dõi và đánh giá thị trường liên tục như vừa kể trên là cực kỳ quan trọng trong mùa làm ăn cuối năm nay.

Nỗi lo “kẹt” tiền mua dịch vụ

Trao đổi với KTSG, nhiều doanh nhân cho biết, sức mua hiện tại có vẻ khả quan và kỳ vọng cho mùa Tết năm 2023 tương đối cao, có thể bằng 70-80% so với Tết năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành khác, doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính nên đang đau đầu tìm nguồn tiền để chuẩn bị dịch vụ.

Trước đây, áp lực tài chính của các công ty lữ hành không quá nặng nề vì hầu hết chỉ phải đặt cọc chi phí từ 10-15%, số còn lại sẽ trả cho đối tác sau khi khách trả tiền tour. Tuy nhiên, khi hoạt động du lịch được nối lại sau dịch, do đã có những “kinh nghiệm đau thương” từ việc hủy, hoãn dịch vụ vào phút chót và cũng do cạn nguồn tiền nên các nhà cung cấp dịch vụ liên quan như khách sạn, nhà hàng, hàng không… buộc lữ hành phải đặt cọc nhiều hơn. Đa số đã tăng tỷ lệ đặt cọc từ 50%, thậm chí 70-80% và yêu cầu lữ hành phải trả hết tiền ngay khi khách sử dụng dịch vụ. Điều này khiến đơn vị tổ chức tour cần nguồn vốn rất lớn để kinh doanh và có rất ít công ty có thể hoàn toàn chủ động được dòng tiền.

“Cho đến hiện tại, lượng khách mua tour Tết khá tốt nhưng do khó về dòng tiền nên chúng tôi thường xuyên đối mặt với chuyện làm sao tìm nguồn tiền để làm dịch vụ đầu vào”, ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên, Tổng giám đốc BenThanh Tourist nói.

Cũng như ông Nguyên, nhiều doanh nhân cho biết đang rất khó xoay xở nguồn vốn. Sau hơn hai năm lỗ vì ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp du lịch vừa cạn tiền lại vừa bị hạ hạn mức tín dụng nên khó tiếp cận các gói vay mới.

Trong khi đó, một số người cho biết hiện vẫn còn hạn mức tín dụng nhưng vẫn không thể vay vì room tín dụng được các ngân hàng tính… từng ngày và chỉ cho vay khi có khách hàng trả khoản tiền tương ứng. Lại có doanh nhân cho biết, được vay nhưng không dám mượn vì thấy khó có lãi với mức lãi suất vay hơn 9% như hiện tại.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp đã phải vận dụng rất nhiều cách, từ đàm phán lại với đối tác; thắt chặt khâu quản lý để theo sát khách hàng, thị trường; rút ngắn thời gian thu hồi nợ và cả việc huy động vốn từ tiền nhàn rỗi của nhân viên.

“Đã nhiều lần tôi phải hỏi vay nhân viên vì chỉ kẹt một, hai tỉ đồng làm dịch vụ nhưng lại không xoay được từ các nguồn khác”, một doanh nhân nói và cho rằng, đây chỉ là biện pháp “chữa cháy tạm thời” vì thực tế không có nhiều nhân viên có nguồn tiền nhàn rỗi lớn cỡ này.

Theo ông Nguyên, để có dòng tiền tốt nhất trong thời điểm này, nhân viên bán hàng, thu hồi công nợ phải làm việc cật lực hơn rất nhiều. Các mẫu hợp đồng hiện đã thay đổi, tương ứng với đặc thù của từng khách hàng chứ không còn là mẫu chung cho tất cả. Công tác thu hồi nợ cũng vậy, trước đây nhân viên có thể cho khách hàng lớn kéo dài thêm 5 đến 10 ngày trả nợ nhưng nay phải theo sát từng ngày để lấy tiền về nhanh nhất có thể.

“Áp lực cho mùa Tết này là không chỉ là làm sao kéo được nhiều khách mà còn là coi chừng có khách nhưng lại lỗ phí tài chính do không tính toán được những thay đổi”, ông Nguyên nói và cho rằng, có thể áp lực này sẽ còn tăng hơn trong thời gian tới vì thị trường vẫn đang biến động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới