Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hạt gạo – drone – máy chà

Huỳnh Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lần đầu tiên ở Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ có nhiều gian hàng máy móc công nghệ cho sản xuất nông nghiệp như vậy: bảy gian hàng drone và bốn gian hàng “máy chà gạo”. Một cuộc cạnh tranh về công nghệ sản xuất và chế biến gạo giúp tăng chất lượng, lợi nhuận, bảo vệ môi trường.

1.

Drone là phương tiện bay không người lái, hay gọi là máy bay nông nghiệp cho dễ hiểu. Một máy bay loại này, có thể làm ba việc là gieo hạt, rải phân bón, phun thuốc. Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, chủ gian hàng Công ty XAG Mekong (có trụ sở tại TPHCM, văn phòng đại diện ở Đồng Tháp), nói: “Làm thủ công, thí dụ phun thuốc, mỗi ngày một người chỉ phun được 5 héc ta lúa trong khi hai người sử dụng máy bay này thì phun được 50 héc ta, lại về sớm hơn mà khỏi phải lội ruộng, chỉ việc ngồi bên bờ kênh xem máy bay… bay”.

Khách tham quan drone ở gian hàng Singapore tại hội chợ Cần Thơ vào đầu tháng 11 này.
Ảnh: Huỳnh Kim

Chủ gian hàng Công ty Nicotex Cần Thơ Đỗ Trường Giang tính rằng máy bay này giúp giảm 30% chi phí về phân, thuốc, lúa giống, 50-60% tiền công lao động; bà con ít bị độc hại và chủ động với thời tiết hơn.

Ông Giang nói tiếp: “Các dịch vụ cho thuê máy bay nông nghiệp đang cạnh tranh dữ quá, nhưng nhờ đó mà nông dân có lợi. Trước mình làm dịch vụ bay một héc ta 350.000 đồng, giờ có nơi chỉ còn 120.000 đồng nên không làm nữa, để cho nông dân tự sắm máy làm dịch vụ này có lợi hơn”.

Tại các gian hàng, drone có xuất xứ từ Trung Quốc được trưng bày rất nhiều, như DJI, XAG, Top X Gun… và có giá bán thấp hơn giá drone nước khác. Tùy loại, một bộ drone có giá từ 300 triệu đến gần 700 triệu đồng, bán kèm khóa tập huấn.

Hầu hết, các công ty tham gia triển lãm năm nay đều cho biết đã mở văn phòng hay chi nhánh tại một số tỉnh làm lúa nhiều trên khắp đất nước. Và công ty nào cũng cho hay sẽ mở rộng thị trường vì tin chắc đây là xu hướng canh tác mới mà bà con nông dân ĐBSCL cần.

Anh Nguyễn Văn Hoàng Nguyên, ở gian hàng của Công ty Trường Thịnh (TPHCM), nói: “Tới đây, Trường Thịnh vẫn tập trung thị trường miền Tây và mở thêm thị trường miền Đông Nam bộ và Tây nguyên, phục vụ cho cả cây sầu riêng và cây công nghiệp”.

Còn anh Văn Thanh Liêm, chủ gian hàng drone Công ty TNHH Minh Ngọc (Long An), bán dòng máy hiệu Top X Gun, giá 370 triệu đồng/bộ, lại băn khoăn: “Hy vọng hãng Top X Gun cải tiến tối ưu máy bay nông nghiệp để giảm giá bán xuống còn 270 triệu đồng một bộ và mình có chính sách giúp nông dân mua trả góp được thì tốt quá”.

Còn có một gian hàng của Công ty ZenMuse (Singapore), dán slogan: “ZenMuse - chuyên gia về máy bay không người lái nông nghiệp chuyên nghiệp”. Chị Thùy Trang, người phiên dịch tại gian hàng này, cho biết ZenMuse đang tìm kiếm các doanh nghiệp làm đại lý và khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại Cần Thơ vào ngày 16-11. Họ bán hai dòng máy ZenMuse, giá 285 triệu và 310 triệu đồng/bộ. Chị Trang nói: “Zen Muse muốn phát triển rộng ra cả vùng ĐBSCL”.

2.

Có người nói “máy chà gạo” bây giờ quá hiện đại, khi tham quan hệ thống máy xay xát và máy tách hạt, tách màu của các thương hiệu Bùi Văn Ngọ, Bùi Văn, DCT và CNC. Đó là những cỗ máy xay xát nặng cả tấn, nhập thiết bị điện cơ tiên tiến của Nhật Bản; khi đưa vào dây chuyền sản xuất gạo có thể chiếm trọn một tòa nhà hai tầng.

Ví dụ: máy bóc vỏ lúa, máy tách trấu, máy tách thóc, máy xát trắng gạo, máy xát trắng thử mẫu gạo, máy đánh bóng gạo, máy sàng tạp chất, máy sàng tạp chất gạo, sàng rung, sàng đá, sàng đảo, trống phân hạt, trống trộn gạo, trống tách hạt lép, lò trấu, máy lọc bụi, mấy sấy, phụ kiện.

Giá bán máy cũng tùy từng loại, từ 98 triệu đến 617 triệu đồng một chiếc. Giá bán cả dây chuyền chế biến từ lúa ra gạo sẽ dựa vào công suất sản xuất 8, 12, 14, 15, 24 tấn/giờ, có giá từ 3,4 - 38,5 tỉ đồng một dây chuyền.

Một góc gian hàng máy xay xát gạo của Công ty Bùi Văn tại hội chợ Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo ông Bùi Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty Bùi Văn, các cỗ máy này giúp cho ra hạt gạo đạt tiêu chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, máy phải cho thu hồi gạo nhiều nhất, ở mức 67-69% sau khi bỏ cám, trấu và gạo không gãy, vỡ.

Ông Hiếu kể, khách hàng của ông mong được tiếp tục thay đổi công nghệ. Sao cho giảm điện năng hơn, thu hồi thành phẩm cao hơn, thu hồi được hết phụ phẩm (tấm, trấu, cám) và góp sức bảo vệ môi trường. Như vậy mới tiết kiệm chi phí cho nhà máy chế biến gạo, vì cũng là sản xuất gạo như bà con nông dân nhưng chi phí cao sẽ không có lời.

“Gạo còn bán được thì hệ thống máy xay xát còn đổi mới. Tôi kỳ vọng ngành lúa gạo Việt Nam ổn định giá để giúp ngành chế biến xuất khẩu gạo phát triển”, ông Hiếu nói.

Với máy tách hạt, tách màu DTC thì theo ông Dương Hoàng Tín ở Công ty DTC, sau khi gạo được xay xát, đánh bóng, dòng máy này sẽ tách tiếp phế phẩm của gạo để chất lượng hạt gạo tốt hơn, có giá trị hơn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Máy nhập từ Trung Quốc, công suất 10-15 tấn/giờ, giá bán 1,3 tỉ đồng. Nhu cầu này là từ thị trường, DTC đã có khách hàng ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL từ hơn 8 năm nay. Ông Tín nói: “Tôi hy vọng ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng phát triển, có lợi nhuận tốt hơn cho nông dân, doanh nghiệp chế biến gạo và cho cả chuỗi cung ứng gạo”.

Cũng nhập từ Trung Quốc là cỗ máy tách hạt hiệu CNC giá 1,1 tỉ đồng của Công ty Smart Sort. Ông Trương Phước Toàn, phụ trách kinh doanh của công ty này giải thích, quá trình sản xuất, do sấy, xay xát, lau bóng hoặc bị ẩm… gạo còn lẫn hạt xanh, non, bạc bụng, vàng hoặc còn đá, sỏi nên mới có dòng máy công nghệ cao này.

“Sản phẩm này có tiềm năng trở thành sản phẩm chính trong dây chuyền sản xuất sau cùng của hạt gạo”, ông Toàn nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới