(KTSG) - Một chuyên gia người Ý của công ty chúng tôi vừa phải trở về nước vì hết hạn thẻ tạm trú. Rồi hai ngày sau đó, ông quay trở lại Việt Nam bằng visa ngắn hạn theo diện du lịch để tiếp tục công việc đang rất cần sự có mặt của ông tại công ty.
- Hơn 9.000 lao động nước ngoài, chủ yếu người Trung Quốc thuộc diện ưu tiên nhập cảnh
- Trợ cấp thôi việc cho người nước ngoài tại Việt Nam: Đôi khi vẫn phải đòi
Đó là cách chúng tôi đối phó để vừa đáp ứng quy định cư trú theo pháp luật đối với người nước ngoài, vừa giảm thiểu ảnh hưởng công việc tại nhà máy. Việc đó tốn nhiều chi phí cũng như thời gian và công sức để lo các thủ tục.
Ông chuyên gia này làm việc ở công ty chúng tôi đã bảy năm và thời hạn thẻ tạm trú gần nhất là hai năm. Chúng tôi bắt đầu các thủ tục xin các giấy phép liên quan từ cách nay hơn hai tháng nhưng vẫn không kịp. Điều đáng nói là trước đây, để hoàn thành các thủ tục này, chúng tôi chỉ mất thời gian khoảng một tháng.
Đầu tiên, doanh nghiệp làm “mẫu 01” để “báo cáo giải trình” lý do sử dụng người nước ngoài trình sở lao động. Sở tập hợp danh sách trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt và trả lời cho sở bằng công văn, sở sẽ ban hành thông báo chấp thuận gửi các công ty. Có thông báo này, doanh nghiệp mới xin thủ tục cấp giấy phép lao động.
Sau khi gửi “mẫu 01” theo phương thức nộp hồ sơ online, chúng tôi chờ thông báo kết quả. Một tuần sau, thông báo cho biết hồ sơ thiếu giấy đăng tuyển công khai vị trí này ở trung tâm giới thiệu việc làm cấp tỉnh, vì theo quy định, khi nào không tuyển được người Việt Nam thì mới tuyển người nước ngoài.
Đã biết về quy định này nên trước đây chúng tôi đã đăng tuyển thông tin tại trung tâm giới thiệu việc làm và được hướng dẫn chỉ cần dẫn đường link đăng tuyển vào hồ sơ là được. Tuy nhiên, sở lao động vẫn đòi giấy đăng tuyển có xác nhận của trung tâm giới thiệu việc làm. Năn nỉ mãi, hồ sơ của chúng tôi mới được chấp thuận và được hẹn thêm hai tuần nữa.
Sau hai tuần không thấy kết quả như lịch hẹn, chúng tôi gọi điện thoại lên sở lao động hỏi thì được cho biết hồ sơ đang chờ UBND tỉnh phê duyệt, “khi nào có sẽ được thông báo”. Chúng tôi ngóng tin hàng ngày vì nếu không kịp làm thủ tục xin giấy phép lao động để xin thẻ tạm trú hoặc visa thì chuyên gia của chúng tôi buộc phải về nước hoặc doanh nghiệp bị phạt. Nhưng phải đến hơn một tháng sau chúng tôi mới nhận được thông báo chấp thuận của bước đầu tiên. Thời gian nhận kết quả chậm hơn lịch hẹn 32 ngày.
Đến bước thủ tục xin giấy phép lao động, cũng tương tự, khâu này mất ba tuần đến một tháng, kể từ khi có giấy hẹn. Nghĩa là cái “giấy hẹn” về thời gian trả kết quả không có giá trị thực tế. Trong khi chờ giấy phép lao động được ban hành, chúng tôi mang “giấy hẹn” lên cơ quan công an quản lý xuất nhập cảnh xin gia hạn visa một tháng để vị chuyên gia có thể ở lại cho đến khi có giấy phép lao động, sau đó sẽ làm thẻ tạm trú mới. Thông thường, các trường hợp này sẽ được giải quyết, nhưng lần này, anh công an nói một cách vô cảm: “Cho ông này xuất cảnh đi”.
Tất cả chuyện này cho thấy việc đi làm giấy tờ, liên hệ với cơ quan chức năng vẫn là một cực hình. Thực tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh công khai số điện thoại trên trang web của họ, nhưng để gặp được cán bộ thì phải gọi hàng chục cuộc và nếu may mắn được gặp thì cũng khó nhận được sự hướng dẫn một cách đầy đủ và rõ ràng. Còn việc đi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nơi làm giấy tờ, với tình trạng hiện nay thì phải đi từ 4 - 5 giờ sáng để lấy số thứ tự và xếp hàng. Có công ty phải cho những hai, ba người luân phiên nhau xếp hàng vì một người thì sẽ không chịu nổi.
Tôi được giải thích rằng tình trạng khó khăn như hiện nay là vì cơ quan chức năng rà soát lại các sai phạm trong thời gian qua về quản lý và kiểm soát người nước ngoài ở các địa phương. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta không thể cư xử theo cách “cào bằng”. Các doanh nghiệp, những người làm ăn chân chính, làm lợi cho đất nước cần được tạo điều kiện.
Để cải thiện tình trạng nêu trên, theo tôi, cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp: (1). Tăng tính cam kết của cơ quan chức năng về thời hạn “hẹn”, không thể cứ theo quán tính của cơ chế xin - cho. (2). Quản lý, sử dụng và truy cứu một cách hiệu quả dữ liệu đang có, theo đó, các doanh nghiệp, những người nước ngoài luôn chấp hành tốt quy định thì cần được giải quyết nhanh; doanh nghiệp nào cần rà soát, điều tra thì mới gia hạn thời gian, nhưng cũng cần báo trước để họ biết. (3). Thay đổi cách thức đăng ký: doanh nghiệp có thể đăng ký trước qua nền tảng số và được sắp xếp thời gian đến cơ quan nhà nước làm thủ tục. (4). Tăng cường nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đăng ký thủ tục của doanh nghiệp và người dân. Chúng ta cần phải dựa vào nhu cầu xã hội chứ không phải dựa vào những gì đang có.
Tạo điều kiện thuận lợi nhưng chặt chẽ trong thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến người lao động nước ngoài chắc chắn là khâu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.