(KTSG Online) - Liên minh Châu Âu (EU) sẵn sàng ủng hộ việc thành lập một quỹ chi trả cho những thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu ở các nước dễ bị tổn thương nhất nhưng với điều kiện các quốc gia đang phát triển giàu có như Trung Quốc phải cùng tham gia đóng góp.
- COP27 thảo luận về bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu
- Bẫy nợ khí hậu đe dọa các nền kinh tế mới nổi
Trung Quốc chỉ muốn đóng góp trên cơ sở tự nguyện
Đề xuất của EU đưa ra tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27) ở Ai Cập đã đặt ra câu hỏi về vị thế của Trung Quốc với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển có truyền thống nhận tiền hỗ trợ chống biến đổi khí hậu từ các nước phát triển giàu có. Trung Quốc là một phần của nhóm liên minh gồm 134 quốc gia đang phát triển thúc đẩy thành lập quỹ chi trả cho mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu, chẳng hạn cung cấp tài chính cần thiết để hỗ trợ tái định cư cho người dân mất mát chỗ ở vì lũ lụt ở các nước nghèo. Mất mát và thiệt hại ở đây là đề cập đến hậu quả của biến đổi khí hậu vượt quá khả năng thích ứng của con người hoặc khi có các lựa chọn để ứng phó nhưng cộng đồng không có đủ nguồn lực để tiếp cận hoặc sử dụng chúng.
Đề xuất nói trên là nỗ lực tìm cách phá vỡ thế bế tắc tại các cuộc đàm phán COP27 về các khoản chi trả cho thiệt hại do các biến cố thời tiết khắc nghiệt mà các nhà khoa học cho là có liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vấn đề này nổi lên như một điểm nhấn chính trong những ngày cuối cùng của hội nghị COP27.
Một đại biểu của Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới hiện nay, cho biết nước của ông chỉ có thể đóng góp cho một quỹ như vậy trên cơ sở tự nguyện. Vị đại biểu này chỉ trích các nước phát triển đang cố gắng đùn đẩy trách nhiệm chi trả này.
Frans Timmermans, đặc phái viên về khí hậu của EU đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cho biết quỹ chi trả thiệt hại khí hậu có thể được thành lập sau ít nhất một năm nữa nếu có sự tham gia đóng góp của các nước đang phát triển giàu có như Trung Quốc.
Timmermans nói thêm rằng “các điều kiện rõ ràng” sẽ được gắn với bất kỳ quỹ khí hậu nào. Chẳng hạn, quỹ sẽ hướng tới việc hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, với sự đóng góp của một nền tảng tài trợ rộng rãi. Quỹ sẽ không hoạt động riêng lẻ mà là một phần của một loạt các giải pháp bao gồm cải cách ở các ngân hàng phát triển đa phương.
Song song với đó, EU cũng có nhiều tham vọng hơn trong việc cắt giảm khí thải với các điều khoản mạnh mẽ hơn trong các kế hoạch quốc gia cập nhật về nỗ lực cắt giảm khí thải. Điều này phù hợp với mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp như đã nêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris.
Timmermans nói: “EU đã có những bước tiến vượt bậc, và trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, nếu bạn tiến lên một bước mà phía bên kia không nhúc nhích, thì cuộc đàm phán đó sẽ kết thúc”.
Trong mọi trường hợp, Timmermans cho rằng nhóm những nước đóng góp cho quỹ khí hậu mới phải nhiều trong hơn danh sách các nước được Liên hợp quốc xác định là “nước phát triển” trong thập niên 1990.
Ông nói: “Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn nhất hành tinh với rất nhiều sức mạnh tài chính. Vì sao nước này không đồng chịu trách nhiệm đóng góp cho quỹ chi trả mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu?”
Động thái của EU đã gây chú ý cho Mỹ, nước phản đối thành lập quỹ khí hậu mới và vẫn chưa phản hồi trước đề xuất của EU.
Paul Bledsoe, cựu cố vấn khí hậu của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton và hiện đang làm việc tại Viện Chính sách tiến bộ ở Washingtonm, nói: “Đề xuất của EU thiết lập nguyên tắc quan trọng rằng các khoản chi trả cho các nước đang phát triển để thích ứng với khí hậu phải phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu, mà xét cho cùng là mục tiêu trung tâm của Thỏa thuận Paris. Để nhận được sự ủng hộ của Mỹ, các khoản chi trả như vậy cho các nước khác cần phải được mô tả là viện trợ nước ngoài, chứ không nên xem đó là khoản bồi thường khí hậu”.
Kêu gọi các nước đang phát triển giàu có cùng gánh trách nhiệm
Đề xuất của EU lần đầu tiên chia các nước đang phát triển thành các nhóm khác nhau và buộc một số nước trong số đó như Trung Quốc phải cung cấp tiền cho quỹ khí hậu mới. Hành động đó sẽ là một lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc và các nền kinh tế lớn đang phát triển khác kể từ khi Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992 xác lập một sự phân chia rõ ràng: Mỹ, các quốc gia châu Âu, Nhật Bản và một số nền kinh tế khác được coi là thế giới phát triển, trong khi hầu hết các nước khác được xếp vào nhóm thế giới đang phát triển.
Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault cho biết đề xuất của EU đã đi đúng hướng khi kêu gọi tập trung tài trợ cho các nước dễ bị tổn thương nhất, đồng thời loại trừ các quốc gia đang phát triển có thu nhập cao hơn như Trung Quốc, Saudi Arabia và Qatar khỏi danh sách những nước nhận tài trợ cho thiệt hại tiềm năng do biến đổi khí hậu.
Các nước đang phát triển lập luận rằng các nước giàu nên sẵn sàng tài trợ vì họ phải chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải được bơm vào bầu khí quyển trong lịch sử.
Trong khi đó, các nước giàu cho rằng sự phân loại nước đang phát triển không còn hợp lý khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa của Trung Quốc diển ra nhanh chóng trong ba thập niên qua. Hơn nữa, các nước giàu dầu mỏ như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vẫn nằm trong định nghĩa nước đang phát triển của Liên hợp quốc đã khiến Mỹ và các nước giàu ở châu Âu, các nước đang bị kêu gọi cung cấp tài chính khí hậu, tức giận.
Bộ trưởng Guilbeault cho rằng với tư cách là nước phát thải lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang trên đà sớm vượt qua mức phát thải lịch sử của một số nền kinh tế phương Tây. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng những nước như Trung Quốc hoặc Qatar nên là một phần của nền tảng tài trợ khí hậu”.
Theo các đại biểu của Saudi Arabia, tiền chi trả cho mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu chỉ nên đến từ các nước phát triển. Đồng tình với ý kiến này, các đại biểu của UAE cho rằng không nên bắt buộc các nước vùng Vịnh Ba Tư và Trung Quốc đóng góp cho quỹ khí hậu vì họ vẫn là những nền kinh tế đang phát triển.
Một dự thảo thỏa thuận đầu tiên của COP27 đã được công bố vào hôm 18-11, nhưng thỏa thuận này một lần nữa lại bỏ qua lời kêu gọi của Ấn Độ về việc giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch theo tiến trình dần dần. Thỏa thuận cũng không có bất kỳ đề xuất chính thức nào về quỹ tài trợ mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav cho biết thay vì bế mạc hôm 18-11, hội nghị COP27 đã kéo dài thêm một ngày để cho phép các nước tháo gỡ những bế tắc về nhiều vấn đề quan trọng bao gồm quỹ chi trả mất mát và biến đổi khí hậu.
Theo WSJ, Guardian, Euractiv