(KTSG Online) - Khi ngày càng có nhiều công ty chuyển sang mô hình làm việc tại văn phòng kết hợp từ xa (hybrid), các nhà quản lý và nhân sự cấp cao phải điều chỉnh cách họ tương tác với nhân viên của mình. Đó là lý do thúc đẩy nhiều công ty tuyển dụng một vai trò mới: Giám đốc phụ trách làm việc từ xa (CRO - Chief Remote Officer).
- Châu Á đón nhận mô hình làm việc hybrid để thu hút nhân tài
- Xu hướng làm việc “hybrid” và thách thức quản trị thời Covid
Lực lượng lao động hiện nay trên toàn cầu trông khác rất nhiều so với 3 năm trước. Nhiệm vụ quản lý và điều phối các nhóm nhân viên làm việc theo mô hình hybrid và từ xa hoàn toàn đòi hỏi những kỹ năng khác với việc giám sát nhân viên làm việc tại văn phòng truyền thống. Vì vậy, một số doanh nghiệp đang bổ sung một vai trò mới cho vị trí quản lý cấp cao là CRO. Theo Builtin.com, lương cơ bản trung bình của CRO là 250.000 đô la Mỹ/năm.
Tên gọi chức danh chính thức của công việc đó thay đổi một chút giữa các công ty, nhưng vai trò là như nhau, chẳng hạn có một số công ty gọi chức danh này là Head of Remote. Họ có nhiệm vụ đảm bảo rằng các vấn đề mới phát sinh từ nhóm nhân viên làm việc từ xa phải được giải quyết nhanh chóng và các nhóm làm việc khác nhau có thể hài hòa và phối hợp công việc một cách dễ dàng để thúc đẩy tính hiệu quả. Một điều quan trọng nữa là họ phải bảo đảm các mô hình hoạt động của doanh nghiệp ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 không bị lỗi thời.
Thông thường, các doanh nghiệp công nghệ có từ 100 nhân viên trở lên nên cân nhắc những ưu và nhược điểm của CRO. Các công ty như Doist (chuyên về phần mềm quản lý công việc), GitLab, nhà phát triển nền tảng DevOps giúp kết hợp khả năng phát triển, bảo mật và vận hành phần mềm trong một ứng dụng, và Facebook của Meta Platforms đã tiên phong bổ sung vị trí CRO vì ngành công nghệ cần nhiều công việc từ xa hơn các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hiện nay, họ không đơn độc.
Một báo cáo nghiên cứu của Công ty tư vấn giải pháp nơi làm việc T3 Advisors hồi tháng 8 -2020 đã phát hiện ra rằng chỉ 2% trong số 95 công ty công nghệ được khảo sát có một nhà quản lý được chỉ định giám sát công việc từ xa. Đến tháng 2-2021, tỷ lệ đó đã tăng lên 15%.
Báo cáo nghiên cứu cho biết: “Điều ngày càng rõ ràng là động lực chính tạo nên hiệu quả lâu dài của công việc từ xa là có một nhà quản lý được chỉ định chịu trách nhiệm về sự thành công của lực lượng lao động phân tán”.
CRO cần phải là những người truyền đạt tốt, có khả năng làm việc hiệu quả mà không cần chỉ đạo từ cấp trên, và có thể chắt lọc các phản hồi liên tục để đưa ra các quyết định cho nhiều đối tượng nhân viên. Tất nhiên, kinh nghiệm quản lý là điều cần thiết, nhưng họ cũng phải có khả năng hiểu những cách mà nhân viên hoàn thành nhiệm vụ khi họ làm việc từ xa. Và sự nắm bắt các công cụ hỗ trợ làm việc từ xa cũng là điều rất quan trọng đối với họ.
Nhưng họ cũng phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Làm việc từ xa khác với làm việc trực tiếp và việc giám sát các nhóm nhân viên không có mặt tại văn phòng có thể yêu cầu thiết kế lại các chính sách hiện có.
Một trong những người tiên phong phụ trách quản lý nhân viên làm việc từ xa là Darren Murph của GitLab, người đã đảm nhận vị trí Giám đốc từ xa (Head of Remote) từ năm 2019 và đã giúp một số công ty phát triển vai trò này. Murph nói rằng sự thay đổi mà đại dịch Covid-19 mang lại chỉ là bước đầu tiên trong nhiều bước để tạo ra một mô hình làm việc hybrid hoặc hoàn toàn từ xa. Và các công ty thông minh đang tạo ra những công việc chưa từng tồn tại trước đây.
Murph cho rằng làm việc từ xa sẽ phát triển liên tục, đòi hỏi phải có người quản lý, nếu không các doanh nghiệp có nguy cơ trở lại những thói quen thông thường hoặc tạo ra một nền văn hóa rạn nứt mà không ai rõ ràng về những gì được mong đợi.
Chức danh CRO có thể còn khá mới nhưng công việc này không quá xa lạ như tên gọi của nó. Từ lâu, nhiều công ty đã chỉ định người giám sát các nhóm nhân viên ở các quốc gia hoặc khu vực khác nhau. Việc điều phối các nguồn lực đó để làm việc cùng với nhóm nhân viên tại văn phòng chính là nền tảng của vị trí mới này.
CRO chỉ là một trong số các chức danh quản lý mới xuất hiện kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến. Một số công ty thậm chí còn bổ sung chức danh Giám đốc Hạnh phúc (Chief Happiness Officers) vào hàng ngũ nhân sự cấp cao của họ.
Nhưng trong số tất cả những chức danh cấp cao mới, CRO có thể tồn tại lâu dài nhất vì người lao động dường như muốn tiếp tục làm việc tại nhà ít nhất là bán thời gian và các công ty bắt đầu tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ sử dụng diện tích văn phòng nhỏ hơn với chi phí hàng ngày thấp hơn.
Theo Công ty tư vấn RealChange, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tự hỏi liệu CRO có phải là một phần của xu hướng dài hạn hay đây chỉ là vai trò tạm thời để hỗ trợ sự thay đổi do một sự kiện bên ngoài thúc đẩy.
RealChange nhận định, trên thực tế bất kể tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến như thế nào, các kỹ năng do CRO phát triển chắc chắn sẽ là một phần năng lực cốt lõi mà các công ty có tư duy tiến bộ đang tìm kiếm để quản lý nguồn nhân lực.
Theo Nasdaq
Không có khái niệm Giám đốc từ xa (Chief Remove Officer) trong kỷ nguyên 4.0. Bởi vì công việc điều hành ngày nay, từ rất lâu vốn dĩ đã không còn liên quan đến giới hạn không gian và thời gian nữa rồi. Mặt khác, điều hành về bản chất là công việc cụ thể, chứ không phải hành vi cụ thể, xa hoặc gần. Ngôn từ đúng, đôi khi lại là ngôn từ không có sự thay đổi.