Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EU nhất trí áp trần giá dầu Nga 60 đô la/thùng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, hôm 2-12, các nước thành viên Liên minh châu (EU) đã đồng ý áp trần giá dầu Nga ở mức 60 đô la Mỹ/thùng trên thị trường toàn cầu. Thỏa thuận đạt được sau khi Ba Lan dừng phản đối. Mục đích áp giá trần là nhằm làm giảm doanh thu nhiên liệu hóa thạch của Điện Kremlin nhưng vẫn bảo đảm dầu của Nga tiếp tục chảy ra thị trường quốc tế để tránh cú sốc nguồn cung có thể đẩy giá dầu tăng vọt trở lại sau khi EU cấm vận dầu thô của Nga vào ngày 5-12 tới.

Các thùng dầu bên trong một nhà máy của tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom ở Omsk, Nga. Ảnh: Reuters

Trước đó, Ba Lan không đồng ý giới hạn giá dầu Nga ở mức 60 đô la Mỹ vì muốn EU hạ xuống mức thấp hơn nữa để xói mòn thêm thu nhập của Moscow. Giờ đây, sự ủng hộ của Ba Lan có nghĩa là EU hoàn tất sáng kiến này ​​​​trước ngày 5-12, khi lệnh cấm nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga vào EU có hiệu lực.

Lệnh cấm vận dầu Nga của EU cũng bao gồm quy định cấm các công ty ở EU cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính và hàng hải cho các tàu chở dầu thô của Nga. Tuy nhiên, các dịch vụ này có thể được cung cấp cho các tàu chở dầu từ Nga với điều kiện dầu của Nga phải được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá trần do các nước phương Tây ấn định.

“Chúng tôi có thể chính thức đồng ý với quyết định này”, Andzrej Sadoś, đại diện thường trực của Ba Lan tại EU, nói đồng thời cho biết thêm rằng việc công bố chính thức thỏa thuận sẽ diễn ra vào cuối tuần.

Thỏa thuận áp trần giá dầu Nga cũng bao gồm một điều khoản quy định rằng phải thường xuyên đánh giá mức giá trần để đảm bảo nó thấp hơn “ít nhất 5%” so với giá thị trường trung bình đối với dầu của Nga.

Thỏa thuận dự kiến sẽ có tác động trên phạm vi toàn cầu vì các nhà nhập khẩu dầu của Nga sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển từ các công ty có trụ sở tại EU và các nước G7 khác cần phải tuân theo mức giá trần.

Tuy nhiên, Nga nhiều lần tuyên bố không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tuân thủ cơ chế giá trần của phương Tây. Ấn Độ và Trung Quốc, hai khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, cho đến nay vẫn chưa nói rõ họ có ủng hộ thỏa thuận này hay không. Nga dự kiến ​​dựa vào các tàu chở dầu sẵn sàng hoạt động mà không có dịch vụ bảo hiểm của phương Tây, mặc dù các thương nhân đã cảnh báo xuất khẩu của nước này có thể giảm nếu không tiếp cận đủ lượng tàu dầu cần thiết.

Dầu Urals của Nga đang giao dịch ở mức chiết khấu lớn so với dầu Brent chuẩn quốc tế. Các chuyên gia an ninh từ tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói rằng mức trần 60 đô la Mỹ là không có tác dụng vì giá dầu hiện tại của Nga chỉ ở mức khoảng 52 đô la Mỹ/thùng. Các nhà phân tích ước tính Nga vẫn lãi khi bán dầu từ 40-45 đô la Mỹ/thùng.

“Thỏa thuận trần giá dầu hôm nay là một bước đi đúng hướng, nhưng điều này là chưa đủ. Ý định là đúng nhưng tác động là yếu”, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu viết trên Twitter.

Sáng kiến ​​giới hạn giá dầu Nga được G7 nhất trí hồi tháng 9. Chi tiết về cách hoạt động của sáng kiến này đã được tranh luận gay gắt kể từ thời điểm đó. Ủy ban châu Âu (EC) ban đầu đề xuất mức giá trần dầu Nga là 70 đô la Mỹ/thùng. Ba Lan và các nước thành viên EU như Lithuania và Estonia yêu cầu hạ mức giá trần xuống sâu hơn.

Trong những ngày gần đây, các nước EU đã đàm phán về mức giá trần 60 đô la Mỹ nhưng Ba Lan tiếp tục phản đối. Tuy nhiên, cuối cùng, nước này cũng đã đồng ý khi Brussels nhất trí đẩy nhanh tiến độ thực hiện một gói trừng phạt mới chống lại Moscow, trong đó sẽ bao gồm các biện pháp do Ba Lan đề xuất. “Chúng tôi muốn hoàn toàn chắc chắn rằng chúng tôi đang nghiên cứu một gói trừng phạt mới, đau đớn và tốn kém đối với Nga”, ông Sadoś nói.

Mỹ rất ủng hộ cơ chế áp giá trần dầu Nga vì Washington muốn đảm bảo dầu của Nga tiếp tục được xuất khẩu để tránh tình trạng thiếu hụt toàn cầu, có thể dẫn đến đợt tăng giá mới của dầu thô, gây khó khăn cho cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ.

Mỹ hy vọng Ấn Độ và Trung Quốc vẫn có thể sử dụng cơ chế giá trần này để đàm phán giảm giá lớn hơn đối với dầu Nga.

Một số nước EU ban đầu yêu cầu mức giá trần thấp đến 30 đô la Mỹ/thùng, nhưng Brussels lo ngại điều này sẽ khiến Moscow cắt giảm xuất khẩu.

Bộ Tài chính Nga cho biết xuất khẩu dầu và khí đốt trong năm nay có thể đạt 11,7 nghìn tỉ rúp, chiếm 42% doanh thu xuất khẩu Nga trong năm. Nga cảnh báo biện pháp áp trần giá dầu của phương Tây có thể tàn phá thị trường năng lượng và đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.

Các nhà phân tích năng lượng cho rằng G7 sẽ cần sự ủng hộ từ những khách hàng mua dầu lớn của Nga nếu muốn mức trần giá dầu Nga có hiệu lực. Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng mua dầu của Nga sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine để hưởng lợi từ mức chiết khấu do Moscow đưa ra.

Nhưng dường như cả hai nước này đều không muốn tuân thủ mức giá trần. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep S Puri nói với CNBC vào tháng 9 rằng ông có “nghĩa vụ đạo đức” đối với người tiêu dùng nước mình. Ông cho biết:  “Chúng tôi sẽ mua dầu từ Nga, chúng tôi sẽ mua từ bất cứ đâu”.

Theo Financial Times, CNBC, Guardian

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới