Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Cấp cứu’ doanh nghiệp thế nào?

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chúng ta cần giúp doanh nghiệp nhưng phải tìm ra biện pháp tối ưu.

Chọn thuốc chữa bệnh hay thuốc gây tê?

Điệp khúc “khát vốn”, “thiếu tiền”, “doanh nghiệp chông chênh”… liên tục được lặp đi lặp lại trong hơn một tháng qua. Tất nhiên, viện dẫn việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp khó khăn do room tín dụng, sự ảm đạm của thị trường chứng khoán và sự trầm lắng của thị trường trái phiếu là một lựa chọn khó sai, vì thế có thể nói vô cùng dễ dãi.

Bởi lẽ, đối với bất cứ doanh nghiệp nào, được tiếp cận vốn giá rẻ vào thời điểm kinh tế toàn cầu đối diện suy thoái và nền sản xuất trong nước gặp nhiều chật vật thì dù ít dù nhiều cũng giúp tạo ra những cơ hội mới.

Thế nhưng, “nồi cơm Thạch Sanh” chỉ có trong cổ tích còn trong đời thực thì hoàn cảnh càng khó khăn, càng phải sử dụng các nguồn lực của quốc gia, trong đó có nguồn vốn một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các kiến nghị về việc cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp như gia hạn kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp thêm một năm hay đặt ra vấn đề cơ quan quản lý phải hành động để các doanh nghiệp trả tiền vay đúng hạn… thể hiện mong muốn một sự can thiệp không phù hợp vào mối quan hệ dân sự giữa doanh nghiệp - nhà đầu tư.

Bàn tay Nhà nước sẽ điều chỉnh, sửa chữa những khuyết tật trên thị trường, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới động thái xử lý sai phạm tại Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Đối với tình cảnh của doanh nghiệp Việt hiện tại, sự tác động từ phía quản lý phải đứng trên tầm nhìn và lợi ích vĩ mô, bằng các biện pháp có tác dụng cả ngắn hạn lẫn lâu dài. Đó phải là liều thuốc có thể đắng để “giã tật” chứ không phải dạng thuốc gây tê liều cao khiến con bệnh và người nhà tạm yên tâm về bệnh trạng.

Tiếp cận từ góc độ này, vấn đề đầu tiên không phải là tiền đâu. Muốn cấp cứu, muốn trị bệnh thì phải chẩn bệnh, nghĩa là, phải xác định, trong nền kinh tế, ai đang mắc bệnh trầm kha cần liều thuốc đặc trị, ai đang sốt cảm mà điều người đó cần chỉ là một liều aspirin và ai đang khỏe mạnh? Từ đó, bóc tách những thực thể sản xuất kinh doanh khỏe mạnh, tránh nguy cơ nhóm này bị lây nhiễm bệnh từ các cá thể ốm yếu, có biện pháp trị bệnh thích hợp với nhóm doanh nghiệp đang lâm bệnh.

Ở đây, việc cần làm là nghiên cứu tình hình sức khỏe của doanh nghiệp nói riêng, nhờ vậy, nhìn nhận chính xác hiện trạng của toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung. Sẽ buộc phải đối diện với một khối lượng công việc lớn, tương đối phức tạp. Bởi lẽ, đối với mỗi doanh nghiệp, ngoài việc trước mắt và trọng tâm là xác định luồng tiền (cash flow), cần tìm ra nguyên nhân họ khát vốn do tắc nghẽn dòng tiền ngắn hạn liên quan tới thanh toán của các hợp đồng đã thực hiện hay do đầu tư rủi ro, nguy cơ mất vốn cao… và đưa ra giải pháp hợp lý.

Đối với nhóm doanh nghiệp mà vướng mắc về luồng tiền chỉ là vấn đề kỹ thuật, cần tư vấn về điểm nghẽn hiện hữu, đề xuất phương án giải quyết, đồng thời hỗ trợ họ cách thức lập hồ sơ vay vốn hoặc phát hành trái phiếu để tiếp cận nguồn tiền cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với nhóm doanh nghiệp đang mấp mé bờ vực nguy hiểm, sẽ phải lựa chọn đối tượng ứng cứu. Ngoài việc dựa trên mức độ phức tạp và ảnh hưởng của các biện pháp can thiệp (tín dụng hay chính sách, có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng với các nhóm doanh nghiệp khác), cần dựa trên ưu tiên phát triển của nền kinh tế, thị trường, lợi thế so sánh của sản phẩm trên thị trường trong cả ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp. Điều này đảm bảo việc hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo ra lợi ích tối đa cho toàn nền kinh tế.

Đối với nhóm doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư thiếu trách nhiệm, khó tránh khỏi khả năng cụt vốn, thì phá sản là lựa chọn bắt buộc. Khuyến khích doanh nghiệp vận hành quy trình phá sản phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ thế giới, cử đội ngũ chuyên gia tư vấn nếu họ có nhu cầu để đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại của nhà đầu tư.

Cần lưu ý thêm rằng, phá sản không có nghĩa là doanh nghiệp biến mất mà đi cùng với biện pháp này là phương án cơ cấu lại cả về quản lý lẫn cách vận hành sản xuất kinh doanh, để sớm đưa doanh nghiệp trở lại thị trường.

Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm khám sức khỏe cho doanh nghiệp? Nêu ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, doanh nghiệp cần phải chủ động. Không có lý do gì mà doanh nghiệp mạnh khỏe không đưa ra báo cáo tài chính minh bạch, thể hiện luồng tiền rõ ràng, không gặp vướng mắc để tiếp tục tiến hành các hoạt động huy động vốn đúng quy định, không ai có thể ngăn cản.

Đối với nhóm doanh nghiệp còn lại, phần việc thuộc về các hiệp hội doanh nghiệp. Xét về quyền lợi tự thân, doanh nghiệp hoạt động tốt thì hiệp hội mới mạnh, đồng nghĩa, hỗ trợ cải tổ, thêm sức cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi và loại bỏ nhóm yếu kém là chuyện cần làm. Mặt khác, tìm ra bệnh trạng thì sẽ tìm được bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng thích hợp.

“Phân loại được tình trạng doanh nghiệp, giải quyết vốn cho những doanh nghiệp có nhiều tiềm năng sẽ giúp một phần hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo và phát triển, nhờ đó, một lượng tín dụng nhất định lưu thông bình thường.

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Bộ Tài chính, quy mô trái phiếu đáo hạn trong năm 2022 vào khoảng 220.000 tỉ đồng, trong khi tính tới hết tháng 10-2022, khối lượng trái phiếu được mua lại trước hạn đã trên 152.000 tỉ đồng.

Áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2022 đã giảm mạnh và chúng ta sẽ còn nhiều thời gian để chấn chỉnh thị trường trước các đợt đáo hạn lớn vào hai năm tới”, ông Bùi Kiến Thành nhận định.

Theo Bộ Tài chính, quy mô trái phiếu đáo hạn trong năm 2022 vào khoảng 220.000 tỉ đồng. Ảnh minh họa: N.K

Đừng để có luật nhưng lách luật

Còn nhớ, sau khi sai phạm trong phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh vỡ lở, một tờ báo trong nước đã tìm ra những nhà đầu tư bất đắc dĩ vào trái phiếu của doanh nghiệp này. Đó là một cặp vợ chồng già, chuyển hơn 6 tỉ đồng gửi tiết kiệm sang đầu tư trái phiếu vì đặt niềm tin vào một vị giám đốc ngân hàng là hàng xóm. Đó là một chị bán xôi, nhặt nhạnh từng đồng để có được khoản tiền 1 tỉ đồng rồi trở thành nhà đầu tư. Đáng nói hơn, trên danh nghĩa, họ đều được xem là những “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.

Theo tất cả các quy định của pháp luật Việt Nam về phát hành, chào bán, đầu tư trái phiếu, chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và giao dịch trái phiếu riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Luật Chứng khoán 2019 cũng quy định rõ về cách xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp: hoặc phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, hoặc phải giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỉ đồng tại thời điểm được xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc phải có thu nhập chịu thuế hàng năm là 1 tỉ đồng.

“Có sự phù phép biến hai người già về hưu, một chị bán xôi trở thành “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” hay không? Công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại liên đới gì trong chuyện này? Số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp thật sự chuyên nghiệp trên thị trường là bao nhiêu? Đó là những câu hỏi buộc phải trả lời và nếu phát hiện sai phạm, chúng ta buộc phải xử lý nghiêm”, ông Bùi Kiến Thành thẳng thắn.

Theo vị chuyên gia này, vấn đề nêu trên cần phải được ưu tiên xử lý vì nó liên quan trực tiếp tới việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 65/2022 vẫn chỉ đưa ra nguyên tắc chung gồm: tự vay tự trả, trái phiếu phát hành để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động… chứ không đặt ra yêu cầu về tình trạng tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Trên thực tế, số liệu từ FinnGroup cho thấy, trong ba năm 2019-2021, có đến khoảng 80% tổ chức phát hành là các doanh nghiệp chưa niêm yết và phần đông là các công ty dự án hoặc mới thành lập. Trong hoàn cảnh đó, lẽ ra, yêu cầu trong thẩm định hồ sơ của đơn vị tư vấn phát hành và bảo lãnh phát hành phải đặt ra rất khắt khe.

Tuy nhiên, việc nhiều nhà đầu tư thiếu kiến thức bỗng thành chuyên nghiệp, việc phân phối trái phát hành riêng lẻ chủ yếu dựa vào sự tư vấn, mời chào về lãi suất sẽ làm mờ vai trò phải có của đơn vị tư vấn phát hành và đơn vị bảo lãnh. Đã vậy, kể cả cố tình làm sai, mức phạt từ 70 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng là quá nhỏ so với lợi ích thu được, vì thế, vẫn thiếu sức răn đe.

“Cần phải quản lý sát sao hơn việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ, để loại bỏ tư duy muốn huy động và sử dụng tiền của nhà đầu tư một cách vô trách nhiệm”, theo ông Bùi Kiến Thành.

2 BÌNH LUẬN

  1. Không nên mong chờ những gì không thể chờ mong. Không có nhà nước nào đủ sức cứu trợ hết các doanh nghiệp. Cũng như không có doanh nghiệp nào tồn tại nếu không biết tự cứu mình. Cuộc chơi là công bằng. Nhà nước hữu hiệu khi biết kiến tạo luật chơi. Doanh nghiệp giỏi giang khi biết vận dụng cách chơi. Thế thôi.

  2. Một khi đã cấp cứu, chỉ có hai tình huống xảy ra. Một là thoát chết. Hai là chờ chết. Thoát/ hay chờ, rốt cuộc cũng giống nhau. Cuộc đời ai cũng vậy, trước sau cũng đi đến hồi kết, chỉ khác nhau thời điểm nào. Vì vậy, hãy cứ cố gắng khi còn có thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới