(KTSG Online) - Với những văn phòng hào nhoáng, xe buýt điện và những cư dân làm việc hiệu quả về kinh tế, Nusantara, thủ đô mới của Indonesia, hứa hẹn sẽ trở thành một đô thị hiện đại bậc nhất.
Đó là những gì các tài liệu quảng cáo về thủ đô mới, nằm ngay giữa một khu rừng nhiệt đới rộng lớn trên đảo Borneo ở phía đông bắc của Jakarta, thủ đô hiện tại do chính phủ mô tả. Những gì không được trình bày rõ ràng là Indonesia sẽ tìm đâu ra 34 tỉ đô la Mỹ để xây dựng một thành phố thủ đô mới từ con số 0.
- Indonesia gấp rút tăng sản lượng than, nhắm đến nhu cầu của châu Âu trong mùa đông
- Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Indonesia
Chưa có nhà đầu tư quốc tế cam kết đầu tư mang tính ràng buộc
Chỉ còn 18 tháng nữa trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình, Tổng thống Joko Widodo vẫn đang sốt sắng tìm cách mời gọi các nhà đầu tư quốc tế tài trợ 80% cho dự án thủ đô mới mà ông hy vọng sẽ nâng cao nền kinh tế đất nước, tái định cư hàng triệu người khỏi thủ đô Jakarta, nơi các khu vực ven biển đang chìm nhanh chóng trước tình trạng mực nước biển dâng cao, đồng thời giúp củng cố di sản của chính ông.
Nhưng hơn ba năm sau khi công bố dự án thủ đô mới Nusantara, chưa có bất kỳ một nhà đầu tư nước ngoài nào ký kết một hợp đồng ràng buộc pháp lý để tài trợ cho dự án. Các nguồn thạo tin cho biết đồng vốn khó khăn khiến Tổng thống Widodo lo lắng.
Khi được yêu cầu bình luận, người phát ngôn của Tổng thống Widodo đã đề cập đến một bài phát biểu của ông Widodo hôm 2-12, trong đó, ông nói rằng các nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào khu vực cốt lõi của thủ đô mới với lượng vốn vượt quá 25 lần dự toán. Tuy nhiên, bài phát biểu này đã không nêu rõ rằng các hợp đồng tài trợ vốn đã được ký kết hay chưa hoặc có mang tính ràng buộc pháp lý hay không.
Indonesia cần một một giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng nếu không có sự đầu tư đáng kể, tầm nhìn của Tổng thống Widodo sẽ sụp đổ.
Dedi Dinarto, nhà phân tích tại Công ty tư vấn kinh doanh chiến lược Global Counsel, nhận định: “Các nhà đầu tư nước ngoài đang cực kỳ thận trọng vì dự án thủ đô mới của Indonesia vẫn đang ở giai đoạn ban đầu”.
Dinarto cho biết thêm, phần lớn công việc phát triển ban đầu của dự án thủ đô mới tập trung vào các khâu sơ bộ như đường và cầu cống. Theo ông, các nhà đầu tư có thể vẫn không chắc chắn về cách họ có thể kiếm được lợi nhuận từ việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cơ bản như vậy. Ngay cả khi tiến độ thi công diễn ra suôn sẻ, bất kỳ phần thưởng nào dành cho các nhà đầu tư cũng sẽ nằm trong dài hạn.
David Sumual, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Bank Central Asia (Indonesia), nói: “Nhiều nước đang phải đối mặt với suy thoái hoặc đã rơi vào suy thoái do nền kinh tế toàn cầu trì trệ”. Theo Sumual, trong vài năm tới, ngay cả những nước giàu nhất cũng có khả năng ưu tiên cho chương trình nghị sự trong nước của họ.
Indonesia đã phải chật vật tìm cách thoát ra khỏi hình ảnh lâu đời là một nền kinh tế phát triển dưới tiềm năng. Mặc dù sở hữu nguồn than đá, kim loại, dầu cọ và cao su dồi dào, tốc độ tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này chỉ đạt mức trung bình 4,3% trong thập niên qua, kém xa các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu và bộ máy hành chính quan liêu được cho là nguyên nhân khiến Indonesia nhiều lần không đạt được các mục tiêu tăng trưởng tham vọng.
Tổng thống Indonesia Widodo đã ra lệnh cho nội các hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng hiện hành trước năm 2024 và ưu tiên cấp phép cho các dự án hạ tầng chiến lược như thủ đô mới Nusantara.
Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng thủ đô mới sẽ đối mặt với số phận tương tự như dự án tàu điện ngầm ở Jakarta, vốn trì trệ gần 30 năm do các vấn đề thu hồi đất và hạn chế về kinh phí.
Và trong khi chính phủ Indonesia có kế hoạch tự chi trả cho giai đoạn đầu tiên trong số năm giai đoạn xây dựng của dự án thủ đô mới Nusantara, các nguồn lực của nhà nước đang căng thẳng do phải ưu tiên trước mắt cho các chi phí như giáo dục và cuộc chiến chống lạm phát. Trong khi đó, nguồn vốn tài trợ cho các giai đoạn còn lại của dự án vẫn mịt mù.
Thủ đô mới giúp Jakarta ứng phó với khủng hoảng khí hậu
Tổng thống Widodo có những lý do thực tế để xây dựng một thủ đô mới. Trải dài trên bờ biển phía tây bắc của đảo Java, thành phố Jakarta, nơi sinh sống của hơn 10,6 triệu người và đóng góp 16,5% GDP của Indonesia, quá đông đúc, ô nhiễm và chìm nhanh đến mức 1/3 diện tích của nó được dự báo sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2050 nếu không được kiểm soát.
Quy hoạch đô thị yếu kém và hàng thập niên khai thác nước ngầm từ bên dưới lòng đất thành phố đã khiến Jakarta dễ bị lũ lụt nghiêm trọng. Rủi ro lũ lụt sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi khí hậu ấm lên.
Di chuyển trung tâm hành chính của Indonesia đến đảo Borneo, cách xa hơn gần 1.300 km về phía đông bắc, là một phản ứng đối với cuộc khủng hoảng sắp xảy ra đó.
Indonesia hy vọng sẽ chuyển 1,9 triệu người đến Nusantara vào năm 2045, với một số nhóm công chức sẽ chuyển đi sớm nhất là vào năm 2024 nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch. Theo chính phủ Indonesia, việc giãn mật độ dân cư ở Jakarta sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với các nguồn lực, cho phép nó tiếp tục hoạt động như một trung tâm kinh doanh của đất nước.
Về lý thuyết, điều này cũng có thể giúp phân bổ của cải quốc gia đồng đều hơn cho hơn 275 triệu người dân. Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ nghèo đói cùng cực cao nhất thế giới và phần lớn sự thịnh vượng của đất nước tập trung ở đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta.
Dự án thủ đô mới cũng nhằm mục đích giúp đưa nền thuộc địa cũ của Hà Lan trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm ngày Indonesia tuyên bố độc lập. Đến lúc đó, chính phủ hy vọng Nusantara sẽ tạo ra hơn 4,8 triệu việc làm trong các lĩnh vực như công nghệ, hóa dầu và năng lượng tái tạo.
Dự án thủ đô mới nằm sâu trong phần phía đông của khu rừng rậm Borneo với các đường đi vào đã được xây dựng và một số khu đất đã được giải phóng mặt bằng. Một nhà thầu địa phương đã được thuê để xây dựng dinh tổng thống, nơi ông Widodo dự kiến tổ chức lễ kỷ niệm 79 năm quốc khánh của Indonesia vào ngày 17-8-2024.
Tháng trước, ông Widodo thông báo công việc xây dựng dinh tổng thống và các tòa nhà chính phủ khác sẽ bắt đầu vào tháng 12 này. Nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi về việc liệu có đủ kinh phí đầu tư cho dự án thủ đô mới hay không.
Các nhà đầu tư Nhật Bản rút lui
Hồi tháng 1-2020, Masayoshi Son, người sáng lập Tập đoàn đầu tư SoftBank của Nhật Bản, là một trong số rất ít nhà đầu tư nước ngoài sớm bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất về một thành phố thân thiện với môi trường được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo ở Borneo. Sau đó, ông đã tham gia ban điều hành dự án Nusantara.
Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, tất cả các dự án khổng lồ trên thế giới, không chỉ là Nusantara, hầu hết đều bị các nhà đầu tư gạt ra khỏi tầm ngắm.
Những thách thức của dự án Nusantara trở nên nghiêm trọng hơn vào tháng 3 năm nay, khi SoftBank tuyên bố sẽ không tài trợ cho dự án. Hồi tháng 10, Tập đoàn Đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển đô thị ở nước ngoài của Nhật Bản cũng đã rút lại kế hoạch tham gia đầu tư dự án thủ đô mới của Indonesia.
Khi các nhà đầu tư Nhật Bản rút lui, Tổng thống Widodo đã công du nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm nguồn vốn cho dự án mang dấu ấn của ông.
Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết sẽ đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia thông qua cam kết rót 10 tỉ đô la Mỹ cho Cơ quan đầu tư nhà nước Indonesia, dù không có hợp đồng ràng buộc nào liên quan đến Nusantara được ký kết. Tương tự, ông Widodo cũng nhận được cam kết đầu tư 11,9 tỉ đô la Mỹ từ Nhật Bản và Hàn Quốc trong các chuyến thăm đến các nước này hồi tháng 7 nhưng không có khoản tiền cụ thể nào được phân bổ cho thủ đô mới.
Một số công ty ở các nước bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và UAE đã ký ý định thư đầu tư vào dự án thủ đô mới Nusantara. Tuy nhiên, các văn bản đó không mang tính ràng buộc pháp lý và các công ty này vẫn có thể rút lui.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ lập quy hoạch và gây quỹ cho dự án nhưng không hỗ trợ đầu tư trực tiếp.
Điều này không có nghĩa là thủ đô mới sẽ không được triển khai xây dựng. Đầu năm nay, Indonesia đã thông qua luật mở đường cho việc chuyển trụ sở chính phủ tới Borneo.
Peter Mumford, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group, nói: “Đã có sự ủng hộ chính trị tương đối rộng rãi cho ý tưởng này. Vấn đề không phải là liệu dự án có tiến lên hay không, mà là nó được triển khai nhanh đến mức nào và mức độ tham vọng ra sao”.
Nhưng việc di chuyển thủ đô là không dễ dàng. Các thủ đô mới như Brasilia của Brazil hay Naypyidaw của Myanmar thường mất hàng thập niên để thiết lập được vị thế vững chắc. Di dời người dân, những người cần việc làm, trường học và cơ sở chăm sóc sức khỏe ở mức tối thiểu, là một thách thức lớn.
Dự án Nusantara có thể là một chặng đường dài so với tầm nhìn ngắn hạn và dựa vào công nghệ cao của Tổng thống Widodo. Jamie Davidson, giáo sư về khoa học chính trị của Đại học quốc gia Singapore, nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi chính phủ Indonesia vẫn triển khai dự án này sau khi nền kinh tế đã chịu bầm dập do đại dịch Covid-19”.
Theo Bloomberg