Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Indonesia gấp rút tăng sản lượng than, nhắm đến nhu cầu của châu Âu trong mùa đông

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các hãng khai thác than Indonesia đang chạy đua tăng sản lượng nhằm đáp ứng cho nhu cầu năng lượng đang gia tăng của châu Âu trước khi mùa đông lạnh lẽo tràn đến.

Bốc dỡ than từ xà lan lên xe tải tại cảng Karya Citra Nusantara ở phía Bắc Jakarta. Các hãng khai thác than của Indonesia đang gia tăng sản lượng nhưng gặp trở ngại với “nghĩa vụ thị trường nội địa”. Ảnh: Reuters

Indonesia là nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á là những khách hàng hàng đầu và châu Âu không phải là khách hàng thường xuyên. Việc Nga giảm lượng khí đốt và EU cấm nhập khẩu than của Nga đã khiến các nước châu Âu tranh giành than của những người bán xa xôi như Indonesia và Úc.

“Nhu cầu đối với than của Indonesia đang tăng lên đáng kể do yếu tố địa chính trị này. Đức là một ví dụ điển hình. Họ đang yêu cầu rất nhiều than từ Indonesia. Về cơ bản, vào năm tới, Đức có khả năng là nhà nhập khẩu lớn thứ hai hoặc thứ ba về than của Indonesia, sau Trung Quốc và Ấn Độ”, Pandu Sjahrir, Chủ tịch Hiệp hội khai thác than Indonesia (ICMA), nói với Nikkei Asia.

Bukit Asam, hay còn được gọi là PTBA, là một trong những công ty khai thác mỏ Indonesia đã bắt đầu vận chuyển than sang châu Âu. Giám đốc phát triển kinh doanh Rafli Yandra cho biết Bukit Asam đã xuất khẩu 147.000 tấn than sang Ý từ tháng 3 đến tháng 7-2022. “Đối với các quốc gia châu Âu khác như Đức và Ba Lan, Bukit Asam hiện đang trong quá trình đàm phán để thâm nhập các thị trường với giá tốt hơn,” Yandra nói.

Bukit Asam sản xuất 15,9 triệu tấn than trong sáu tháng đầu năm 2022, tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm 2021.

Bumi Resources, nhà sản xuất than lớn nhất Indonesia tính theo khối lượng, cũng đang nỗ lực để tăng sản lượng trong năm nay lên tới 83 triệu tấn, nhiều hơn 6% so với năm ngoái. Dileep Srivastava, giám đốc độc lập kiêm thư ký của doanh nghiệp, nói rằng Bumi đã nhận được yêu cầu và đang thảo luận để vận chuyển than sang các nước như Đức, Ba Lan và Ý. “Chúng tôi đã bắt đầu các lô hàng số lượng nhỏ đến châu Âu, nhưng có thể tăng lên một khi sản lượng được ổn định sau mùa mưa”, Srivastava nói.

Mahardika Putranto, người phụ trách quan hệ với nhà đầu tư của hãng Adaro Energy, nói rằng Adaro đang đặt mục tiêu tăng sản lượng than từ 58 triệu tấn lên 60 triệu tấn trong năm nay, tăng 10 – 14% so với năm ngoái. Ông không chia sẻ kế hoạch cụ thể về xuất khẩu sang châu Âu.

Giá chuẩn than giao sau ở Newcastle đã vọt lên mức cao kỷ lục 460 đô la Mỹ/tấn hồi đầu tháng 9 này, tăng gấp ba lần giá của đầu năm. Giám đốc một hãng than hàng đầu ở Úc giải thích là nhu cầu than gia tăng do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine và các đợt mưa ở Úc đã khiến việc khai thác chậm lại.

Các hãng than Indonesia đang hưởng lợi nhuận cao ngút từ trước đến nay do giá than leo thang. Bukit Asam công bố thu nhập ròng là 6.200 tỉ rupiah (415 triệu đô la Mỹ) trong nửa đầu năm, tăng 246% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng thu nhập ròng của hãng Adaro đã tăng gấp bảy lần lên 1,2 tỉ đô la Mỹ và Bayan Resources tăng gần gấp ba lần lên 970 triệu đô la Mỹ.

Giá cổ phiếu ngành than cũng tăng vọt. Bukit Asam tăng 63%, Adaro tăng 69% và Bayan Resources vọt lên 150%.

Lo ngại về viễn cảnh “mùa đông lạnh lẽo”, nhiều nước châu Âu đang nỗ lực săn tìm nguồn năng lượng thay thế khí đốt của Nga để đáp ứng yêu cầu sưởi ấm của người dân. Châu Âu luôn hô hào giảm tiêu thụ “nhiên liệu bẩn” nhằm giảm lượng phát thải, nhưng trớ trêu thay lại đang săn lùng nhiên liệu này. Vô hình trung, Indonesia được lợi.

“Châu Âu đang thúc đẩy toàn bộ chương trình nghị sự về chuyển đổi năng lượng và không phát thải. Họ sẽ là một trong những nơi mua than lớn nhất trên thế giới vì họ không thể mua khí đốt từ Nga”, Chủ tịch ICMA Pandu Sjahrir nói.

Tại Indonesia, tình hình ngành khai thác than cũng trở nên phức tạp với chính sách “nghĩa vụ thị trường nội địa” (DMO) của chính phủ. Các hãng khai thác mỏ phải bán ít nhất 25% sản lượng than với mức giá cố định thấp hơn nhiều so với trên thị trường tự do. Chính sách DMO này sẽ ngăn cản các hãng than tận dụng cơ hội gia tăng lợi nhuận trước các đợt tranh mua than của châu Âu khi mùa đông đang đến gần.

Tháng 12-2021, công ty tiện ích Perusahaan Listrik Negara thuộc sở hữu quốc doanh đã thiếu than sau khi các hãng than không tuân thủ chính sách DMO. Tháng 1-2022, chính phủ đã ban hành lệnh xuất khẩu than tạm thời và gần đây đã thu hồi hơn 2.000 giấy phép khai thác than.

Xuất khẩu than, khoáng sản và các loại nông sản khác đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Indonesia đạt 27,9 tỉ đô la Mỹ trong tháng 8 vừa rồi, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bloomberg nói đây là mức kỷ lục và vượt xa mức dự đoán 20% của các nhà kinh tế nước này. Nhập khẩu đạt 22,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 32,8% và cũng là mức cao kỷ lục. Cán cân thương mại trong tháng 8 thặng dư 5,76 tỉ đô la Mỹ – cao hơn nhiều so với ước tính trung bình là 4 tỉ đô la Mỹ, kéo dài chuỗi thặng dư thương mại của Indonesia lên tháng thứ 28 liên tiếp. Các số liệu mới nhất góp phần vẽ nên bức tranh sáng sủa cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang thoát khỏi suy thoái nhờ sự bùng nổ về giá hàng hóa trên toàn cầu. Trong tháng 8, Indonesia kiếm được 4,4 tỉ đô la Mỹ từ than trong bối cảnh giá than tăng hơn 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu dầu cọ đạt 3,7 tỉ đô la Mỹ dù giá giảm 10%. Nickel và các sản phẩm phái sinh của khoáng sản này đã tăng đáng kể kể từ khi chính phủ cấm xuất khẩu quặng nickel năm 2020.

Nguồn: Nikkei Asia, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới