Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc xem thúc đẩy xuất khẩu là ưu tiên trong năm mới để phục hồi kinh tế

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong thông điệp đón chào năm mới ngày 1-1-2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết chính phủ của ông sẽ xem nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu như là chính sách ưu tiên hàng đầu trong năm 2023 để giúp đất nước phục hồi tăng trưởng. Thông điệp của ông được đưa ra sau khi dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc giảm trong 3 tháng liên tiếp vào thời điểm tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Trong bài phát biểu đón chào năm mới, Tổng thống Yoon Suk-yeol cam kết chính phủ sẽ giúp các công ty trong nước nhận được tổng cộng 50 tỉ đô la Mỹ đơn đặt hàng ở nước ngoài trong năm 2023. Ảnh: Yonhap 

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình hôm 1-1, Tổng thống Yoon Suk-yeol nói rằng Hàn Quốc sẽ vượt qua tình trạng tăng trưởng trì trệ bằng cách tập trung vào xuất khẩu.

Ông cho hay chính phủ có kế hoạch giúp các nhà xuất khẩu tiếp cận nguồn tài chính và giành được các hợp đồng ở nước ngoài, để giúp đất nước vượt các khó khăn kinh tế trong bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu đang tăng lên.

“Vì tác động của tình trạng tăng trưởng chậm lại của toàn cầu có thể làm trì trệ nền kinh tế thực của Hàn Quốc, chúng ta phải theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế nghiêm trọng này. Xuất khẩu là chìa khóa của chúng ta để vượt qua cuộc khủng hoảng phức tạp này. Xuất khẩu củng cố nền tảng cho nền kinh tế và tạo ra việc làm”, ông nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, Tổng thống Yoon Suk-yeol cam kết chính phủ sẽ giúp các công ty Hàn Quốc nhận được tổng cộng 50 tỉ đô la Mỹ đơn đặt hàng ở nước ngoài trong năm mới. Ông cho biết để đạt mục tiêu này, chính phủ sẽ thúc đẩy tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp trong nước lên mức cao nhất lịch sử 360 ngàn tỉ won (285 tỉ đô la) trong năm 2023.

Ông đánh giá xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công nghiệp quốc phòng sẽ nổi lên như những động lực xuất khẩu mới của Hàn Quốc.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của xuất khẩu đối với nền kinh tế đất nước, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho rằng đã đến lúc phải thay đổi chiến lược xuất khẩu vì các chính sách thương mại bảo hộ đang làm suy yếu các nỗ lực chung của thế giới nhằm giải quyết lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và biến động giá nguyên liệu thô.

“Chiến lược xuất khẩu của chúng ta phải khác với trước đây”, ông nói.

Ông nhận định các quốc gia chia sẻ các giá trị phổ quát về tự do, nhân quyền và pháp quyền đang liên kết với nhau thông qua các nền kinh tế và ngành công nghiệp của họ. Ông ghi nhận sự đoàn kết dựa trên các giá trị phổ quát này là “sự lựa chọn chiến lược nhất trong bối cảnh ngoại giao hiện nay”.

Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng cam kết thúc đẩy các công nghệ chiến lược trong tương lai như hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Ông nói thêm rằng trong quá khứ, nhiều nước đã tìm cách xác định và phát triển các công nghệ mới, giúp họ thành công trong việc biến khủng hoảng thành cơ hội. Vì vậy, chính quyền của ông sẽ hỗ trợ các công ty đạt được thành công trong các nỗ lực phát triển các công nghệ và ngành công nghiệp mới.

“Lịch sử thế giới đã dạy chúng ta rằng khi khủng hoảng và thách thức nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu, những nước xác định được các công nghệ và ngành công nghiệp mới thông qua đổi mới là những nước có thể tạo ra việc làm chất lượng và đạt được tăng trưởng bền vững”, ông nói.

Ông cam kết chính phủ sẽ giúp mở ra kỷ nguyên “Khởi nghiệp Hàn Quốc” trong ngành công nghệ thông tin, sinh học, quốc phòng và năng lượng hạt nhân cũng như trung hòa carbon và giải trí.

Ông cho biết chính phủ sẽ thúc đẩy cải cách lao động, giáo dục và lương hưu quốc gia vì tương lai của đất nước và số phận của các thế hệ tương lai phụ thuộc vào các cải cách này.

Thông điệp năm mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol được đưa ra vào ngày Bộ Thương mại Hàn Quốc thông báo nền kinh tế lớn thứ tư châu Á chứng kiến mức thâm hụt thương mại kỷ lục 47,2 tỉ đô la trong năm 2022 do chi phí nhập khẩu các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí đốt và than  tăng mạnh. Đây là năm thâm hụt thương mại đầu tiên của Hàn Quốc trong 14 năm qua.

Dữ liệu của Bộ Thương mại Hàn Quốc cũng cho thấy trong tháng 12, xuất khẩu giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp, do mức sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc và Đông Nam Á không đủ để bù đắp cho mức tăng trưởng xuất khẩu khiêm tốn sang Mỹ và Liên minh châu Âu.

Nền kinh tế trong nước của Hàn Quốc đang chịu sức ép lớn do lạm phát cao, lãi suất tăng. Dữ liệu mới nhất cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 12 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Để kìm hãm giá cả, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã tăng lãi suất chính sách thêm 275 điểm cơ bản kể từ tháng 8-2021 và dự kiến sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất nữa vào đầu năm nay. Lãi suất cao có thể khiến các hộ gia đình ở Hàn Quốc cắt giảm ngân sách chi tiêu.

Tháng trước, Bộ Tài chính Hàn Quốc cắt giảm dự báo tăng trưởng của đất nước xuống còn 1,6% trong năm 2023 so với mức tăng trưởng ước tính 2,5% trong năm 2022. Mức dự báo này ảm đạm hơn so với dự báo tăng trưởng 1,7% của BoK và 1,8% của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI). Trong năm 2021, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 4%, cao nhất trong 11 năm.

Theo KBS World, Korea Herald

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới