Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vụ địa ốc Alibaba: Kiến nghị điều tra chính quyền ở nhiều địa phương

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tòa án nhân dân TPHCM đã đưa ra phán quyết với các bị cáo vụ Công ty địa ốc Alibaba, song kiến nghị công an các tỉnh điều tra trách nhiệm buông lỏng quản lý, có dấu hiệu vi phạm quy định đất đai của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đất đai.

Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, toàn bộ 58 “dự án” Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm lập ra tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận đều chưa được cấp phép, vẽ trên diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn bao gồm cả đất lúa, đất rừng sản xuất... Sau đó tự phân lô, tách thửa để bán cho khách hàng. Trong đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu có những dự án "ma" đã được Luyện tách ra thành hàng ngàn nền đất.

Pháp luật về đất đai hiện hành quy định đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng giữa các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong một xã. Nhưng trong vụ án này, các bị cáo, dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp song đã đứng ra mua một diện tích lớn đất lúa.

Ngày 25-12-2018, Phó chủ tịch UBND phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai; ngày 18-1-2019, Phó chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký xác nhận cho nhân viên của Alibaba đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Từ các văn bản này, nhân viên của Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất lúa, sau đó lập khống nhiều dự án đất ở bán cho người dân gây thiệt hại đặc biệt lớn khi chuyển nhượng hơn 89.000 m2 đất trồng lúa tại tỉnh Đồng Nai; 6.317 m2 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việc này vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 179 và khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, nên Tòa án nhân dân TPHCM kiến nghị Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Gia Lai, Bình Thuận cần làm rõ quy trình và vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đất đai tại 58 “dự án” của Alibaba trong việc chấp nhận cho hợp, tách hàng loạt thửa đất ở các dự án trên. Nếu có sai phạm, đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

3 BÌNH LUẬN

  1. Alibaba và Luyện không thể “làm mưa, làm gió” nếu đàng sau đó không có “thiên lôi, thổ địa” hỗ trợ. Điều đáng ngạc nhiên là tại sao quy mô vụ lừa đảo này lại diễn ra trên diện rộng và lớn đến mức như vậy. Cũng có nghĩa là, sự thao túng, lạm dụng quyền lực đất đai đã bị đẩy đi quá xa so với những gì ta có thể tưởng tượng.

  2. Hoan nghênh Bộ Công an vào cuộc điều tra đem ra ánh sáng pháp lý vụ án vi phạm đặc biệt nghiêm trọng của Alibaba và chính quyền 5 thị xã, phường và xã… nói trên.

  3. Khi vụ án Alibaba xảy ra, báo chí đưa tin rầm rộ, tôi đã có ý kiến là cơ quan CSĐT phải vào cuộc điều tra xem ai, cơ quan chức năng nào đã đứng đằng sau để cho Luyện thao túng thị trường và lừa đảo nhiều người đến thế. Nếu chính quyền địa phương ngăn chặn ngay từ đầu khi Luyện làm hạ tầng, kéo điện và kiên quyết lập biên bản dừng thi công thì hơn 4 nghìn người đâu bị công ty của Luyện lừa đảo lớn như thế.
    Phải truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ bao che, dung túng cho Luyện lừa đảo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới