Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng chỉ nghề làm đẹp hồ sơ: báo động về chất lượng nguồn nhân lực

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuối tháng 12-2022 vừa qua, Công an tỉnh Hải Dương công bố đã khởi tố 68 người, phá vỡ một đường dây làm giả chứng chỉ nghề hoạt động từ Bắc vào Nam. Vấn đề đặt ra là, người có chứng chỉ có phải trải qua kiểm tra tay nghề hay chỉ cần có chứng chỉ nghề để nộp kèm hồ sơ cho đúng quy định là xong?

 

Số lượng phôi chứng chỉ các loại được cơ quan công an thu giữ khoảng 1 triệu cái cho thấy quy mô lớn chưa từng có của đường dây này. Theo tài liệu điều tra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục cấp bán hàng chục ngàn chứng chỉ nghề không qua đào tạo, sát hạch theo quy định.

Đường dây này hoạt động từ năm 2017 đến khi bị công an phá vỡ hồi cuối năm ngoái, những người cầm đầu đường dây đã đứng ra mở các trường đào tạo nghề nhưng không đào tạo thật mà chỉ dùng làm thương hiệu lên mạng rao bán các loại chứng chỉ nghề. Mỗi chứng chỉ bán ra có giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng, khách mua nhiều được giảm giá còn từ 300.000-450.000 đồng/chứng chỉ. Theo cơ quan công an, có ít nhất vài chục ngàn chứng chỉ đã được bán ra.

Nhân viên của trường đăng thông tin lên nhiều trang web, Zalo để tìm kiếm khách hàng mua chứng chỉ không qua đào tạo, sát hạch rồi bán chứng chỉ theo thông tin do người mua cung cấp, tất cả đều giao dịch online. Như vậy, đây là dạng “bằng thật mà học giả” hết sức tai hại cho nguồn nhân lực vì người có chứng chỉ hoàn toàn không có tay nghề thật sự.

Từ đường dây mua bán chứng chỉ nghề này có thể thấy, việc kiểm tra ở đơn vị tuyển dụng dường như rất lỏng lẻo. Bằng chứng là cả ba trường đào tạo nghề trong đường dây này hoặc đã bị cơ quan chức năng rút giấy phép như trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Trường Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn (TPHCM), hoặc chưa được cấp phép hoạt động ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam (tỉnh Bình Dương) nhưng không bị nơi tiếp nhận phát hiện.

Vì vậy, hàng chục ngàn chứng chỉ nghề do ba trường này cấp sau khi bị rút giấy phép hoặc chưa được cấp giấy phép vẫn được chấp nhận ở nhiều tỉnh thành từ Bắc chí Nam.

Nhưng vấn đề không dừng lại ở việc kiểm tra tính hợp pháp của bằng cấp bị bỏ qua mà còn cho thấy, dường như việc kiểm tra tay nghề cũng đầy sơ hở. Điều này có thể thấy qua việc hàng chục ngàn người dùng chứng chỉ mua qua mạng vẫn lọt qua các vòng kiểm tra tay nghề một cách dễ dàng.

Như vậy có hai khả năng xảy ra: một là người được đào tạo thật có tay nghề cũng không khác biệt nhiều với người không được đào tạo nghề; hai là việc kiểm tra tay nghề chỉ làm qua loa nên không phát hiện ra người có bằng cấp nhưng không có tay nghề.

Dù là khả năng nào, những vụ dùng chứng chỉ nghề giả hoặc thật (nhưng học giả) đều dễ dàng lọt qua các khâu kiểm tra. Nếu chứng chỉ không được dùng để chứng minh tay nghề thì cần xem lại chất lượng đào tạo nghề vì nếu chứng chỉ nghề chỉ có công dụng để nộp “cho đẹp hồ sơ” thì đó là dấu hiệu báo động của chất lượng nguồn nhân lực. Tình trạng làm đẹp hồ sơ bằng các văn bằng, chứng chỉ, trong đó có chứng chỉ nghề cũng không phải diễn ra lần đầu.

(*) https://nld.com.vn/phap-luat/duong-day-lam-gia-chung-chi-nghe-cuc-khung-tu-bac-vao-nam-ban-hang-chuc-ngan-chung-chi-20221228201004229.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Chứng chỉ nghề nghiệp, một mặt, cho thấy sự bất lực và kém hiệu quả của hệ thống giáo dục đào tạo chính thống. Sản phẩm đào tạo phải là những con người có đủ tư duy và kỹ năng cần thiết, tối thiểu để có thể làm việc theo yêu cầu. Thứ hai, yêu cầu chứng chỉ loạn xạ là một hình thức khác của “căn bệnh thành tích” và “căn bệnh câu kết lợi ích” giữa những nhà quản lý và những người kinh doanh vô luân. Một khi vấn nạn chứng chỉ vẫn còn hoành hoành thì đừng bao giờ nói đến cải tổ giáo dục đào tạo thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới