(KTSG Online) – Sức hút mạnh mẽ của cổ phiếu ở Đông Nam Á trong năm qua đối với nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống khi Trung Quốc tái mở cửa kinh tế, lôi kéo các nguồn vốn toàn cầu đến các thị trường chứng khoán ở phía bắc đang có mức định giá rẻ hơn.
- Chứng khoán Đông Nam Á chuẩn bị cho 'cú nhảy bungee' trong năm 2023?
- Kinh tế internet ASEAN hạ nhiệt khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu
Một phân tích của Ngân hàng HSBC hồi tháng 11 cho thấy các quỹ đầu tư nước ngoài tập trung vào chứng khoán châu Á đang cắt giảm tiếp xúc với các thị trường cổ phiếu Indonesia và Singapore, đồng thời tăng phân bổ vốn cho cổ phiếu ở Đài Loan và Hồng Kông.
Trong khi đó, dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy trong tháng 12 vừa qua, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường chứng khoán Đông Nam Á duy nhất được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Trong năm ngoái, sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm các đồng tiền trong khu vực có khả năng chống đỡ tốt trước đà tăng giá của đô la Mỹ và lạm phát khá ở mức ôn hòa, đã thu hút các nhà đầu tư quốc tế rót tiền vào thị trường chứng khoán ASEAN, vốn thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong danh mục đầu tư toàn cầu của họ.
Nhưng điều đó có thể thay đổi trong năm nay khi Trung Quốc từ bỏ chính sách ‘zero Covid’ và tái mở cửa nền kinh tế, đồng thời có khả khả năng thu nhập của ngành chip sẽ sớm chạm đáy, mang lại triển vọng lạc quan cho chứng khoán của Đài Loan và Hàn Quốc, quê hương của những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Herald van der Linde, người đứng đầu bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Á tại Ngân hàng HSBC, nhận định: “Mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài dành cho chứng khoán Trung Quốc và khu vực Bắc Á đang tăng lên, một phần là nhờ Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế”. Herald van der Linde cho rằng điều đó có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài họ bán bớt cổ phiếu ở Đông Nam Á để mua cổ phiếu ở các thị trường phía bắc.
Việc dòng vốn ngoại chuyển hướng ra khỏi Đông Nam Á sẽ chấm dứt một số dòng vốn đầu tư kỷ lục được rót vào các thị trường chứng khoán trong khu vực vào năm ngoái.
Trong năm 2022, cả Indonesia lẫn Thái Lan đều ghi nhận vốn ngoại mua ròng cổ phiếu của họ ở mức cao nhất trong lịch sử nhờ giá cả các hàng hóa tăng vọt và đà phục hồi của ngành du lịch. Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng cổ phiếu ở Malaysia lần đầu tiên sau 4 năm, và chứng khoán Việt Nam hút dòng vốn ngoại ở mức cao nhất kể từ năm 2018.
Trong khi các nền kinh tế ASEAN vẫn duy trì khả năng chống chịu khá tốt trước các bất ổn vĩ mô, phần lớn tin tức tốt đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong khu vực.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát đang diễn ra cũng như nhu cầu toàn cầu chậm lại có thể đe dọa triển vọng tăng trưởng của ASEAN trong năm 2023. Các nhà sản xuất trong khu vực vẫn đang chịu áp lực khi hoạt động tiếp tục giảm.
Ngoại trừ Thái Lan, nơi nền kinh tế được thúc đẩy nhờ du lịch, GDP thực tế được dự báo sẽ tăng chậm lại trên khắp Đông Nam Á trong năm nay. Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo Thái Lan sẽ đón 25 triệu du khách nước ngoài trong năm 2023 nhờ Trung Quốc tái mở cửa biên giới. Năm ngoái, ước tính có khoảng 11 triệu du khách nước ngoài đến thăm xứ sở chùa Vàng.
Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng trội so với hầu hết chỉ số chứng khoán khác ở châu Á vào năm 2022, chứng khoán Indonesia đang hướng đến giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật, với mức giảm tới 2,7% vào hôm 5-1.
Andre Benas, trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán BCA Sekuritas (Indonesia), cho biết: “Các yếu tố cơ bản của Indonesia vẫn mạnh nhưng các thị trường châu Á khác có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài do có mức định giá rẻ với mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao hơn”.
Nền kinh tế thế giới chậm lại sẽ đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu của Việt Nam, nước xuất khẩu chủ chốt trong khu vực ASEAN và cũng là tín hiệu xấu đối với tiền đồng, vốn nằm trong số những đồng tiền có diễn biến tốt nhất ở châu Á vào năm 2022.
Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á mới nổi tại Công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics (Anh), nhận định: “VNĐ vẫn còn khá đắt trên cơ sở tỷ giá hối đoái thực đa phương (giữa VNĐ với một rổ ngoại tệ mạnh khác) và tôi có cảm giác rằng dự báo chung về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay là quá lạc quan”.
Theo Bloomberg