Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế internet ASEAN hạ nhiệt khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nền kinh tế internet của các nước ASEAN đang chậm lại sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, theo báo cáo nghiên cứu thường niên của Google, Tập đoàn đầu tư nhà nước Temasek của Singapore và hãng tư vấn quản lý Bain, công bố hôm 26-10. Điều này cho thấy rằng ngay cả các thị trường kinh tế số mới nổi cũng không tránh khỏi tác động từ tình hình vĩ mô bất ổn toàn cầu bao gồm lạm phát và lãi suất tăng cao.

Người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ di động và trực tuyến, nhưng họ đang hạn chế chi tiêu trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng nhanh. Ảnh: Asia Society

Báo cáo ước tính chi tiêu trực tuyến ở các nước ASEAN bao gồm gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines, sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay, lên 200 tỉ đô la Mỹ, giảm tốc so với với mức tăng trưởng 38% của năm ngoái. Theo báo cáo, quy mô nền kinh tế internet của khu vực sẽ đạt 330 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, giảm so với dự báo trước đó là 363 tỉ đô la Mỹ.

Đây là lần đầu tiên các ước tính được điều chỉnh giảm trong báo cáo thường niên của Google, Temasek và Bain về nền kinh tế internet ASEAN.

Báo cáo đi sâu vào năm lĩnh vực kỹ thuật số chính: thương mại điện tử, du lịch, thực phẩm và vận tải, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Dù người tiêu dùng trong khu vực ngày càng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ di động và trực tuyến, nhưng họ vẫn đang hạn chế chi tiêu trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng nhanh.

“Sau nhiều năm tăng tốc, tăng trưởng phổ cập kỹ thuật số trong kinh doanh đang bình thường hóa. Phần lớn các công ty trong nền kinh tế số hóa ở Đông Nam Á đang chuyển ưu tiên từ thu hút khách hàng mới sang tương tác sâu hơn với khách hàng hiện tại để tăng mức sử dụng và giá trị nền tảng của họ”, báo cáo nhận định.

Khi người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, Đông Nam Á, nơi có Lazada của Alibaba (Trung Quốc) và Shopee của Sea (Singapore), sẽ chứng kiến tổng giá trị giao dịch bán hàng (GMV) trực tuyến tăng 17% trong năm nay, lên mức 131 tỉ đô la Mỹ, chậm hơn so với mức tăng trưởng cao trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Báo cáo nghiên cứu cho biết mua sắm trực tuyến ở ASEAN sẽ đạt 211 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 so với dự báo trước đó là 234 tỉ đô la Mỹ.

Các nước Đông Nam Á bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường như trước đại dịch nhưng các bất ổn về vĩ mô trên toàn cầu đang đe dọa làm chệch hướng phục hồi kinh tế hoàn toàn của khu vực.

“Lãi suất tăng và áp lực lạm phát cao đang tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là ở các lĩnh vực mua sắm tùy ý, vốn đóng vai trò cốt lõi của nền kinh tế kỹ thuật số”, báo cáo cho hay.

Báo cáo nhận định thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và du lịch sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế internet của khu vực. Đông Nam Á được dự báo có thêm khoảng 20 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới vào năm 2022.

Theo báo cáo của Google, Temasek, Bain & Co, trong nửa đầu năm nay, số lượng các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ ở Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tổng giá trị của các thương vụ giảm một nửa, từ 1,4 tỉ đô la Mỹ, xuống còn 0,7 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Google

Theo báo cáo, số lượng thương vụ đầu tư liên quan đến các công ty công nghệ trong khu vực vẫn tương đối ổn định, ở mức khoảng 1.200 trong nửa đầu năm nay. Các khoản đầu tư rót vào các công ty phát triển giai đoạn đầu đang tăng lên. Tuy nhiên, các giao dịch đầu tư dành cho các công ty giai đoạn sau đang bị ảnh hưởng do triển vọng niêm yết cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán ngày càng mờ nhạt. Các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm tại Đông Nam Á nắm giữ khoảng 15 tỉ đô la Mỹ tiền mặt vào cuối năm 2021.

Singapore đang là điểm nóng đầu tư số hóa của khu vực, thu hút tổng giá trị đầu tư tăng từ 4 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2021 lên 7 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm nay. Là một trung tâm công nghệ và là cửa ngõ khu vực về huy động vốn và nhân tài, Singapore sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo trong thập niên kỹ thuật số của Đông Nam Á, Fock Wai Hoong, Phó trưởng bộ phận Công nghệ & Người tiêu dùng và khu vực Đông Nam Á tại Temasek, nhận định.

Ông nói: “Hệ sinh thái sôi động của Singapore đã cung cấp một môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng những đổi mới về tài chính, xã hội và nguồn nhân lực, những yếu tố quan trọng trong việc phát triển một nền kinh tế kỹ thuật số bền vững”.

Nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore dự kiến tăng trưởng 22%, đạt 18 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, với tiềm năng đạt khoảng 30 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Một phần ba mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi thương mại điện tử, lĩnh vực dự kiến đạt GMV khoảng 11 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.

Indonesia, nơi chi tiêu trực tuyến được dự đoán sẽ tăng lên 130 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, vẫn là nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất khu vực,

Nền kinh tế internet của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong số sáu nước ASESAN được theo dõi. Báo cáo Google, Temasek và Bain & Co. dự báo GMV trực tuyến của Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi trong ba năm tới, từ 23 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022 lên 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.

Trong nửa đầu năm nay, số lượng các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ ở Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tổng giá trị của các thương vụ đã giảm một nửa, từ 1,4 tỉ đô la Mỹ, xuống còn 0,7 tỉ đô la Mỹ. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn đối với việc vốn rót cho các công ty phát triển ở giai đoạn sau. Vốn đầu tư vào ngành thương mại điện tử của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 là 230 triệu đô la Mỹ, tiếp đó là dịch vụ truyền thông trực tuyến với 190 triệu đô la Mỹ.

Theo Bloomberg, The Edge Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới