(KTSG Online) - Châu Âu là khách hàng lớn nhất trên thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu trong năm 2022. Các chính phủ trong khu vực này nhập khẩu khối lượng LNG cao hơn đáng kể khi họ chạy đua thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống đang cạn kiệt từ Nga.
- Nhà máy sản xuất LNG trên biển có thể là chìa khóa cho khủng hoảng năng lượng
- Tàu chở LNG ùn ứ ở châu Âu, khiến giá khí đốt giảm mạnh
Trong những năm trước, châu Âu đứng sau Nhật Bản và Trung Quốc về khối lượng nhập khẩu LNG, nhưng việc Nga ‘vũ khí hóa’ năng lượng kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra buộc khối này phải tranh mua LNG trên thị trường quốc tế vào năm ngoái.
Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 101 triệu tấn LNG trong năm 2022, nhiều hơn 58% so với năm trước đó. Khối này chiếm 24% lượng nhập khẩu LNG toàn cầu trong năm ngoái. Theo dữ liệu từ tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel ở Brussels (Bỉ), LNG hiện chiếm khoảng 35% nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu, tăng từ 20% vào năm 2021.
Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong năm 2022 đạt tổng cộng 64,5 triệu tấn. Nhưng trong năm 2021, Trung Quốc là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất toàn cầu với 79 triệu tấn. Quốc gia này đã tái xuất một số lô hàng LNG dư thừa sang châu Âu trong năm vừa qua, giúp các kho dự trữ khí đốt của khu vực nhanh chóng được lấp đầy.
Với nhu cầu nhập khẩu LNG dự kiến lớn hơn của châu Âu để lấp đầy các cơ sở lưu trữ trong năm 2023, thị trường LNG toàn cầu sẽ tiếp tục căng thẳng và có khả năng đẩy giá tăng lên đối với những khách hàng sử dụng khí đốt trên toàn thế giới.
Olumide Ajayi, nhà phân tích LNG cao cấp tại Công ty dữ liệu thị trường Refinitiv, nhận định: “Khi giá LNG tăng ở châu Âu, châu Á sẽ phải tăng giá mua tương ứng để có thể cạnh tranh thu hút các lô hàng LNG”.
Namit Sharma, đồng lãnh đạo toàn cầu về dầu khí tại hãng tư vấn quản lý McKinsey cho biết năm ngoái, nguồn cung LNG cho châu Âu được hỗ trợ nhờ nhu cầu sụt giảm ở Trung Quốc. Sharma nói: “Nếu Trung Quốc mua thêm LNG, thì châu Âu sẽ khó có thể tiếp cận đầy đủ nguồn nhiên liệu này”.
Nhập khẩu LNG của EU năm ngoái tương đương với 137 tỉ mét khối khí tự nhiên, gần bằng khoảng 140 tỉ mét khối khí mà khối này nhận được từ Nga thông qua đường ống vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo châu Âu sẽ cần nhập khẩu nhiều LNG hơn trong năm nay vì nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga đã giảm về các mức thấp chưa từng thấy khi Moscow quyết tâm đáp trả các đòn trừng phạt kinh tế của châu Âu.
Các nhà phân tích dự báo với việc Bắc Kinh từ bỏ chính sách ‘zero Covid’, nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ phục hồi dù chưa trở về mức của năm 2021 do Bắc Kinh đã triển khai một lượng lớn công suất năng lượng tái tạo và đang gia tăng nguồn cung khí đốt tự phát triển ở trong nước.
Trong báo cáo hồi tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo EU có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu 27 tỉ mét khối khí đốt trong năm 2023 nếu nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga giảm về mức zero và nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng trở lại về mức của năm 2021.
Tuy nhiên, IEA kỳ vọng những cải thiện về hiệu quả năng lượng và sự phát triển nhanh hơn của năng lượng tái tạo sẽ giúp lấp đầy khoảng trống. Theo IEA, những thay đổi này sẽ là cần thiết “để đáp ứng các điều kiện nạp lại mức lưu trữ khí đốt lên 95% cho khu vực và duy trì an ninh nguồn cung khí đốt cho đến mùa xuân năm 2024 mà không gây căng thẳng quá mức cho các thị trường và người tiêu dùng châu Âu”.
Các nhà phân tích tại các hãng tư vấn Rystad Energy, Wood Mackenzie và ICIS nhận định nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ tăng trở lại từ 70-72 triệu tấn trong năm nay, cao hơn 9-14% so với năm 2022.
Tuy nhiên, họ cho rằng nhập khẩu LNG của Trung Quốc có thể chưa trở về mức kỷ lục của năm 2021 vì giá LNG sẽ vẫn mức cao và ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19.
Theo Wei Xiong, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy, giá LNG cao sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu từ các ngành công nghiệp và năng lượng của Trung Quốc, vốn đều rất nhạy cảm với chi phí năng lượng.
Xiong nói: “Động lực tăng trưởng nhu cầu khí đốt trong các lĩnh vực này chỉ có thể được khôi phục sau khi tình trạng lây nhiễm Covid-19 cao giảm bớt và khi nhân viên quay trở lại làm việc. Đó là một quá trình dần dần và có thể mất vài tháng”.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu LNG phục hồi của Trung Quốc sẽ được cân bằng nhờ mức tiêu thụ LNG được dự báo suy giảm ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước nam Á.
Alex Siow, nhà phân tích khí đốt châu Á hàng đầu của ICIS, nhận định Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ cần ít LNG hơn trong năm nay so với các hợp đồng đã ký kết, vì vậy, họ có thể bán lại 18 triệu tấn LNG dư thừa, tương đương 4% nguồn cung toàn cầu, trên thị trường giao ngay trong năm 2023.
Theo Financial Times, Reuters