Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đông Nam Á chi 16,3 tỉ đô la Mỹ cho các nền tảng giao đồ ăn

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổng giá trị giao dịch (GMV) đặt mua đồ ăn qua các nền tảng giao thực phẩm trực tuyến ở Đông Nam Á tăng 5% trong năm 2022, lên mức 16,3 tỉ đô la Mỹ, theo báo cáo của Công ty Momentum Works (Singapore) công bố hôm 17-1.

Grab củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á, chiếm đến 54% GMV đặt mua đồ ăn từ các nền tảng giao thực phẩm của khu vực, tương đương 8,8 tỉ đô la trong năm ngoái. Ảnh: Tellimer

Đây là mức tăng trưởng chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến thấp nhất trong 4 năm qua ở khu vực. Từ năm 2019 đến năm 2020, GMV của phân khúc giao đồ ăn tại các thị trường lớn của ASEAN tăng vọt 183%, sau đó tăng tiếp 30% vào năm 2021.

Tăng trưởng GMV giao đồ ăn ở Đông Nam Á trong năm ngoái được thúc đẩy chủ yếu nhờ các thị trường có quy mô nhỏ hơn bao gồm Philippines (2,4 tỉ đô la), Malaysia (2,2 tỉ đô la) và Việt Nam (1,1 tỉ đô la).

Trong khi đó, các thị trường lớn hơn gồm Indonesia, Thái Lan và Singapore ghi nhận sự sụt giảm chi tiêu mua đồ ăn tư các nền tảng trực tuyến, lần lượt về các mức 4,5 tỉ,  3,6 tỉ và 2,5 tỉ đô la.

Philippines, Malaysia và Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể về chi tiêu cho các nền tảng giao đồ ăn khi những đấu thủ bao gồm Grab và ShopeeFood của Shopee mở rộng thâm nhập thị trường.

Grab đã giành vị trí dẫn đầu thị phần tại Malaysia và Việt Nam từ Foodpanda và ShopeeFood. Năm ngoái, Grab chiếm đến 54% GMV đặt mua đồ ăn từ các nền tảng giao thực phẩm của khu vực, tương đương 8,8 tỉ đô la. Thị phần giao đồ ăn của Grab ở Đông Nam Á tăng thêm 16% trong năm qua. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Foodpanda (3,1 tỉ đô la), Gojek (2 tỉ đô la), LINE MAN và Shopee Food (đều 900 triệu đô la).

Trong số những đấu thủ lớn trong khu vực, Grab là nền tảng giao đồ ăn duy nhất đạt tăng trưởng GMV liên tục trong ba năm qua. Công ty này cũng có vị thế tiền mặt ròng tốt nhất so với các công ty cùng ngành.

Sau khi tăng đầu tư đột biến vào năm 2021, Shopee đã thu hẹp quy mô của Shopee Food để tập trung vào nỗ lực tạo ra lợi nhuận cho mảng kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi của mình.

Trong năm qua, ShopeeFood đã giảm các ưu đãi được thiết kế để giành thị phần, trong khi Foodpanda của DeliveryHero (Đức) được cho là đang trong quá trình rút khỏi một số thị trường trong khu vực.

Mảng giao đồ ăn của Gojek trì trệ trong ba năm, phản sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Indonesia.

Báo cáo của Momentum Works nhấn mạnh, dưới áp lực phải tìm ra con đường dẫn đến lợi nhuận, những công ty giao đồ ăn mới và hiện tại tiếp tục cắt giảm ưu đãi và chuyển cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ.

Dù quyết định giảm ưu đãi trong lĩnh vực giao đồ ăn là một hành động để cải thiện tỷ suất lợi nhuận nhưng Momentum Works lưu ý, với môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, mục tiêu đó khó có thể đạt được vì những động thái như vậy có thể nhường lại thị phần cho các đối thủ cạnh tranh vẫn còn nhiều tiền để chi tiêu.

“Rốt cục, sẽ có một hoặc hai nền tảng giao đồ ăn lớn có thể chiếm lĩnh toàn bộ lĩnh vực này (ở Đông Nam Á)”, Jianggan Li, Giám đốc điều hành của Momentum Works nhận định.

Đối với Indonesia, Thái Lan và Singapore, sự suy giảm nhu cầu đặt mua đồ ăn trực tuyến là do các yếu tố khác nhau. Ví dụ, việc Singapore tái mở cửa đã làm dịch chuyển nhu cầu thực phẩm sang các kênh ngoại tuyến như quán ăn, nhà hàng.

Ở Thái Lan, việc chính phủ dừng trợ cấp chi tiêu cho người dân kể từ tháng 10 năm ngoái cũng như tình hình lũ lụt vào nửa cuối năm ngoái đã làm giảm sức chi tiêu mua đồ ăn trực tuyến.

Báo cáo của Momentum Works cho biết trong năm 2022, các nền tảng giao đồ ăn của khu vực chịu những cản lực lớn hơn bao gồm áp lực tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt là khi hầu hết các nền tảng giao đồ ăn hiện nay đều thuộc sở hữu của các công ty đã niêm yết cổ phiếu.

Việc các nước Đông Nam Á tái mở cửa sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu đặt mua đồ ăn từ các ứng dụng trực tuyến suy giảm.

Momentum Works lưu ý, lãi suất tăng khiến các thị trường vốn trở nên khó khăn đối với các công ty công nghệ, bao gồm cả các nền tảng giao đồ ăn lớn. Do đó, việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận hoặc tăng tốc lộ trình dẫn đến đến lợi nhuận trở thành ưu tiên hàng đầu của các nền tảng công nghệ.

Hiện các nhà kinh doanh thực phẩm và đồ uống cũng như các nền tảng giao hàng lớn đều đang nỗ lực nhiều hơn để tích hợp hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến.

Tech Node, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới