Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế thế giới bị đe dọa khi thương mại toàn cầu phân mảnh

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Cạnh tranh địa chính trị, xu hướng tách rời công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ và chủ nghĩa bảo hộ đang làm thay đổi bối cảnh kinh doanh và chính trị của thế giới. Thực trạng này khiến thương mại toàn cầu bị phân mảnh, gây ra mối đe dọa mới đối với nền kinh tế thế giới, theo các giám đốc điều hành và quan chức các nước tại hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 53 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.

Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 53 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), với chủ đề “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh”, diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ từ ngày 16 đến 20-1. Ảnh: DPA

Gita Gopinath, Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nói trong một cuộc phỏng vấn tại Davos: “Chúng tôi rất lo ngại về sự phân mảnh địa kinh tế”. Bà cho biết các cuộc trò chuyện với các quan chức của nước thành viên IMF và những quan chức đang có mặt Davos, “đây là vấn đề được nhắc đến rất nhiều”.

Gopinath cho hay các tác động của tình trạng phân mảnh này chưa thể hiện qua các con số thương mại, vốn vẫn tương đối lành mạnh. Nhưng chúng có thể được nhận diện qua xu hướng tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng giữa châu Âu và Mỹ về chính sách công nghiệp như trợ cấp cho xe điện cũng như tình trạng gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra và cơ chế vận hành kém hiệu quả của các thị trường dầu khí.

Trong một báo cáo công bố hôm 16-1, IMF cảnh báo tình trạng phân mảnh của thương mại toàn cầu có thể gây tổn thất lên đến 7% GDP toàn cầu trong dài hạn. Con số này tương đương GDP của Đức và Nhật Bản gộp lại. Theo báo cáo, tình trạng cắt đứt kết nối công nghệ giữa các khu vực có thể gây thiệt hại GDP cho một số nước lên đến 12%.

Trong bài phát biểu tại hội nghị WEF 2023, Chủ tịch Ủy ban chây Âu (EC) Ursula von der Leyen phàn nàn rằng Liên minh châu Âu (EU) đang là ‘nạn nhân’ của cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Theo bà, Bắc Kinh đã công khai khuyến khích các công ty sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất của họ ở châu Âu.

Trong khi đó, gói trợ cấp dành cho lĩnh vực khí hậu gần đây của Mỹ, được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), chỉ trợ cấp cho xe điện được lắp ráp ở Bắc Mỹ.

Tại WEF ở Davos năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã miêu tả Trung Quốc là nước dẫn dắt toàn cầu hóa, một thông điệp được nhiều người hoan nghênh. Kể từ đó, vai trò và danh tiếng đó của Trung Quốc bị lung lay bởi những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gạt các công ty phương Tây ra khỏi các thị trường quan trọng, các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt trong đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Đó là chưa kể việc Bắc Kinh sử dụng các biện phạt xử phạt tùy tiện đối với cả công ty tư nhân và đối tác thương mại.

Tại hội nghị WEF năm nay, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tìm cách khôi phục danh tiếng của Trung Quốc. Ông nói: “Mở cửa với thế giới là điều bắt buộc, chứ không phải là toan tính cho lợi ích riêng. Chúng ta phải mở cửa rộng hơn. Chúng tôi phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế”.

Nhưng đã có sự hoài nghi về thông điệp và sứ giả của Trung Quốc tại hội nghị WEF lần này. Có rất ít bằng chứng cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình tin vào mô hình toàn cầu hóa không can thiệp của phương Tây. Trong khi đó, ông Lưu Hạc, chính khách có quan điểm thân thiện với phương Tây, sẽ sớm nghỉ hưu. Các nhiệm vụ chính của ông giờ đây đã được chuyển qua một nhóm lãnh đạo mới thân cận hơn với ông Tập Cận Bình. Đối với giới doanh nghiệp, sự phân mảnh thương mại toàn cầu là một thực tế cần phải đối phó, và cũng có thể mang lại cơ hội.

Khi Úc yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách tạm dừng nhập khẩu than của Úc. BHP Group, tập đoàn khai khoáng lớn nhất Úc, đã ứng phó bằng cách phát triển các mối quan hệ thương mại ở những nơi khác. “Chúng tôi cần nhanh chóng xoay trục sang các thị trường khác”, Giám đốc điều hành của BHP Mike Henry, nói với Wall Street Journal.

Ông cho biết, với căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc đang lắng xuống, BHP sẽ tìm cách khôi phục hoạt động xuất khẩu than và các mặt hàng khoáng sản khác sang Trung Quốc, nơi tập đoàn có mối quan hệ lâu dài với khách hàng ở đó. Tuy nhiên, BHP vẫn duy trì những mối quan hệ mới và năng động với các khách hàng khác ở châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản, ông nói.

Công ty bao bì Sealed Air Corp. (Mỹ) đang đầu tư nâng cấp và bổ sung thêm công nghệ cho các cơ sở sản xuất tại Việt Nam và Thái Lan. Ted Doheny, Giám đốc điều hành của Sealed Air, nói: “Mô hình cũ là xuất khẩu mọi thứ từ Trung Quốc. Đó là nơi toàn cầu hóa đang diễn ra”.

Doheny cho biết các giám đốc điều hành từng ưu tiên đặt hoạt động sản xuất ở các nước có chi phí thấp nhưng mục tiêu hiện tại của họ là tìm “các nước có chi phí thấp và có vị trí địa lý nằm gần với khách hàng”.

Trong khi EU kịch liệt phản đối về chương trình trợ cấp năng lượng xanh mang tính phân biệt đối xử trong đạo luật IRA của Mỹ, một số công ty đề nghị các nước châu Âu hãy sao chép nó.

“Thay vì chống lại IRA, tôi khuyến khích EU lấy cảm hứng từ đạo luật này”, Mads Nipper, Giám đốc điều hành của Công ty năng lượng đa quốc gia Ørsted (Đan Mạch), nhà phát triển trang trại điện gió xa bờ lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Hôm 18-1, Nicolai Tangen, Giám đốc điều hành của Norges Bank Investment Management, quỹ đầu tư nhà nước của Na Uy, đang quản lý 1,5 nghìn tỉ đô la giá trị tài sản, cho biết quỹ này tiếp tục chuyển nhiều khoản đầu tư hơn sang Mỹ.

Ông cho rằng đạo luật IRA là một sự phát triển chính sách đáng hoan nghênh. Ông nói: “Chúng tôi xem đạo luật này mang lại lợi thế lớn cho các công ty Mỹ mà chúng tôi đang sở hữu nhưng là một bất lợi đối với các công ty của chúng tôi ở châu Âu”.

Trong khi đó, các công ty công nghệ đang đối phó với cái gọi là “Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc” (ám chỉ đến việc Bắc Kinh sử dụng pháp luật và công nghệ để quản lý môi trường internet) cũng như những nỗ lực của Nga nhằm cô lập mạng internet trong nước và các quy định quản lý công nghệ ngày càng siết chặt của phương Tây.

“Mạng internet toàn cầu đang bị chia cắt hoàn toàn”, Matthew Prince, Giám đốc điều hành của Cloudflare, một công ty cơ sở hạ tầng internet và an ninh mạng của Mỹ, nói. Cloudflare đang đối mặt với các vụ kiện ở một số nước, trong đó, yêu cầu công ty này dừng cung cấp dịch vụ cho các trang web cụ thể.

“Ở châu Âu, bạn bắt buộc phải kiểm duyệt nội dung của mọi thứ và ở Texas (Mỹ), bạn không được phép kiểm duyệt bất kỳ nội dung nào”, Prince nói khi đề cập đến luật nội dung mới của EU có hiệu lực vào năm tới và một luật về truyền thông xã hội ở Texas hiện bị kiện tại tòa án.

“Làm thế nào để bạn tuân thủ các quy định riêng rẽ ở 50 tiểu bang của Mỹ và 220 quốc gia khác nhau?”, ông đặt câu hỏi.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới