Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Điện Kremlin lo ngại rủi ro ngân sách khi giá dầu Urals giảm sâu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm ngoái, Nga đã vượt qua tác động dồn dập từ các đòn trừng phạt năng lượng của phương Tây và quyết định cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Nhưng năm 2023 sẽ khó khăn hơn rất nhiều đối với Nga khi giá năng lượng đang trong xu hướng giảm và mức chiết khấu lớn hơn của dầu thô Nga bắt đầu khiến các nhà kinh tế của Điện Kremlin lo lắng.

Một tàu chở dầu thô neo đậu tại kho cảng Kozmino ở Vịnh Nakhodk, gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đòn trừng phạt của khối cường quốc công nghiệp G7 và các đồng minh nhằm áp trần giá dầu của Nga ở mức 60 đô la/thùng là ‘ngớ ngẩn’. Ông khẳng định Nga không có lý do gì để lo lắng về ngân sách và tuyên bố cung cấp tài chính “không giới hạn” cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong năm 2022, doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga đạt 11,6 nghìn tỉ rúp (khoảng 168 tỉ đô la), cao nhất kể từ năm 2011 nhờ giá cao và quyết định đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhưng với giá dầu đang giảm và chi phí chiến tranh làm tăng mức thâm hụt ngân sách của Nga hồi năm ngoái lên 2,3% GDP, Tổng thống Putin và các quan chức của ông đang nhận thấy những rủi ro tài chính ở phía trước.

Trong cuộc họp hồi tuần trước, ông Putin yêu cầu các quan chức thảo luận và đưa ra các đề xuất ứng phó với tình trạng chiết khấu cao của giá dầu của Nga để tránh ảnh hưởng đến ngân sách. Ông đưa ra chỉ thị này sau khi Phó thủ tướng Alexander Novak thừa nhận mức chiết khấu cao của dầu Nga là “rủi ro chính” cho nguồn thu ngân sách trong năm nay.

Với nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm 40% ngân sách liên bang, thách thức lớn nhất đối với các kế hoạch tài chính của Nga là sự kết hợp của giá cả năng lượng đang suy giảm và mức chiết khấu ngày càng nới rộng giữa dầu Urals của Nga và và dầu Brent chuẩn quốc tế. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá Brent sẽ đạt mức trung bình 83 đô la/thùng trong năm 2023, giảm 18% so với năm ngoái.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô ở Công ty tư vấn thị trường hàng hóa Kpler, cho rằng giá chiết khấu là tác động chính của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào ngành năng lượng của của Nga. Ông nói: “Giá chiết khấu đã trở thành một phần hiện thực của ngành dầu mỏ Nga trong một thời gian dài”.

Những khách hàng mua dầu của Nga đang yêu cầu mức chiết khấu ngày càng sâu hơn so đối với dầu thô Brent. Theo Trường Kinh tế Kyiv, năm ngoái, tác động của tình trạng giá dầu chiết khấu sâu đã gây tổn thất cho Moscow khoảng 50 tỉ đô la, tương đương với 12% kế hoạch thu ngân sách. Giá dầu Urals của Nga đang thấp hơn khoảng 35-40 đô la so với giá dầu Brent. Mức chênh lệch giá này cao hơn khoảng 10 lần so với trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái.

Theo nhà cung cấp dữ liệu năng lượng Argus, giá dầu Urals đã giảm sâu sau khi phương Tây áp đặt mức giá trần 60 đô la/thùng đối với dầu Nga kể từ ngày 5-12.  Giá dầu Urals đang giao dịch ở mức 44 đô la /thùng, thấp hơn khoảng 48% so với giá dầu Brent. Mức giá này cũng thấp hơn nhiều so với mức 70 đô la được sử dụng làm cơ sở cho kế hoạch ngân sách năm 2023 của Nga.

Ben Cahill, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS (Mỹ), nói: “Mức giá chiết khấu sâu này là kết quả của sự kết hợp giữa việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển và cơ chế áp trần giá dầu Nga. Ngay cả khi khối lượng xuất khẩu dầu của Nga tăng lên, điều này cũng không phải là vấn đề lớn đối với phương Tây. Họ đang đạt được những gì họ muốn: một thị trường dầu được cung cấp đầy đủ, với Nga nhận được ít doanh thu xuất khẩu dầu hơn”.

Theo Georg Zachmann, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), dầu Urals chỉ còn một vài khách hàng lớn bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc.

Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA) ở Phần Lan ước tính Điện Kremlin tổn thất 160 triẹu euro mỗi ngày do tác động của lệnh cấm vận của EU và cơ chế áp trần giá dầu Nga của phương Tây.

Theo CREA, doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trong tháng 12 vừa qua giảm 17% so với tháng trước đó, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2022.

Kế hoạch ngân sách năm 2023 của Nga dự kiến tổng doanh thu từ dầu khí sẽ giảm 23% so với năm 2022, trong khi Trường Kinh tế Kyiv dự đoán mức giảm có thể gấp đôi.

Dựa trên dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, nếu sản lượng dầu của Nga giảm 7-8% so với mức của năm 2022, điều mà Phó thủ tướng Alexander Novak cho là có thể xảy ra, và giá dầu Urals đạt mức trung bình là 50 đô la/thùng, thì Nga sẽ bị thiếu hụt 23% doanh thu dự kiến từ dầu khí trong năm 2023. Nếu giá trung bình của dầu Urals là 35 đô la/thùng, nguồn thu dầu khí của Nga có thể thiếu hụt 45% so với dự kiến.

Doanh thu dầu mỏ của Nga có thể suy giảm hơn nữa khi G7 và EU đang thiết kế một cơ chế giá trần khác đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga, bao gồm dầu diesel và nhiên liệu phản lực kerosene để áp dụng vào đầu tháng 2 tới.

Trung Quốc và Ấn Độ thích mua dầu thô giá rẻ của Nga để tinh chế tại các nhà máy hóa dầu của họ. Vì vậy, Nga sẽ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường xuất khẩu mới cho dầu diesel và các chế phẩm dầu mỏ khác, ngay cả khi bán với giá thấp hơn.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới