Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản ra ‘tối hậu thư’, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải cải tổ

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo một đề xuất công bố hôm 25-1, các doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) sẽ có thời hạn ba năm để thay đổi. Đến năm 2026, nếu vẫn chưa đáp ứng điều kiện, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết.

Đây là đợt cải cách lớn nhất trong 50 năm qua của TSE, được kỳ vọng là sẽ đem lại sức sống mới của thị trường vốn gần 150 tuổi, đứng thứ hai ở châu Á sau Thượng Hải và đứng thứ năm trên thế giới về giá trị vốn hóa.

Bắt đầu từ đầu năm 2022, Nhật Bản đã phân loại lại 3.777 loại cổ phiếu trên sàn TSE thành ba nhóm trong nỗ lực cải cách lớn nhất trong 50 năm trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Lộ trình sàng lọc

Hồi tháng 4-2022, TSE đã phân loại lại các công ty lên sàn, từ bốn còn ba phân nhóm là Prime (chủ chốt, nhóm blue chip), Standard (tiêu chuẩn) và Growth (tăng trưởng). Các nhóm này lập ra với hy vọng hồi sinh thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Một trong số các tiêu chí quan trọng để đủ điều kiện tham gia thị trường cấp cao Prime là công ty phải có 35% cổ phiếu thả nổi và trị giá ít nhất 10 tỉ yen (77 triệu đô la Mỹ), tăng từ mức 4 tỉ yen trước đó. Thị trường Standard và Growth đòi hỏi 25% cổ phiếu thả nổi với giá trị ít nhất trên hoặc dưới 1 tỉ yen.

Những công ty không đáp ứng được các tiêu chuẩn mới được phép tạm thời tiếp tục giao dịch. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, điều này đã tạo ra tiêu chuẩn kép giữa các công ty đã niêm yết và những công ty đang muốn lên sàn. Vào thời điểm đó, TSE không ấn định ngày kết thúc rõ ràng cho giai đoạn chuyển tiếp này.

Tính đến cuối tháng 12, có 269 công ty Prime, 200 công ty Standard và 41 công ty Growth không đáp ứng được các tiêu chuẩn này, chiếm 10-20% số công ty tham gia mỗi thị trường.

Theo đề xuất của TSE, sớm nhất là tính từ mùa Xuân này, các công ty đại chúng sẽ có thời hạn ba năm kể từ tháng 4-2022 để đáp ứng các tiêu chuẩn. Thời hạn cụ thể cho từng công ty sẽ trùng với năm tài chính của công ty đó, tức là sẽ vào tháng 3-2025 với công ty có ngày tài chính cuối năm là tháng 3.

Sau đó, mỗi doanh nghiệp sẽ có thêm một năm để cải thiện. Nếu hết năm đó vẫn không đạt tiêu chuẩn sẽ bị đưa vào diện giám sát và hủy niêm yết. Việc chỉ định thường kéo dài khoảng ba tháng nhưng có thể kéo dài đến sáu tháng để các cổ đông có đủ thời gian để “xả hàng”.

Sau khi đề xuất được thực hiện, các công ty Prime sẽ có thời hạn sáu tháng để huyển xuống thị trường Standard mà không qua sàng lọc lần nữa. Giải pháp này dành cho các các công ty từng lọt vào nhóm blue chip đầu tiên của TSE và đã chọn ở lại thị trường cấp cao dù không đáp ứng các tiêu chuẩn Prime.

Các công ty Standard và Growth không có được giải pháp trên do thị trường này có tiêu chuẩn thanh khoản thấp hơn, dành cho công ty mới thành lập và các công ty đang phát triển nhanh khác. “Vì vậy, bản chất của thị trường là khác nhau", một nguồn tin của TSE nói với Nikkei Asia.

Các công ty niêm yết tạm thời được yêu cầu lập một kế hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết mới và báo cáo thường xuyên về tiến trình này. Trên thị trường Prime, 97 công ty, tức dưới 40%, dự định đáp ứng các tiêu chuẩn trong vòng hai đến ba năm còn 21 công ty khác đang xem xét xây dựng kế hoạch thích ứng trong 5 năm.

TSE sẽ có một ngoại lệ cho các công ty có các mốc thời gian hiện tại vượt quá thời gian ân hạn, cho phép những doanh nghiệp này tiếp tục được niêm yết dưới sự giám sát trong suốt thời gian của kế hoạch. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có xu hướng xem cổ phiếu đang bị giám sát là “không thuận lợi”.

Một số lựa chọn mà các công ty niêm yết tạm thời có thể thực hiện bao gồm cải thiện thu nhập để tăng vốn hóa thị trường hoặc phát hành cổ phiếu do người sáng lập nắm giữ để tăng cổ phiếu thả nổi tự do.

"Ban lãnh đạo của chúng tôi sẽ xem xét những gì cần làm để duy trì việc niêm yết thị trường Prime", theo P-ban.com, một trang bán bảng mạch in trực tuyến. Công ty có kế hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết cấp cao vào tháng 3-2028.

TSE cố gắng thu hút các thương vụ IPO, SPAC ở châu Á nhưng kết quả vẫn khá khiêm tốn. Ảnh: Nikkei Asia

Cải tố để thu hút nhà đầu tư

Thành lập từ tháng 5-1878, TSE là thị trường vốn lâu đời hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sự già cỗi đã khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản mất dần sức hút với giới đầu tư quốc tế kỳ cựu.

London là trung tâm lâu đời và lớn nhất thế giới, quy tụ các quỹ lớn đầu tư vào chứng khoán Nhật Bản. Năm 2019, hãng Polar Capital đã giải thể nhóm chuyên viên thị trường Nhật Bản sau khi chuyên gia hàng đầu James Salter rời công ty.

Hè năm 2021, Abu Dhabi Investment Authority, một trong những quỹ đầu tư chính phủ lớn nhất thế giới đã giải tán nhóm thị trường Nhật Bản đặt tại Hồng Kông. Giám đốc một hãng môi lớn của Nhật Bản nói rằng “Với khoản đầu tư của ADIA vào chứng khoán Nhật Bản, việc giải thể đã gây ra làn sóng chấn động khắp ngành chứng khoán".

Một số chuyên viên thị trường Nhật Bản vẫn hiện diện ở Đức nhưng thế hệ kế thừa không có bởi hầu hết nhân viên môi giới mới vào nghề và có vài năm kinh nghiệm đều lánh xa thị trường cổ phiếu xứ mặt trời. Khi thế hệ kỳ cựu nghỉ hưu hoặc chuyển việc, các quỹ đầu tư vào chứng khoán Nhật Bản có thể sẽ không còn tồn tại.

Nhật Bản nhận ra cơ hội vươn lên thành trung tâm tài chính thế giới sau những biến động tại Hồng Kông. Các quỹ quản lý tài sản nước ngoài đã quyết định rời lãnh thổ này sau khi luật an ninh mới có hiệu lực cuối tháng 6-2020.

Từ thời điểm này, nội các dưới đời hai cựu thủ tướng Shinzo Abe và Yoshihide Suga đến thời Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio cùng chính quyền các thành phố Tokyo, Osaka và Fukuoka đã tìm mọi cách thu hút nguồn vốn và nguồn nhân lực cấp cao rời xứ cảng và các nước châu Á khác.

Trong đó, có việc cải cách các quy định để thu hút các vụ niêm yết lần đầu (IPO) của các startup công nghệ châu Á, thu hút các thương vụ niêm yết qua công ty vỏ bọc (SPAC) đến việc kéo dài giờ giao dịch thêm một tiếng đồng hồ đến 4 giờ chiều để hòa nhịp với thị trường châu Âu và Mỹ… Tuy nhiên, nay cả nỗ lực đổi mới lần này của TSE dường như vẫn là chưa đủ mạnh để hấp dẫn giới tài chính toàn cầu.

“Cuộc cải tổ là một bước tiến tuyệt vời hướng tới việc biến Tokyo thành thị trường được lựa chọn của các nhà đầu tư trên toàn thế giới”, Hiromi Yamaji, cựu chủ tịch TSE và hiện là CEO của sàn chứng khoán Nhật Bản (JPX) từng nói.

Tuy vậy, một khảo sát năm ngoái của hãng phân tích thị trường QUICK có trụ sở tại Tokyo cho thấy, 56% trong số 120 nhà quản lý tại các hãng chứng khoán và các nhà đầu tư định chế đã cho rằng cải cách của TSE là "thực tế sẽ không có gì thay đổi”. Chỉ có 3% nhà quản lý cảm thấy rằng cải cách sẽ "làm cho các công ty có khả năng tồn tại trên toàn cầu được chú ý và góp phần vào quá trình quốc tế hóa của TSE”.

Blue chip vẫn chưa thật sự hấp dẫn

Với việc giảm gần 20% số công ty niêm yết so với trước, thị trường Prime mới khởi sự với 1.839 công ty blue chip, gồm gần 300 công ty được cấp giấy hoạt động tạm thời. Tuy vậy, TSE vẫn bị chỉ trích vì đã đưa ra các tiêu chuẩn và điều kiện gia nhập thị trường blue chip quá thấp.

Đến cuối tháng 9-2022, sau sáu tháng chạy thử nghiệm, có tới 293 doanh nghiệp trên Prime nói rằng định giá công ty đã giảm 60%.

“Vấn đề là có quá nhiều công ty trên thị trường Prime. Cần phải giảm ít nhất một nửa số này”, CEO Hidematsu Take của hãng Epic Partners Investments có trụ sở tại Tokyo nói.

Con số hơn 1.800 công ty Prime lúc này là quá nhiều. Một khảo sát của QUICK hồi tháng 2-2022 cho thấy, 18% người được hỏi nói chỉ nên duy trì khoảng 1.000 công ty, 50% nói duy trì khoảng 500 công ty và 21% nói chỉ nên giới hạn khoảng 300 công ty.

Tuy nhiên, trải qua các đợt trui rèn mới không phải là chuyện dễ dàng với các doanh nghiệp blue chip lâu đời ở Nhật Bản. Sự đìu hiu của các thương vụ IPO và SPAC dường như là minh chứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới