Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Hái ra tiền’ từ nguồn tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Qua việc ứng dụng công nghệ vào quy trình khai thác, giá trị phụ phẩm của ngành nông nghiệp đã có những thay đổi rõ nét. Vì vậy, theo ý kiến của một số người trong cuộc, việc nghiên cứu ra những quy trình công nghệ mới sẽ có ý nghĩa rất lớn giúp thay đổi cho ngành hàng này tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trấu bây giờ đã trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất viên nén, củi trấu. Ảnh: Trung Chánh

Trấu, rơm rạ không còn là thứ… cho không!

Cách đây hơn chục năm, trấu là nỗi ám ảnh tại các nhà máy xay xát lúa gạo ở ĐBSCL vì nó được xem là một loại chất thải cần được xử lý, chứ không phải là hàng hoá. Sau mỗi vụ sản xuất, các khu vực chứa trấu rộng hàng trăm m2 đều cao như “ngọn núi”. Khi đó, cách thức giải quyết ở những nhà máy này là lén đổ bỏ xuống sông hoặc cho người dân trong vùng mang về dùng làm nhiên liệu đốt lò nấu cơm, nước trong gia đình.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ, còn hiện tại khi hoạt động sản xuất than củi trấu và viên nén phát triển, đặc biệt với bối cảnh giá các loại nhiên liệu xăng, dầu, gas, than đá..., tăng cao như hiện nay, thì trấu trở thành hàng hoá rất được chú ý và dĩ nhiên thay vì cho không hay lén đổ bỏ xuống sông, thì trấu bây giờ cũng có giá hơn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT Intimex Group nói rằng, trước đây trấu được đem đốt bỏ hoặc bán rất rẻ, chỉ 500 đồng/kg, nhưng bây giờ có thể bán với giá từ 1.300-2.100 đồng/kg. “Lý do, hiện trấu được đưa vào làm củi trấu và viên nén, thậm chí hiện nay không có hàng để xuất khẩu”, ông giải thích và nói rằng, khi cơ hội đến, người nông dân Việt Nam làm tất cả để tận dụng được những cái có lợi.

Sau khi qua một vài công đoạn nhờ sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ, trấu được nén lại thành viên hoặc sản xuất thành củi trấu với giá trị cũng được nâng lên khá nhiều. Chẳng hạn, một đầu mối chuyên cung cấp viên nén trấu ở Đồng Nai khi trao đổi với KTSG Online cho biết, giá loại sản phẩm này hiện nay là 2.800 đồng/kg đối với trường hợp giao tại kho của bên mua ở Tiền Giang, tức giá đã cao hơn từ 700-1.500 đồng/kg so với trấu thô.

Trong khi đó, đối với rơm rạ, nếu trước đây biện pháp xử lý của người nông dân ĐBSCL là đốt bỏ hoặc vùi vào đất, thì hiện nay rơm rạ cũng được thương lái thu mua với giá 150.000-200.000 đồng/công (1.000 m2).

Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Văn Hoàng, một nông dân ở xã Tân Hoà, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, rơm rạ (nhất là rơm rạ ở vụ lúa đông xuân- PV) hiện được các thương lái tìm mua để cung cấp cho các cơ sở sản xuất viên nén cũng như hoạt động sản xuất nấm rơm hay nhu cầu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Chỉ cần qua một vài quy trình công nghệ, phụ phẩm của ngành hàng lúa gạo từ chỗ phải đau đầu tìm cách xử lý, thì hiện nay đã trở thành một loại hàng hoá có giá trị. Rõ ràng, không chỉ riêng ngành lúa gạo, phụ phẩm của ngành thuỷ sản, cây ăn trái ở ĐBSCL nếu được ứng dụng, chế biến chắc chắn sẽ tạo ra nguồn thu khổng lồ.

Viên nén được sản xuất từ trấu của một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Chuẩn hóa quy trình biến tài nguyên phụ phẩm thành... 'mỏ vàng'

Liên quan đến câu chuyện phụ phẩm ngành nông nghiệp, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu thực trạng, dù xuất khẩu nông sản cả nước đạt mốc kỷ lục mới (hơn 53 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022- PV), nhưng việc ứng dụng công nghệ vào ngành hàng này vẫn còn thấp, cho nên, giá trị mang lại chưa như kỳ vọng, vẫn còn ảnh hưởng đến môi trường.

Chính vì thế, việc phát triển nông nghiệp hiện đại cho hiệu quả cao và theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp, ứng dụng nguyên lý tuần hoàn, sinh thái là vô cùng quan trọng. “Đây là điều đã được thể hiện trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo ông, đối với nông nghiệp ĐBSCL cần phải nâng cao giá trị, biến phế phụ phẩm thành tài nguyên tái tạo nhằm nâng cao thu nhập, giá trị trong chuỗi sản xuất. “Nguyên lý tuần hoàn trong nông nghiệp đó là mọi thứ đều là tài nguyên và là đầu vào của quá trình sản xuất khác”, ông nói.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với khoảng 100 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL, bao gồm từ rơm rạ, rau màu, thân cây ngô, thuỷ sản, lâm nghiệp..., chính là nguồn tài nguyên khổng lồ, nếu sử dụng hiệu quả có thể tạo ra nhiều tỉ đô la Mỹ.

Ông Nam cho biết, hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng quy trình công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng từ phụ phẩm của ngành nông nghiệp. “Tôi nghĩ ở đây còn dư địa rất lớn từ ngành này”, ông nói và cho biết, năm 2022 thuỷ sản đạt trên 11 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, nhưng nếu sử dụng tốt phụ phẩm thải ra từ thuỷ sản, khoảng 1 triệu tấn mỗi năm và có quy trình, công nghệ chế biến sâu có thể tạo ra thêm khoảng 3-4 tỉ đô la Mỹ. “Đây là dư địa rất lớn để các doanh nghiệp đầu tư chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp”, ông một lần nữa nhấn mạnh.

Nhìn ở ngành hàng cá tra, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết phụ phẩm trong chế biến cá tra phi lê như: đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ…, dù đã được tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm như: dầu cá, bột cá, collagen… nhưng sản phẩm còn thô, chưa có được những sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm nên giá trị gia tăng cao chưa nhiều.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đơn vị đã thử nghiệm xử lý vỏ sầu riêng thành phân phục vụ cho cây trồng cho biết, việc tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu đầu vào cho các ngành hàng khác sẽ giúp giải quyết được khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải, giảm phát thải như mong muốn của doanh nghiệp, tiến tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Muốn vậy, nếu để doanh nghiệp tự nghiên cứu, thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng cho riêng doanh nghiệp. Còn nếu ứng dụng, nghiên cứu của quốc gia, thì nhiều người có thể tiếp cận được. "Bởi, không phải một mình Chánh Thu làm sầu riêng, mà nhiều người cũng cần đến công nghệ đó, nó sẽ nhân rộng được nhiều hơn về tính thực tiễn”, bà giải thích.

Bà Thu cho biết, việc thúc đẩy nghiên cứu quy trình công nghệ để ứng dụng xử lý phụ phẩm nông nghiệp, giúp gia tăng được giá trị nguyên liệu, tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân, doanh nghiệp. “Thay vì nó là phụ phẩm mình phải đi xử lý, thì qua quy trình công nghệ nào đó nó sẽ trở thành nguyên liệu cho một ngành khác”, bà nói.

Cụ thể đối với vấn đề vỏ sầu riêng, theo bà thực tế đã có những nghiên cứu cho thấy trong vỏ sầu riêng có thành phần hoạt chất tốt cho sức khoẻ, nhưng cần có những nghiên cứu sâu hơn, có quy trình công nghệ để chiết xuất trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác. “Hiện, việc Chánh Thu thử nghiệm sản xuất phân từ vỏ sầu riêng thực tế cũng mới dừng lại trong vấn đề giúp doanh nghiệp xử lý rác thôi”, bà nói.

1 BÌNH LUẬN

  1. Hồi xưa xong mùa gặt là trấu rơm nổi lềnh khênh mặt sông, ở TP muốn kiếm chất đốt dạng viên này cũng khó, còn một thứ trời cho đầy sông rạch là lục bình, làm sao chế biến nó là ok, nguồn vô tận hốt hoài chẳng hết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới