Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng tăng giá sản phẩm tiêu dùng đang đến

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng trên thế giới đang đồng loạt tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao.

Làn sóng tăng giá hàng tiêu dùng

Trong năm 2023, người tiêu dùng trên khắp thế giới được dự báo sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng tạp hóa so với năm 2022, trừ khi chi phí nguyên liệu thô, năng lượng hạ nhiệt, hoặc người tiêu dùng quyết định chuyển sang các sản phẩm thay thế có mức giá rẻ hơn.

Việc giá thực phẩm cơ bản từ bánh mì cho đến sữa và thịt tăng cao đã góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều nước. Theo Công ty Nghiên cứu Kantar, trong giai đoạn 4 tuần kết thúc vào ngày 22-1-2023, người Anh đã chi trả số tiền cao kỷ lục cho thực phẩm, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá thực phẩm tại Mỹ, bao gồm các bữa ăn tại nhà hoặc ăn ngoài, đã tăng 10,4% trong năm 2022.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các nền kinh tế lớn khác ở châu Á. Tại Nhật Bản, kết quả điều tra mới nhất của Công ty Nghiên cứu Teikoku Databank cho thấy người tiêu dùng Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng tăng giá thực phẩm lớn thứ hai kể từ tháng 10 năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 2-2023 dự kiến sẽ có tổng cộng 5.463 mặt hàng thực phẩm tăng giá, chỉ thấp hơn so với con số 7.864 mặt hàng tăng giá vào tháng 10 năm ngoái. Tính chung cả tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3-2023), số lượng mặt hàng thực phẩm tăng giá sẽ lên tới hơn 30.000.

theo chuyên gia phân tích Bruno Monteyne của Bernstein, xu hướng tăng giá này sẽ tiếp diễn cho đến khi các nhà sản xuất hàng tiêu dùng phục hồi được lợi nhuận.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến cho các nhà sản xuất thực phẩm tăng giá bán một phần là do cả giá nguyên vật liệu đầu vào và giá điện đều tăng, một phần do đồng yen yếu khiến giá hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Nhiều khả năng giá thực phẩm sẽ chưa thể ổn định trong tương lai gần, nhất là khi giá điện có khả năng sẽ tiếp tục tăng, buộc các nhà sản xuất Nhật Bản phải chuyển bớt gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng.

Còn tại Hàn Quốc, các công ty thực phẩm và đồ uống đang đua nhau tăng giá các loại thực phẩm chế biến, bao gồm nhiều loại nhu yếu phẩm, làm gia tăng gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình, vốn đã chật vật vì lạm phát cao. Nhà máy bia OB - nhà sản xuất bia lớn nhất Hàn Quốc - cho biết đã bắt đầu tăng giá bán lẻ trung bình các sản phẩm của hãng thêm 5,89% kể từ ngày 6-2-2023. Theo đó, một chai bia 500 mi li lít với giá bán buôn là 1.082 won sẽ đắt hơn 60 won.

Người phát ngôn của hãng bia OB Lee Eun-ah cho biết “do chi phí mạch nha và các nguyên liệu thô khác tăng cao, chúng tôi cần phải tăng giá các sản phẩm của mình”.

Không chỉ bia, mà cả soda, cà phê, và các loại đồ uống khác cũng trở nên đắt đỏ hơn trong những tuần gần đây. Giá gạo, hải sản, mì ramyeon và đồ ăn nhẹ cũng không nằm ngoài làn sóng tăng giá. Nongshim, nhà sản xuất đồ ăn nhẹ và mì ramyeon lớn nhất Hàn Quốc, đã tăng giá ba sản phẩm phổ biến nhất của mình vào đầu tuần trước, trong khi Samyang Foods cũng tăng giá sáu nhãn hiệu mì ăn liền của mình lên trung bình 10% hồi đầu tháng. Dongwon Food & Beverage, nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp và các mặt hàng thủy sản khác của Hàn Quốc, cũng đã tăng giá các sản phẩm của mình trung bình thêm 7,6%.

Lee Geun-tae, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu kinh tế LG, cho biết “các công ty đã, đang và sẽ tăng giá sản phẩm của họ, do sự leo thang của giá nguyên liệu thô và các chi phí hoạt động khác”.

Các nhà sản xuất nỗ lực bảo vệ lợi nhuận

Trong vòng một năm qua, biên lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đã bị giảm đáng kể do chi phí đầu vào cao hơn. Trả lời phỏng vấn một tờ báo tại Đức hồi tuần trước, ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành của tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới Nestle, cho biết công ty sẽ phải tăng giá các sản phẩm thực phẩm của mình trong năm nay để bù đắp chi phí sản xuất cao hơn mà họ vẫn chưa chuyển hoàn toàn về phía người tiêu dùng.

Unilever là nhà cung cấp xà phòng Dove, hạt nêm Knorr và sốt mayonnaise Hellmann,... Giám đốc tài chính của Unilever là Graeme Pitkethly cho biết giá sản phẩm “vẫn chưa qua mức đỉnh”, ngay cả sau khi hãng vừa thực hiện mức tăng giá trung bình kỷ lục 13,3% trong quí 4-2022. Unilever ước tính lạm phát nguyên vật liệu ròng mà hãng phải gánh chịu trong nửa đầu năm nay sẽ lên tới 1,5 tỉ euro (1,6 tỉ đô la Mỹ).

Tineke Frikkee, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Waverton Investment Management, dự báo Unilever sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2023, mặc dù việc tăng giá sẽ được thực hiện một cách có chọn lọc.

Những động thái tương tự cũng sẽ được nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng khác thực hiện. Procter & Gamble - nhà sản xuất bột giặt Tide và tã giấy Pampers hôm 19-1 - cho biết sẽ tiếp tục tăng giá bán dù sản lượng sụt giảm. Nhà sản xuất tã giấy Huggies Kimberly-Clark cũng tuyên bố sẽ tăng giá thêm trong năm nay, trong khi nhà sản xuất kem đánh răng Colgate đã lên kế hoạch tăng giá thêm trong nửa đầu năm 2023.

Theo ông Jack Martin, nhà quản lý quỹ tại Oberon Investments, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán việc tăng giá làm sao cho không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh và giá trị cổ phiếu.

Còn theo chuyên gia phân tích Bruno Monteyne của Bernstein, xu hướng tăng giá này sẽ tiếp diễn cho đến khi các nhà sản xuất hàng tiêu dùng phục hồi được lợi nhuận.

Các hãng bán lẻ tìm cách ngăn cản giá tăng

Trong khi đó, các hãng bán lẻ không cảm thấy hài lòng với các động thái tăng giá bán sản phẩm. Phản ứng gay gắt nhất có thể kể đến Walmart - nhà bán lẻ lớn nhất thế giới.

Trong năm ngoái, Walmart từng phải tăng giá bán đối với một số sản phẩm như sữa, thức ăn đông lạnh và bột giặt… trong bối cảnh các nhà cung cấp của họ phải vật lộn với chi phí gia tăng. Tuy nhiên giờ đây, gã khổng lồ trong ngành bán lẻ Mỹ đang cảnh báo các đối tác rằng, họ không thể chấp nhận việc tăng giá nữa.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu khó khăn của các nhà cung cấp hàng tiêu dùng, xem chúng tôi có thể làm gì để giúp họ giảm thiểu một số chi phí, ông Doug McMillon, Giám đốc điều hành của Walmart cho biết tại một hội nghị với nhà đầu tư hồi tháng 12 năm ngoái. “Thật không may, một số nhà cung cấp vẫn đang hướng chúng ta tới mức lạm phát cao hơn, ở mức hai con số vào năm tới. Và chúng tôi không thích điều đó chút nào, dù là vì bất kỳ lý do gì”.

Ông Doug McMillon cũng nói thêm rằng, Walmart đang khuyến khích các nhà cung cấp cần tập trung vào triển vọng dài hạn, hơn là lợi ích trong ngắn hạn. Hãng bán lẻ Mỹ hiện đang giới thiệu các sản phẩm thuộc nhãn hiệu riêng của mình cho người tiêu dùng, giúp họ có được lựa chọn thay thế rẻ hơn so với hàng hóa thuộc các thương hiệu khác.

Tại châu Âu, các nhà bán lẻ cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn của mình đối với việc tăng giá sản phẩm. Nhà bán lẻ giảm giá Colruyt của Bỉ chia sẻ với Reuters rằng: “Với các nhà cung cấp lớn, chúng tôi chú trọng vào các hợp đồng dài hạn và không cần phải đàm phán lại”.

Tập đoàn siêu thị lớn nhất nước Anh Tesco và Công ty thực phẩm Kraft Heinz hồi năm ngoái đã không thể thống nhất về giá cả đối với một số mặt hàng. Hệ quả là nhiều sản phẩm của Kraft Heinz đã biến mất khỏi kệ hàng của Tesco. Hồi đầu tháng này, đến lượt các cửa hàng ở Nam Phi ngừng cung cấp sốt mayonnaise thương hiệu Hellmann của Unilever cũng do vấn đề chi phí.

Bao giờ đà tăng giá cả sẽ chững lại, hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ. Giám đốc điều hành của Tesco, Ken Murphy, cho biết vào tháng trước rằng ông hy vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2023 và sau đó bắt đầu giảm. Tuy nhiên, nhà phân tích Warren Ackerman của Barclays nhận định, mặc dù giá hàng hóa thực phẩm trung bình đã giảm 20% so với mức đỉnh hồi tháng 3, nhưng sẽ phải có độ trễ thời gian nhất định, trước khi sự sụt giảm này được phản ánh vào chi phí của các công ty.

Nguồn: Reuters, Korea Times, NBC News, AP, The Japan Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới