Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh kế hoạch lợi nhuận 2023 – thận trọng là màu sắc chủ đạo

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có thể thấy dù bức tranh kế hoạch lợi nhuận 2023 chỉ mới dần hé lộ, khi số lượng các doanh nghiệp công bố kế hoạch là chưa nhiều, nhưng phần lớn đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng khá thận trọng, trong đó không ít doanh nghiệp thậm chí dự kiến đi lùi so với kết quả năm 2022.

Sau năm 2022 đạt lợi nhuận kỷ lục, ngành phân bón đã thận trọng giảm chi tiêu doanh thu trong năm 2023. Trong ảnh: Nông dân bón phân lúa tại Long An. Ảnh: N.K

Kế hoạch thận trọng

Với kết quả lãi sau thuế đột biến hơn 4.280 tỉ đồng trong năm 2022, gấp 2,3 lần năm trước, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) mới đây gây bất ngờ khi đặt kế hoạch lãi sau thuế năm 2023 chỉ ở mức 1.383 tỉ đồng, tức giảm đến 68% so với thực hiện năm 2022. Chỉ tiêu doanh thu của doanh nghiệp này cũng dự kiến giảm 18% so với năm 2022, xuống mức 13.458 tỉ đồng.

Tương tự, CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) cũng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm sâu so với năm 2022, từ mức lãi trước thuế kỷ lục hơn 6.640 tỉ đồng xuống chỉ còn 2.700 tỉ đồng. Như vậy, sau năm 2022 báo lãi kỷ lục với mức tăng trưởng lãi trước thuế đến 75% so với năm 2021, gấp 7,8 lần năm 2020, DPM cũng đang lường trước những khó khăn sẽ đối mặt trong năm 2023 này.

Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới dự kiến hạ nhiệt, CTCP CNG Việt Nam (HOSE:CNG) cũng đặt kế hoạch năm 2023 khá khiêm tốn, với tổng doanh thu dự kiến ở mức 3.458 tỉ đồng, bằng 83% thực hiện năm 2022, lãi sau thuế 85,4 tỉ đồng, bằng 67% thực hiện năm 2022. Trước đó, trong năm 2022, nhờ hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao, doanh thu thuần CNG cán mốc kỷ lục 4.186 tỉ đồng kể từ năm 2008, tăng 37% và lãi sau thuế gần 127 tỉ đồng, tăng 54% so với năm 2021.

Sau khi chứng kiến tổng doanh thu năm 2022 đạt hơn 3.185 tỉ đồng, vượt hơn 33% kế hoạch năm và tăng gần 63% so với năm 2021; lãi sau thuế hơn 827 tỉ đồng, vượt hơn 50% kế hoạch năm, tăng hơn 85% so với cùng kỳ, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) đặt kế hoạch lãi sau thuế về còn 300 tỉ đồng, giảm mạnh gần 64%; trong khi doanh thu dự kiến đạt 2.698 tỉ đồng, giảm hơn 15% so với năm 2021.

Đáng lưu ý là một số doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 sụt giảm mạnh cũng có thể đến từ việc đã đi qua giai đoạn lợi nhuận đỉnh cao, với kết quả tăng trưởng đột biến năm 2022 vừa qua.

Dĩ nhiên vẫn có những doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng, nhưng mức tăng cũng chỉ tương đối, chứ không còn sự mạnh mẽ như những năm trước.

Như CTCP Thế Giới Số (HOSE: DGW) thông qua chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt là 25.109 tỉ đồng và 787 tỉ đồng, tăng 14% và 15% so với thực hiện năm 2022.

CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (HNX: PSE) đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 4.363 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 24 tỉ đồng, tăng lần lượt 16% và 13% so với thực hiện năm 2022.

Hay như CTCP Thế giới Di động (HOSE:MWG) dự kiến đạt doanh thu thuần từ 135.000-150.000 tỉ đồng và lợi nhuận ròng từ 4.200-4.700 tỉ đồng trong năm 2023. Như vậy, trong kịch bản tốt nhất, công ty ghi nhận doanh thu tăng 12,4% và lãi ròng tăng 14,6% so với năm 2022, còn trong kế hoạch tiêu cực hơn, con số này lần lượt là tăng 1,2% và 2,4%.

Còn CTCP FPT (HOSE:FPT) thông qua chỉ tiêu doanh thu gần 52.300 tỉ đồng, tăng gần 19%; lãi trước thuế hơn 9.000 tỉ đồng, tăng hơn 18,3%. Đây là những con số chỉ ở mức trung bình nếu xét đến xu thế số hóa và sự phát triển cùng lĩnh vực công nghệ đang chiếm ưu thế trong nền kinh tế.

Qua thời đỉnh cao và những khó khăn lường trước

Xu hướng này phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp có thể phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023 dự kiến sẽ còn khó lường, từ tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới bấp bênh, khiến đơn hàng nhiều ngành công nghiệp sụt giảm, chuỗi cung ứng vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc, áp lực lạm phát dai dẳng và thách thức lãi suất cao đang ngày càng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị.

Trong một báo cáo đầu năm nay, nhóm phân tích dữ liệu đến từ FiinGroup cũng nhận định với bối cảnh vĩ mô không thuận lợi, triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết năm 2023 duy trì ở mức kém tích cực.

Ba yếu tố khiến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết suy giảm gồm chi phí vốn tăng cao, cầu tiêu dùng trong nước và thế giới suy giảm do môi trường lãi suất cao, và nghẽn “dòng tiền” trong nền kinh tế.

Đáng lưu ý là một số doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 sụt giảm mạnh cũng có thể đến từ việc đã đi qua giai đoạn lợi nhuận đỉnh cao, với kết quả tăng trưởng đột biến năm 2022 vừa qua. Theo đó, dự kiến thời gian tới tốc độ tăng trưởng sẽ suy giảm, thậm chí có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn trong bối cảnh khó khăn chung của ngành.

Như trường hợp của các doanh nghiệp phân bón - hóa chất DCM hay DPM nói đến ở trên. Các chuyên gia đều có chung nhận định tương đối kém khả quan về triển vọng toàn ngành phân bón/hóa chất năm 2023.

Đơn cử như Công ty Chứng khoán SSI cho rằng giá urê có thể giảm mạnh khi tình hình xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc phục hồi; chi phí đầu vào urê (là than và khí tự nhiên) có thể quay đầu; và nhu cầu urê suy yếu. Do các mặt hàng kinh doanh chính của DCM là urê, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2023.

Đối với nhóm ngành thủy sản, theo SSI, dù Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành thủy sản Việt Nam năm 2023, doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Mỹ và EU, nhưng không đủ để phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản trong nửa đầu năm 2023.

Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản trong quí 1-2023 không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022. Thị trường có thể sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023, nhưng tổng thể năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể giảm nhẹ, còn khoảng trên 10 tỉ đô la Mỹ.

Hay đối với nhóm ngành năng lượng, trong báo cáo Triển vọng Năng lượng mới nhất, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo trong năm 2023, giá dầu thô thế giới sẽ tăng nhẹ trong quí 1, ổn định từ quí 2 và suy giảm từ quí 3.

Theo đó, giá dầu brent được dự báo sẽ tương đối ổn định quanh mức 85 đô la Mỹ/thùng trong quí 2-2023. Sau đó, sẽ bắt đầu giảm vào quí 3-2023 cho đến cuối năm 2024, với trung bình giá dầu thô brent sẽ đạt 83 đô la Mỹ/thùng trong năm 2023 và 79 đô la Mỹ/thùng trong năm 2024, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình là 101 đô la Mỹ/thùng của năm 2022.

Trong khi đó, một số ngành sẽ gặp áp lực lớn trong môi trường lãi suất tăng cao, gồm bất động sản, xây dựng, thép, điện tử, thực phẩm, bán lẻ, than. Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này đang ở mức cao trong khi triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp không khả quan, đặc biệt là đối với ngành bất động sản và xây dựng.

Ngược lại, tăng trưởng được dự báo duy trì ở những nhóm ngành mang tính phòng thủ và quy mô vốn hóa nhỏ như điện, nước, dược phẩm, công nghệ thông tin.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới