(KTSG) - Có thể thấy dù quí 4-2022 gặp không ít khó khăn, nhưng lợi nhuận năm 2022 của nhiều doanh nghiệp vẫn đạt được sự tăng trưởng ổn định, nhờ kết quả tích cực của ba quí trước đó. Với kết quả này, dòng tiền cũng đã sớm vận động và bị thu hút trở lại vào thị trường chứng khoán, đẩy giá nhiều cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn đầu năm nay.
- Đề xuất gia hạn hơn 100.000 tỉ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp
- Dòng tiền thận trọng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán!
Cả năm khả quan nhưng quí 4 bắt đầu khó khăn
Tính đến đầu tuần này (6-2-2023), đã có hơn 715 doanh nghiệp trên hai sàn HOSE và HNX công bố báo cáo tài chính quí 4-2022 và cả năm 2022. Phần lớn cho thấy các doanh nghiệp có lợi nhuận trong năm 2022 và duy trì sự tăng trưởng lợi nhuận so với năm 2021, nhờ vào đà phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Dù vậy, một điểm đáng lưu ý là lợi nhuận riêng trong quí 4 có dấu hiệu giảm tốc so với các quí trước, phản ánh những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, có đến 631 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng hơn 88%, báo lãi trong năm 2022, với tổng mức lãi ròng 395.000 tỉ đồng. Ngược lại, có 84 doanh nghiệp báo lỗ, với tổng mức lỗ hơn 23.400 tỉ đồng.
Những doanh nghiệp lỗ lớn đáng chú ý là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) lỗ sau thuế 10.452 tỉ đồng, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) lỗ gần 3.566 tỉ đồng, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) lỗ 2.171 tỉ đồng, CTCP thép Pomina (POM) lỗ 1.167 tỉ đồng, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) lỗ 897 tỉ đồng. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp khác lỗ hàng trăm tỉ đồng như SMC, APS, PTI, TVC, VKS, APG,...
Dù lợi nhuận năm 2022 của phần lớn doanh nghiệp vẫn khả quan, nhưng những khó khăn đã bắt đầu bộc lộ trong quí 4-2022 và có thể sẽ chưa sớm kết thúc. Vì vậy, dễ hiểu khi nhiều dự báo cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực suy giảm trong năm 2023.
Ở nhóm có lãi, ngành ngân hàng tiếp tục thể hiện sự vượt trội và duy trì vững chắc ngôi vị dẫn đầu, khi trong tốp 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất đã xuất hiện đến bảy cái tên ngân hàng. Vietcombank tiếp tục là quán quân với mức lãi ròng 29.892 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Techcombank đã vươn lên vị trí thứ 2 trong nhóm ngân hàng khi báo lãi ròng 20.150 tỉ đồng. Ba doanh nghiệp còn lại nằm trong tốp 10 là Vinhomes (VHM) xếp thứ 2 với mức lãi 28.628 tỉ đồng; Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) lãi 14.794 tỉ đồng, xếp thứ 8 và Vinamilk lãi 8.516 tỉ đồng, xếp thứ 10.
Có thể thấy tổng lãi của tốp 10 doanh nghiệp dẫn đầu đã lên tới hơn 186.429 tỉ đồng, chiếm 47% tổng lãi được tạo ra. Ngoài ra, trong 10 cái tên kế tiếp sau tốp 10 thì ngân hàng cũng đã chiếm đến bốn cái tên, cho thấy nhóm ngân hàng tiếp tục một năm bội thu bất chấp những khó khăn và thách thức phải đối mặt, đặc biệt là càng về thời điểm cuối năm.
Như đã nói, quí 4-2022 đã bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp, thể hiện qua lợi nhuận có sự suy giảm. Thống kê cho thấy trong quí 4-2022, có đến 313 doanh nghiệp trong số 715 doanh nghiệp nói trên có lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.
Kết quả này góp phần phản ánh bức tranh kinh tế trong những tháng cuối năm 2022, khi nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, các điều kiện sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế cũng chậm lại, trong khi lãi suất và tỷ giá đi lên kéo theo áp lực chi phí tài chính của nhiều doanh nghiệp tăng vọt.
Dòng tiền sớm vận động
Có thể thấy dù quí 4-2022 gặp không ít khó khăn, nhưng lợi nhuận năm 2022 của nhiều doanh nghiệp vẫn đạt được sự tăng trưởng ổn định, nhờ kết quả tích cực của ba quí trước đó. Với kết quả này, dòng tiền cũng đã sớm vận động và bị thu hút trở lại vào thị trường chứng khoán, đẩy giá nhiều cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn đầu năm nay.
Đơn cử như ở nhóm ngân hàng, chỉ số giá cổ phiếu của ngành này đã tăng xấp xỉ 12,4% tính từ đầu năm đến nay, còn nếu so với mức đáy vào giữa tháng 11-2022 thì đã đạt mức tăng đến 30%, là một trong những ngành tăng tốt nhất và là động lực quan trọng kéo thị trường phục hồi từ đó đến nay.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu xây dựng cơ sở hạ tầng mà được cho là hưởng lợi từ các dự án đầu tư công, nhóm lương thực - thực phẩm hay công nghệ cũng đang có dấu hiệu thu hút dòng tiền.
Khối ngoại vẫn đang tiếp tục rót ròng mua cổ phiếu, với giá trị gần 1.680 tỉ đồng tính riêng trên sàn HOSE trong tuần trước. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp đầu tiên của năm nay chỉ tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm đúng như dự báo càng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư rằng cơ quan này đang làm chậm lại quá trình thắt chặt chính sách và sẽ sớm kết thúc lộ trình nâng lãi suất trong năm nay.
Các quỹ đầu tư cũng đã sớm hành động. Trong báo cáo gần nhất được công bố, quỹ Dragon Capital cho biết đang nắm giữ hơn 99% tài sản ròng (NAV) dưới dạng cổ phiếu (tính tới ngày 19-1-2023). Trong khi đó, lượng tiền mặt ròng của quỹ chỉ còn 0,76% NAV, thấp hơn nhiều so với mức hơn 13% của tháng 11-2022. Với tổng tài sản gần 1,8 tỉ đô la Mỹ, tiền mặt của quỹ VEIL chỉ còn 13 triệu đô la. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp quỹ này có tỷ trọng tiền mặt gần ngưỡng 1%.
Theo nhận định mới đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tổ chức này kỳ vọng triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2023 với dự phóng VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm vào cuối năm 2023. Lạc quan hơn, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund, kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hồi phục mạnh và sang giai đoạn Uptrend trong ba năm tới, với dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.450 điểm trong năm 2023.
Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được công bố mới đây tiếp tục giảm xuống còn 3,4%, thấp nhất trong vòng 53 năm qua, cho thấy thị trường lao động vẫn chưa hạ nhiệt như kỳ vọng của Fed. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của Fed và kế đó là chính sách tiền tệ của cơ quan này.
Quay lại với Việt Nam, dù lợi nhuận năm 2022 của phần lớn doanh nghiệp vẫn khả quan, nhưng những khó khăn đã bắt đầu bộc lộ trong quí 4-2022 và có thể sẽ chưa sớm kết thúc.
Đơn cử như với mặt bằng lãi suất vẫn neo cao, việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp không chỉ khó khăn hơn mà còn phải chịu lãi suất cho vay tăng lên cao hơn là điều khó có thể tránh được. Lãi suất cao cũng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư mới trong nền kinh tế, cũng như khiến kế hoạch phát hành tăng vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức hơn.
Vì vậy, dễ hiểu khi nhiều dự báo cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực suy giảm trong năm 2023. Nếu điều này thật sự xảy ra, diễn biến giá cổ phiếu cũng khó có thể tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng của các nhà đầu tư hay dự báo của giới phân tích.