Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bấp bênh nghề nuôi cá tra gia công cho nhà máy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bấp bênh nghề nuôi cá tra gia công cho nhà máy

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - “Nói thật với chú em nghen, tại không có vốn nên tui mới nuôi gia công cho nhà máy, chứ có vốn dại gì mà nuôi gia công”. Đó là tâm sự của ông Trương Tấn Bửu ở xã Tân Thành B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp khi nói về việc liên kết nuôi cá tra với các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay.

Bấp bênh nghề nuôi cá tra gia công cho nhà máy
Để tránh thiệt hại, người nuôi cá tra gia công cần tính toán kỹ lại mức lợi nhuận thu được của mình so với mức lợi nhuận của nhà máy - Ảnh: Trung Chánh

Cuối tháng 5 đầu tháng 6, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL lên cao ngất ngưỡng, từ 28.500 - 29.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này đa số người nuôi cá tra đều nuôi gia công cho nhà máy, xí nghiệp nên lợi nhuận thu được rất thấp. Giá cá tăng cao, nông dân lấy lại ao nuôi để tự nuôi cá thương phẩm, lập tức giá cá lại quay về mức giá 20.000 đồng/kg, rơi vào cảnh lỗ lã.

Hết vốn, người nuôi lại quay về nuôi gia công cho nhà máy, giá cá tra tăng lại lên 26.000-26.500 đồng/kg như hiện nay.

Cái vòng lẩn quẩn nuôi gia công cá nguyên liệu tăng giá nhưng người nuôi chẳng hưởng được bao nhiêu, tự đầu tư nuôi thương phẩm thì giá giảm mạnh cứ liên tục tái diễn, người nuôi cá đã nghèo ngày càng nghèo hơn.

Nuôi gia công hay làm công?

Trước giờ người ngoài nghề (không phải người nuôi cá tra) cứ nghĩ nông dân nuôi cá gia công cho các nhà máy, xí nghiệp xuất khẩu sẽ được bảo đảm lợi nhuận, giúp nghề nuôi cá tra phát triển bền vững hơn…, còn báo chí thì liên tục thông tin những mô hình liên kết, hợp tác nuôi cá giữa nhà máy và chủ ao hầm.

Tuy nhiên, qua trao đổi với bà con nuôi gia công, thực tế lại hoàn toàn đi ngược lại. Người nuôi cá tra gia công khổ trăm bề, lợi nhuận thu được chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/15 lợi nhuận của các nhà máy, doanh nghiệp thuê nuôi gia công thu được (chưa kể doanh nghiệp hưởng lợi từ việc sử dụng nguyên liệu này chế biến và mang đi xuất khẩu).
   
“Nói thật với chú em nghen, tại không có vốn nên tui mới nuôi gia công cho nhà máy, chứ có vốn dại gì mà nuôi gia công” - ông Trương Tấn Bửu ở xã Tân Thành B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, nói.

Lâu nay cứ hễ cá tra thiếu hạy thừa bất thường thì các cơ quan quản lý, doanh nghiệp thường đổ thừa nguyên nhân do nông dân đầu tư nuôi cá tự phát, mà không ký kết hợp đồng nuôi cá có bao tiêu sản phẩm.

Ông Bửu cho biết, đầu năm 2011 ông đã ký hợp đồng nuôi gia công cho một công ty chế biến cá tra xuất khẩu ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp với giá 3.300 đồng/kg.

Theo đó, phía công ty sẽ đầu tư thức ăn, còn người nuôi cá, để được hưởng 3.300 đồng/kg cá nguyên liệu được tạo ra, người nuôi gia công sẽ chịu các khoản chi phí về con giống, thuốc men ngừa bệnh, điện nước, nhân công, ao nuôi…

Theo tính toán của ông Nguyễn Minh Điền ở ấp Bắc Trang, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, để tạo được một kg cá tra nguyên liệu, tốn khoảng 20.000-21.000 đồng chi phí. Trong đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư về chi phí thức ăn, tốn 16.000-17.000 (cứ 1,65 kg thức ăn ở loại thức ăn có 28 độ đạm sẽ tạo được 1 kg cá nguyên liệu- quy định theo hợp đồng). Còn nông dân được hưởng con số nhất định là 3.300 đồng/1 kg cá nguyên liệu được tạo ra (chưa trừ chi phí), bất kể giá cá trên thị trường cao hay thấp.

Theo tìm hiểu của người viết, hiện tại, giá cá nguyên liệu loại 0,8-1 kg/con ở các tỉnh ĐBSCL dao động từ 25.500-26.500 đồng/kg. Như vậy, mỗi kg cá nguyên liệu sau khi trừ đi chi phí thức ăn là 16.000-17.000 đồng/kg (doanh nghiệp chịu), còn lại khoảng 10.000 đồng/kg. Trong đó, người nuôi được hưởng 3.300 đồng/kg ( 3.300 đồng/kg, bao gồm chi phí con giống, nhân công, điện nước chưa được trừ ra), doanh nghiệp 6.700 đồng/kg (đã trừ chi phí thức ăn).

“Thời gian qua, không ít báo đài dẫn lời các cơ quan nhà nước lẫn các chuyên gia trong ngành thủy sản nói, chỉ có liên kết giữa “nông dân với doanh nghiệp” mới mong giúp ngành sản xuất chế biến cá tra phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại, lợi nhuận chúng tôi được hưởng chỉ là những đồng tiền lẻ so với lợi nhuận của doanh nghiệp, chưa kể khâu lời trong chế biến”- ông Bửu bức xúc nói.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) khuyến cáo: “Bà con nông dân khi liên kết nuôi cá gia công cho các doanh nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản cần tính toán kỹ các khoản chi phí bởi vì lợi nhuận mà bà con nuôi cá thu được như hiện nay chẳng khác nào đang làm công cho doanh nghiệp”.

Nhu cầu tăng, giá nguyên liệu vẫn thấp

Nông dân gồng mình trả lãi suất cho doanh nghiệp

Ông  Nguyễn Minh Điền, một người nuôi cá ở ấp Bắc Trang, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết: “Ngoài việc người nuôi cá tra bị các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ép giá khi thu mua nguyên liệu, người nuôi cá còn phải “gồng mình” chịu lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp bởi “chiêu” mua thiếu 1 - 2 tháng của doanh nghiệp”.

Trong khi nhu cầu nhập khẩu cá tra phi lê ở các nước liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều tăng cao cả về lượng lẫn giá trị, tăng 20-25% so với mức giá thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6 (tức thời điểm giá cá nguyên liệu trong nước đạt kỷ lục 28.500-29.000 đồng/kg), nhưng giá cá nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL hiện chỉ ở mức cao nhất 26.500 đồng/kg, thấp hơn từ 2.000-2.500 đồng/kg so với mức giá kỷ lục.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) thừa nhận, từ đầu tháng 9 đến nay, các nhà nhập khẩu ở châu Âu và Mỹ sang Việt Nam đặt hàng mua cá tra phi lê tăng cao.

“Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường lớn như EU, Mỹ tăng cao, họ (các nhà phập khẩu) sẵn sàng nâng giá nhập khẩu lên 20%, nhưng không hiểu sao giá cá nguyên liệu trong nước chỉ tăng đủng đỉnh như vậy” - ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp An Hòa, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp thắc mắc.

Thông tin từ Vasep cho biết, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu ký trong quí 4/ 2011 đã tăng gấp đôi so với quí 3/2011. Thế nhưng giá cá nguyên liệu vẫn thấp hơn mức giá kỷ lục được thiết lập hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6.

Trao đổi với người viết về vấn đề này, ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch AFA cho biết, giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp, không loại trừ khả năng các doanh nghiệp chế biến thủy sản bắt tay nhau đè giá thu mua lại.

Còn ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên ban chấp hành AFA nói: “Chỉ cần một cú điện thoại của các doanh nghiệp thôi cũng làm giá cá nguyên liệu giảm thê thảm rồi”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới