Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành gỗ vẫn đi ‘một chân’

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các chuyên gia ví von ngành sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đang đi bằng “một chân” khi có lợi thế về sản xuất nhưng lại yếu thế trong khâu xúc tiến thương mại và bán hàng. Đã đến lúc thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại ở ngành hàng này nếu không muốn để vuột mất các cơ hội vàng từ sự dịch chuyển đơn hàng quốc tế sau dịch Covid-19.

Khách tham quan tại HAWA Expo 2023, hội chợ đầu tiên về hợp tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh của ngành giữa 5 hiệp hội của ngành gồm Viforest, HAWA, BIFA, DOWA và FPA. Ảnh: Quốc Hùng

Trong bối cảnh khó khăn do lạm phát tăng cao, ảnh hưởng bởi tình trạng địa chính trị và kinh tế toàn cầu, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam từ tháng 8-2022 đến nay cũng bị sụt giảm nhiều. Mặc dù vậy, xu hướng dịch chuyển đơn đặt hàng đồ gỗ từ Trung Quốc và các nước khác đến Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra, gợi lên nhiều tia hy vọng cho ngành sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này tại Việt Nam.

Đơn hàng hướng về Việt Nam, không qua trung gian

Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty Nội thất New GBI, cho biết những tháng gần đây, công ty nhận được nhiều lời đề nghị của các nhà mua hàng quốc tế muốn tìm hiểu mua hàng tại công ty cũng như các nhà sản xuất đồ gỗ khác của Việt Nam. Đây là những nhà nhập khẩu lớn ở Mỹ và châu Âu.

“Do chuỗi cung ứng và giá cả tại Trung Quốc có nhiều thay đổi sau đại dịch nên họ muốn chuyển đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, trong đó Việt Nam được sự quan tâm cao nhờ sản phẩm làm ra ngày càng khẳng định trên thương trường và giá cả cạnh tranh”, ông Lành giải thích.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) Điền Quang Hiệp cũng xác nhận cơ hội được tiếp cận ngày càng nhiều các nhà mua hàng quốc tế do có sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Quang Hiệp điều thực sự thu hút sự chú ý của các nhà mua hàng nói trên là ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam có sản phẩm đạt chất lượng tốt và đáp ứng được các yêu cầu trong sản xuất các mặt hàng gỗ cho xuất khẩu.

Còn có một điểm mới trong xu hướng dịch chuyển nói trên, theo ông Trần Lam Sơn, Tổng giám đốc Công ty Thiên Minh là đã có nhiều nhà mua hàng quốc tế đặt hàng trực tiếp với doanh nghiệp mà không mua hàng thông qua các công ty trung gian ở Hồng Kông hay Singapore như trước đây.

“Sở hữu năng lực sản xuất tốt, quản lý hiệu quả, lực lượng lao động hùng hậu, có tay nghề cao và nguồn nguyên liệu sẵn có, ngành gỗ Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua thử thách mang tính khách quan hiện tại, vững vàng ở vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu nội thất”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), tỏ ra hy vọng.

Nhiều cơ hội bán hàng, thiếu xúc tiến thương mại

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho rằng nhiều năm liền ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt được tăng trưởng cao ở mức 2 con số nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao. Vì thuận lợi đó khiến hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu sự quan tâm cho khâu xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường.

Điểm yếu này khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm. Có thể thấy rõ điều này khi trong cùng bối cảnh chịu ảnh hưởng của tình trạng lạm phát lan rộng hiện nay, doanh nghiệp Việt bị sụt giảm mạnh đơn hàng trong khi các doanh nghiệp FDI trong ngành vẫn sản xuất đều đặn.

Do công tác phát triển thị trường, tham gia vào giá trị thương mại chưa tốt nên nhiều năm qua thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn chỉ là những cái tên quen thuộc như Mỹ (gần 60% giá trị xuất khẩu), châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong khi đó tiềm năng các thị trường khác không nhỏ. Đơn cử như theo kế hoạch chuyển đổi quốc gia của Ảrập Saudi, quốc gia này đã lên kế hoạch xây dựng hơn 550.000 đơn vị dân cư, khoảng 275.000 khách sạn, hơn 4,3 triệu mét vuông không gian bán lẻ và hơn 6,1 triệu mét vuông diện tích văn phòng mới. Quy ra lượng nội thất để lấp đầy những con số trên, cơ hội cho các doanh nghiệp nội thất toàn cầu không hề nhỏ. Cùng với Trung Đông, các thị trường khu vực khác, như Ấn Độ cũng đang bùng nổ…

Đáng chú ý, để khẳng định thương hiệu và bán được sản phẩm, doanh nghiệp các nước còn phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường xuất khẩu lớn để trực tiếp bán hàng và quảng bá thương hiệu. Trong khi, điều này với doanh nghiệp Việt Nam gần như chưa làm được. Mặt khác, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam chủ yếu tập trung vào chuỗi phân phối (Home Furniture), trong khi doanh nghiệp các nước còn mở rộng đến các dự án, công trình...

Với những phân tích trên, vị Chủ tịch Viforest cho rằng ngành gỗ lâu nay chỉ đi bằng “một chân”. Muốn phát triển bền vững, theo ông Lập, các doanh nghiệp, hiệp hội phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế…

Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường nội thất toàn cầu đạt giá trị 677 tỉ đô la vào năm ngoái và sẽ đạt 1.070 tỉ đô la năm 2030. Nghĩa là dư địa của ngành vẫn còn nhiều để các doanh nghiệp có thể bứt phá so với con số thực hiện trong năm 2022 là gần 17 tỉ đô la.

“Hợp lực” quảng bá ngành, tìm đơn hàng

HAWA Expo 2023 - Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TPHCM 2023 - diễn ra tuần vừa qua đánh dấu sự hợp lực đầu tiên giữa năm hiệp hội trong ngành chế biến gỗ cùng xúc tiến thương mại quảng bá hình ảnh của ngành. Cái “bắt tay” giữa Viforest và bốn hiệp hội ngành đồ gỗ ở các địa phương có thế mạnh gồm TPHCM (HAWA), Bình Dương (BIFA), Đồng Nai (DOWA), Bình Định (FPA) được xem là điểm nhấn quan trọng cho sự hợp tác quy mô toàn ngành trong việc xúc tiến thương mại.

“Sự hợp tác này nhằm mang lại sức mạnh chung, tạo thêm nhiều điều kiện để doanh nghiệp trong ngành có môi trường kinh doanh thuận lợi, rộng mở. Xa hơn, là nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới”, vị Chủ tịch Viforest nói.

Với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, 1.600 gian hàng, sự kiện thu hút hơn 16.000 khách tham quan, trong đó có hơn 1.000 khách quốc tế là những tập đoàn, nhà mua hàng đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng ban tổ chức, cho rằng HAWA Expo thể hiện sự đa dạng hóa và thế mạnh của các ngành sản xuất địa phương. Sự kiện cũng là tiếng nói khẳng định quyết tâm và khả năng bứt phá khỏi mô hình gia công, tham gia các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị mà ngành chế biến gỗ Việt Nam theo đuổi.

Các doanh nghiệp tham gia hội chợ, như Lâm Việt Furniture, Công ty gỗ Minh Thành... cho rằng dù đang trong con sóng lạm phát với nhiều khó khăn nhưng họ vẫn tiếp tục công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư nhiều vào khâu thiết kế, phát triển sản phẩm mới cũng như và đầu tư nhiều cho đội ngũ bán hàng, phát triển kinh doanh, tham gia các hội chợ trong nước lẫn quốc tế để tiếp cận thêm thị trường mới.

Các hiệp hội cũng cho biết sẽ thông qua hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước, sự kiện để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các đoàn doanh nghiệp quốc tế; tổ chức các buổi kết nối cung - cầu nội thất giữa Việt Nam và các thị trường tiềm năng như Canada, Anh, Trung Đông…

Với mục tiêu đó, lần đầu tiên một hội chợ quốc tế tổ chức ở Việt Nam thực hiện hỗ trợ khách tham quan mọi dịch vụ, từ đón tận sân bay, kết nối doanh nghiệp, tham quan nhà máy, lưu trú, ẩm thực, lẫn trải nghiệm văn hóa, giải trí, khám phá ẩm thực…

“Đây là cách thức tổ chức triển lãm chuyên nghiệp của thế giới. Chúng tôi tạo điều kiện tối đa cho khách quốc tế tham dự, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành tiếp cận khách hàng”, ông Khanh nói.

Ông Allan Kjaer, Giám đốc Phát triển kinh doanh Fine Scandinavia, cũng cho rằng dù tăng trưởng chậm trong năm 2022 nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng của các nhà mua hàng nội thất quốc tế. Hội chợ lần này chính là cơ hội kết nối giao thương để các doanh nghiệp nội thất Việt lấy lại đà tăng trưởng.

Ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ đô la vào năm 2025. Cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu đối với ngành gỗ vẫn tràn ngập dù tình trạng lạm phát có chiều hướng lan rộng trên thế giới. Các hiệp hội lớn trong ngành đã nhận diện khá đầy đủ những điểm mạnh và cả điểm yếu của ngành là gì. Song, chừng nào công tác quảng bá và xúc tiến thương mại, kết nối thị trường thực sự được cải thiện thì mới mong đến ngày ngành gỗ được đi bằng đôi chân của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới