Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch quốc tế cũng cần ‘đội phản ứng nhanh’

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đúng như dự đoán, việc nối lại thị trường Trung Quốc - chiếm đến 30% trong tổng lượng khách quốc tế Việt Nam hồi trước dịch Covid-19 - đã không suôn sẻ. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam rất ít mà nguyên nhân chính được cho là cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc chưa đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia được thí điểm tổ chức du lịch theo đoàn.

Du khách tại TPHCM.Ảnh: Đào Loan

Có nhiều ý kiến cho rằng, ngành du lịch nên đẩy mạnh việc thu hút khách ở những thị trường khác để thay thế, như Ấn Độ, Úc, Đông Nam Á... nhưng việc này cũng phải nhanh và bằng các biện pháp hiệu quả mới có thể sớm đem khách về cho mảng du lịch quốc tế.

Thực tế, từ nhiều năm qua, những thị trường như Ấn Độ, Úc hay những phân khúc như mảng du lịch tàu biển, mảng khách thể thao, hội nghị… vẫn được nhắc đến như các kênh mới, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường lớn. Tiếc là, mọi việc mới chỉ được “xới” lên chứ chưa được nghiên cứu thực hiện gì nhiều.

Như với Ấn Độ, lượng thị thực cấp cho du khách nước này đã tăng vài chục lần so với trước dịch Covid-19, nhiều tỉ phú sẵn sàng móc hầu bao để tổ chức đám cưới xa hoa tại một số khu nghỉ dưỡng biển ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi so sánh trong tổng thể lượng khách và doanh thu, đóng góp của thị trường này cho ngành vẫn còn rất nhỏ.

Ấn Độ hiện là nguồn khách rất lớn của Singapore và Malaysia. Hai quốc gia này không chỉ có ngành công nghiệp không khói phát triển mà còn có cộng đồng người Ấn sinh sống và làm ăn, giúp tạo được sự kết nối mạnh mẽ về văn hóa cũng như các kênh bán hàng với thị trường.

So ra, Việt Nam kém lợi thế hơn, lại đi sau trong thị trường này nên cần chọn nhắm đến những phân khúc khách hàng nào, phục vụ du khách ra sao và cả cách chi trả và làm ăn với đối tác Ấn Độ.

Bên cạnh đó, theo nhiều doanh nhân, nên giảm thời gian xét duyệt thị thực từ 5-7 ngày làm việc xuống còn một ngày cho du khách Ấn Độ, tiếp thị trực tiếp với những chương trình ưu đãi tốt cho khách hàng là doanh nghiệp, công ty tổ chức tiệc cưới… Bằng cách này có thể thu hút khách Ấn Độ về trong những tháng tới.

Câu chuyện cũng tương tự với thị trường Nga, nơi đang đình trệ vì ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa nước này với Ukraine nhưng vẫn có doanh nghiệp xin tổ chức một số chuyến bay thuê bao đưa khách từ Nga đến Việt Nam và rất cần có một cơ quan hoặc nhóm hỗ trợ ngay để “thông chốt” thị trường.

Còn với thị trường Trung Quốc, rất cần có biện pháp thúc đẩy việc nối lại các nguồn khách với nước láng giềng cũng như thực hiện chiến dịch tiếp thị điểm đến và hoàn thiện dịch vụ để phục vụ du khách tốt hơn hồi trước dịch thì mới có thể kịp đón dòng khách lớn, dự định là sẽ đi du lịch nước ngoài bắt đầu từ giữa năm nay.

Sau hơn ba năm suy giảm vì đại dịch, mảng du lịch quốc tế cần một chiến lược dài hơi để phục hồi nhưng cũng rất cần những “hành động tức thì” để gỡ rối trong thời điểm vô cùng khó khăn hiện tại. Những hành động này nếu chỉ được thực hiện chỉ bằng sức mạnh của cơ quan quản lý du lịch là không đủ mà cần thêm sức lực của các cơ quan khác như cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, tài chính, ngoại giao, hàng không… để “ứng cứu” ngay khi doanh nghiệp gặp vấn đề với thị trường, với những đoàn khách lớn; để hành động ngay khi thị trường có những chuyển biến đột ngột…

Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, khi ngành khó khăn, thị trường khủng hoảng thì cần có những hành động ứng phó ngay và một đội phản ứng nhanh gồm nhiều lực lượng như thế này là rất cần thiết. Cứ đem được một nhóm khách đến Việt Nam, cứ mở được một phân khúc mới sớm thì không những chỉ nhiều doanh nghiệp du lịch có thể “duy trì sự sống” và doanh nghiệp từ những ngành khác cùng rất nhiều người lao động có thêm cơ hội để vượt khó khăn thời hậu đại dịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới