(KTSG) - Báo Tuổi Trẻ ngày 12-2 có bài viết “Trung bình mỗi người dân mua sách chưa đến 50.000 đồng/năm”. 50.000 đồng chưa bằng giá bán một cuốn của nhiều tựa sách, song, tôi không bất ngờ trước con số này. Nhiều bậc phụ huynh còn chưa hiểu sách có thể mang lại điều gì cho họ huống chi là con em họ. Họ nghĩ sách không là hạng mục cần thiết trong đời sống.
Có một sự thật ở làng xóm quê tôi là nhà nào, dù giàu hay nghèo, cũng đều có tủ rượu. Nhà giàu thì tủ rượu to, nhà nghèo tủ rượu nhỏ, hoặc nếu không có tủ thì cũng luôn có sẵn rượu. Họ sắm tủ rượu không chỉ để uống mà hơn thế nữa là để thể hiện “cái tôi”, rằng nhà tôi có tủ rượu - ngon và đẹp.
Đáng nói hơn là kiến thức về rượu của người quê tôi rất tốt, từ cách ngâm, cách rót đến cách uống… cho thấy họ rất yêu thích và sành sõi về rượu. Một điều trái ngược là rất ít nhà có tủ sách. Số đó có thể đếm trên đầu ngón tay.
Mỗi khi nhìn thấy tủ rượu của một nhà nào đó, tôi lại chợt nghĩ phải chăng việc xây dựng tủ sách gia đình cũng nên bắt đầu từ việc làm cho người dân hiểu về sách, kích thích niềm yêu thích sách, rồi sau đó mới có thói quen đọc sách… như kiểu người dân quê tôi hiểu về rượu, say mê làm tủ rượu vậy?
Khi sách bị cho ra rìa
Với nhiều người quê tôi, sách không cần thiết như gạo, tiền lương, xăng, ti vi hay Facebook, nên dù họ có nghe thấy bao nhiêu lời kêu gọi đọc sách đi nữa, họ vẫn không lưu tâm.
Ngay ở TPHCM này, nhiều vị phụ huynh đã mặc định khái niệm “con ngoan trò giỏi” là phải có điểm cao. Mà để có tiêu chí điểm cao này thì chỉ cần học theo sách giáo khoa, đi học thêm, luyện đề là đủ. Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để con cái có thể đạt tới điểm cao, nhưng tỏ ra hồ nghi khi con cái muốn mua sách, đôi khi không cho tiền mua sách vì “đọc để làm gì” nói gì đến việc khuyến khích sự đọc. Họ mải tính toán chuyện “được gì” trước mắt, còn việc đọc sách thì rất khó trả lời ngay là được gì một cách cụ thể.
Người lớn còn như thế thì khó trách sao trẻ em xa rời sách. Thêm nữa, các gia đình không có sách mà đọc (vì đâu có tủ sách), trong khi cuộc sống hiện tại, thông qua truyền thông internet, đang cung cấp cho người ta quá nhiều niềm vui hơn sách.
Tôi từng nghe một em học sinh tâm sự về nỗi ngán sách. Em cho rằng rất mất thời gian để đọc một cuốn sách cỡ 200 trang, trong khi đó, chỉ cần gõ một từ khóa tìm kiếm trên mạng là lập tức có hàng loạt bài tóm tắt, bài bình luận, hay đánh giá rất ngắn gọn, dễ hiểu.
Cũng có những em học sinh có đọc sách nhưng chỉ dừng lại ở những cuốn sách mà thầy cô bắt đọc để viết tiểu luận. Nghĩa là đọc sách vì nhiệm vụ chứ không cảm thấy có niềm vui. Và khi phải đọc vì một áp lực nào đó, đọc “cho có”, thì các em sẽ càng nhạt dần cảm hứng với sách.
Tựu trung, ở các em nhỏ, lý do không đọc sách cũng tương tự người lớn: không hiểu về sách, không chắc sách sẽ mang lại cho mình điều gì. Các em tin mọi thứ đã có ở trên mạng Internet và đọc sách không phải là việc cần thiết.
Làm sao khơi gợi sự đọc?
Trong quan sát của tôi, thật ra, người dân dù ở độ tuổi nào cũng có một tình yêu với sự đọc. Chỉ có điều, tình yêu đó như hòn than chưa tìm được môi trường thích hợp để biến thành ngọn lửa. Cho nên, cần tạo môi trường đủ tốt trước khi kêu gọi người dân mua và đọc sách.
Tôi đã thấy người ở đồng bằng cũng như trên miền núi, hay ở dọc biên giới, họ có thể đọc bất cứ trang nào họ tìm thấy. Song họ đọc mạng xã hội, đọc những trang tin không chính thống, còn sách thì… đâu có để mà đọc. Đừng vội kêu họ bỏ ra 50.000 đồng mua sách! Sách dù có rẻ hơn nữa tôi tin chắc họ cũng không mua, vì họ chưa hiểu mua sách để làm gì. Thế nên, trước hết, hãy cho họ nhìn thấy sách báo ở những nơi họ thường ghé qua (có thể là nhà văn hóa thôn?). Sự đọc nên bắt đầu bằng tiếp xúc - mắt thấy, tai nghe như thế.
Thứ hai, dù đã có rất nhiều bài viết nói về lợi ích của việc đọc sách nhưng tôi tin những bài viết này chưa đến tai người dân. Có nhiều lý do, hoặc bài viết ở trình độ quá… “chuyên gia”, hoặc nội dung bài thiếu tính thực tế. Chỉ khi người ta thu nhận được những giá trị thực tế từ sách thì mới có động lực tìm đến sách.
Thứ ba, việc gì cũng cần có người làm gương. Trong gia đình là ông bà, cha mẹ: ở nhà trường là thầy cô; nơi làm việc là những nhà quản trị… cần nêu gương cho sự đọc. Hoặc ngược lại, con cái có điều kiện đọc sách thì tạo cơ hội cho cha mẹ, ông bà đọc sách; học sinh yêu thích đọc sách thì nên phản biện mạnh mẽ với những thầy cô không chịu đọc; cấp dưới ham đọc thì cấp trên cũng nên lấy đó làm gương.
Tôi thấy nhiều chương trình kêu gọi người dân đọc sách được phát động xong rồi bỏ ngỏ; nhiều nhà trường kêu gọi học sinh đọc sách nhưng các thầy cô không đọc; nhiều cha mẹ quan tâm đến tủ rượu trong nhà hơn là tủ sách. Kết quả, khi chia trung bình, mỗi người dân mua sách chưa đến 50.000 đồng/năm thì không có gì là bất ngờ.
Cuối cùng, phải chăng cũng nên có một gói hỗ trợ phục hồi văn hóa đọc như các chương trình phục hồi kinh tế? Gói này bắt đầu bằng việc sách hóa nông thôn, kèm thêm những hình thức truyền thông hiệu quả, chứ không chỉ một cách hình thức trên băng rôn hay loa phường…
Kết lại, điều cần làm nhất để người dân chịu bỏ tiền mua sách, đọc sách là làm cho họ hiểu về sách để kích thích sự ham đọc đang nguội dần bên trong. Và để làm được điều này, hãy cho họ cơ hội tiếp cận sách ở ngay nơi họ đang sống.
Rượu và sách, cái nào cũng có vai trò riêng cả. Cuộc đời đã sinh ra hai thứ này, một là để thử thách, hai là cho cơ hội để con người biết tự thể hiện mình. Rượu để thư giãn và đối ẩm. Sách để tư duy và đối chiếu. Biết bao nhiêu ý tưởng, tác phẩm, tác giả… vô cùng nổi tiếng đã xuất hiện trong bối cảnh như vậy. Kể cả, ngay từ thời xưa, cổ nhân đã biết tuyển dụng tướng tài nhờ qua ly rượu. Rượu và sách. Hai thứ, hoặc hay, hoặc dở, tất cả đều là do lựa chọn của chúng ta mà thôi.
Ở quê tôi nếu cho người dân 50 nghìn thì họ sẽ mua 1 ký thịt thay vì 1 cuốn sách. Đơn giản họ nghĩ đến “được gì” trước mắt, nên để kêu gọi người dân đọc cần làm cho họ hiểu đã, không thì 50 nghìn 10 năm sau họ vẫn mua thịt thôi!
Đọc sách, khó nhất vẫn là chọn sách. Để có sách hay, nên học hỏi từ những người nổi tiếng, cùng với những cuốn sách mà họ quan tâm. Ví dụ, hàng năm, Bill Gates thường bình chọn ra các quyển sách mà ông yêu thích nhất. Các nhà xuất bản có uy tín, theo định kỳ, nên chủ trì việc tổ chức diễn đàn bình chọn những cuốn sách hay dành cho các đối tượng độc giả khác nhau. Hoặc có thể kêu gọi cộng đồng đọc sách, bình chọn và giới thiệu những cuốn sách hay cho mọi người. Tất nhiên, trong thế giới internet ngày nay, dòng chảy thông tin cuồn cuộn, đòi hỏi người nghe/ nhìn/ đọc phải luôn tỉnh táo. Muốn vậy, cách tốt nhất là phải xây dựng văn hóa đọc sách ngay từ khi còn ở trên ghế nhà trường.
Trước khi có văn hóa đọc sách, phải xây dựng thói quen đọc sách. Thói quen tốt chỉ có khi đó là kết quả đến từ quá trình gìn giữ kỷ cương – kỷ luật. Khi còn học đại học, các thầy cô bộ môn yêu cầu mỗi sinh viên chúng tôi hàng ngày phải đọc và tự nghiên cứu ít nhất 40 trang tài liệu, sau đó tóm tắt và trình bày lại trước cả nhóm hoặc cả lớp. Cứ như vậy, thói quen đọc và tự nghiên cứu hình thành từ lúc nào cũng không rõ. Bây giờ, nếu không có sách cũng giống như không có bầu bạn thân thiết. Nghiện quá rồi !
Thật là buồn, khi sách không được xem trọng, tức sự tự giáo dục, tự học bị xem nhẹ. Khi mà xã hội ta vẫn hay rần rần phê bình, lên án mỗi lần sách có một vết đen nhỏ, bỏ quên biết bao chỗ tốt đẹp của nó cũng góp phần tạo tâm lý . . . quơ đũa cả nắm, không thèm đọc sách nữa, mà đa số những quần chúng cần đọc sách thì lại không đọc sách. Sách của chúng ta đã không nhiều, chưa lớn gì cả thì bị chết yểu. Ví như cây non mới nhú mầm thì lại bị ngắt mầm thì làm sao lớn nổi.