Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đường sách và đường cao tốc

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cách TPHCM khoảng 150 cây số, Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp có thể nói là một thành phố có phần “đặc biệt” ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). “Đặc biệt” theo nghĩa hôm Chủ nhật tuần rồi, 12-2, Cao Lãnh vừa ra mắt ban điều hành đường sách của mình trong nỗ lực giúp người dân thành phố này đọc sách nhiều hơn.

Không chỉ dừng lại ở đường sách, có thể nói Cao Lãnh còn có thể sánh ngang vai với Sài Gòn và Hà Nội khi được ghi danh vào mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Hiện nay, trong số 294 thành phố khắp nơi trên thế giới thuộc mạng lưới của UNESCO, Việt Nam chỉ mới có năm thành phố – Cao Lãnh là một trong số đó.

Và cũng đặc biệt không kém, với sự xuất hiện của Cao Lãnh, Đồng Tháp trở thành nơi duy nhất tại Việt Nam có hai thành phố cùng có tên trong mạng lưới của UNESCO – gồm Cao Lãnh và Sa Đéc.

Dù sự công nhận của UNESCO chỉ có ý nghĩa tượng trưng, đó cũng là lời động viên đáng kể để Cao Lãnh nỗ lực hơn nữa trong việc cổ vũ người dân nâng cao kiến thức và văn hóa bằng cách đọc sách.

Tuy nhiên, đường sách hay danh hiệu thành phố học tập toàn cầu UNESCO vẫn không làm nhẹ đi thực trạng đáng lưu tâm sau đây. ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp, vẫn là một vùng trũng về nhiều mặt so với các vùng khác tại Việt Nam. Mặc dù thực trạng này đã được xác định từ lâu, các kế hoạch cải thiện có rất ít dấu hiệu đạt được kết quả mong muốn.

ĐBSCL chiếm hơn 13% diện tích quốc gia, gần 20% dân số toàn quốc, đóng góp khoảng 54% sản lượng lúa toàn quốc, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của Việt Nam. Thế nhưng, nhiều chỉ số không tương xứng với các đóng góp này.

Có lẽ một trong những con số thể hiện tính chất “vùng trũng” hiện nay của ĐBSCL là tỷ lệ đường cao tốc trong khu vực này. Hiện thời, ĐBSCL, “vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây quốc gia”, chỉ có 90 cây số đường cao tốc so với khoảng 1.200 cây số trên toàn quốc.

Ai cũng nói giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Thế nhưng, giao thông nội vùng ĐBSCL và kết nối với các khu vực khác, nhất là với TPHCM, lại chưa tương xứng với yêu cầu. Thiếu đường cao tốc có nghĩa là gì? Đối với người dân, đó là tình trạng giao thông tốn thời gian, tốn tiền bạc và kém thuận tiện. Còn đối với doanh nghiệp, đó là chi phí hậu cần (logistics) cao, giá thành tăng trong khi khả năng cạnh tranh thấp.

Thêm nữa, hệ thống giao thông kém – trong đó đường cao tốc đóng vai trò thiết yếu – cũng khiến ĐBSCL trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đây chắc chắn là một lý do dẫn đến hiện trạng kém cỏi của khu vực này trong lĩnh vực thu hút đầu tư.

Một vấn đề khác rất đáng lo liên quan đến tình trạng xuất cư của các tỉnh thuộc ĐBSCL, trong đó nạn chảy máu lao động và, hệ quả của nó, chảy máu chất xám, đáng báo động.

Kết quả điều tra công bố năm 2020 cho thấy trong thập niên 2009-2019, gần 1,1 triệu người đã di cư khỏi các tỉnh ĐBSCL(1). Con số này lớn hơn dân số một tỉnh trong khu vực và tương đương với số dân tăng tự nhiên của cả vùng(2).

Vì sao như vậy? Người Việt có câu “đất lành chim đậu”. Rõ ràng, khi nhắc đến ĐBSCL, chúng ta thường liên tưởng đến một vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi. Nhưng điều đó không thể hiện được thực trạng của ĐBSCL bởi lẽ những điều chúng ta nói về sự “trù phú” và “ưu đãi” đó không biến thành cơ hội việc làm tốt hơn và cơ hội thu nhập cao hơn cho người dân địa phương.

Đó là chưa kể hiện nay, cũng khó nói thiên nhiên ưu đãi ĐBSCL khi cả khu vùng rộng lớn này phải đối mặt với hàng loạt hậu quả của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã cảnh báo vựa lúa của Việt Nam có nguy cơ chìm xuống biển ngay trong thế kỷ này.

Nạn “chảy máu lao động” và “chảy máu chất xám” ở ĐBSCL có thể được minh họa qua câu chuyện của nhân vật trong một bài đăng gần đây trên mục “Tản mạn Tết” của KTSG Online. Nhân vật trong câu chuyện là một thanh niên miền Tây đã tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng vẫn bươn chải kiếm sống bằng nghề tài xế tại TPHCM. Anh ấy cho biết, dù hiện nay chỉ lái xe, cơ hội tại thành phố này – cả về việc làm lẫn thu nhập – đối với anh vẫn cao hơn tại tỉnh nhà. Đặc biệt, theo anh, cơ hội để anh vươn lên tốt hơn không phải là không có. (xin xem bài: Câu chuyện một giờ sáng mồng một Tết).

Chàng thanh niên nói trên chỉ là một trong rất nhiều người ĐBSCL rời quê hương, hay “xuất cư” theo thuật ngữ chuyên môn, để kiếm sống ở Sài Gòn, Bình Dương hoặc nhiều nơi khác. Thử hỏi có bao nhiêu sinh viên gốc miền Tây tốt nghiệp đại học tại Sài Gòn trở về làm việc tại quê nhà?

Thế nên, chuyện Cao Lãnh có ban điều hành đường sách cũng là một dịp tốt để chúng ta suy nghĩ và hành động nghiêm túc hơn về vấn đề này.

_____________

(1), (2)http://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-bao-dong-di-cu-546931.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Đường. Còn có nghĩa là “đạo”, khai lối, mở đường. Cho nên quan trọng nhất vẫn là tạo nên cách ta đi. Nhanh hay chậm, an toàn hay rủi ro, được hay mất… là do cả hai phía, đường đi/ người đi. Trong đó người đi phải là nhân tố chủ đạo. Đường sách, thật ra không phải là con đường bán sách theo nghĩa đen, mà là con đường mở ra chân trời tri thức. Đường cao tốc, cũng không đơn giản là con đường tốc độ cao, mà còn là phương tiện hỗ trợ nền kinh tế cất cánh. Có một câu nói, ở đâu có đường, ở đó có đèn. Nghĩ cũng có lý. Có đường thì sẽ kéo theo ánh sáng. Ánh sáng tri thức hoặc phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới