(KTSG) - Áp lực đáo hạn và thanh toán lãi trái phiếu hiện nay là rất lớn với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ngành bất động sản. Đây là hệ lụy của một giai đoạn buông lỏng quản lý giám sát, sự phát triển nóng của thị trường vốn. Để chữa cháy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trông chờ vào Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ... Nhưng để tránh những bất ổn tương tự trong tương lai thì cần siết chặt việc chào bán trái phiếu cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
- Trình nghị định sửa đổi NĐ65 về trái phiếu doanh nghiệp trước 10-2
- Sẽ sửa nghị định trái phiếu doanh nghiệp để thích ứng thực tế
Lửa chỉ giảm nhưng còn rất nóng
Trong ba năm từ 2019-2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành với tốc độ và số lượng rất lớn. Năm 2019 so với năm 2018 tăng 110%, từ 155.000 tỉ đồng lên 325.000 tỉ đồng. Năm 2020 so với năm 2019 tăng 42,5% và năm 2021 so với năm 2020 tăng 60,5%. Trong ba năm liên tục, tổng số lượng TPDN phát hành là hơn 1,5 triệu tỉ đồng, tương tương 62,5 tỉ đô la Mỹ.
Bong bóng trái phiếu xem như bị vỡ với vụ án tại Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát (An Đông), kéo theo nhiều trái phiếu khác có nguy cơ cao bị mất khả năng thanh toán. Lý do là vì nhà đầu tư lo sợ, muốn rút lại vốn và chấp nhận một giá bán chiết khấu dù cao, như một quỹ trái phiếu lớn đã từng có thời điểm bị bán chiết khấu gần 20%.
Trên thị trường thứ cấp, một số TPDN còn bị rao bán với mức chiết khấu mấy chục phần trăm. Bên cạnh đó, cũng có thể là hiệu ứng dây chuyền khi doanh nghiệp phát hành này lại đầu tư vào doanh nghiệp phát hành khác. Khi dòng tiền bị biến động mạnh thì mất khả năng thanh toán bị lây nhiễm.
TPDN chỉ nên dành riêng cho các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư cá nhân nếu muốn đầu tư vào TPDN thì nên có những công cụ riêng dành cho họ, chẳng hạn một quỹ trái phiếu chỉ gồm những TPDN được xếp hạng có thể đầu tư (investment-grade bond).
Sức nóng của thị trường TPDN đã giảm đáng kể trong năm 2022 với lượng phát hành chỉ còn 255.000 tỉ đồng, giảm 66% so với năm 2021, quy mô trung bình mỗi đợt phát hành là 562 tỉ đồng/đợt. Cùng với đó là việc mua lại trước hạn trái phiếu với tổng giá trị 210.000 tỉ đồng trong năm 2022.
Chỉ riêng trong quí 4-2022, lượng phát hành giảm đến 99% so với cùng kỳ năm trước và giá trị mua lại là 40.000 tỉ đồng cho thấy sức nóng đang tiếp tục được giảm.
Mặc dù vậy thì theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), áp lực đáo hạn TPDN trong hai năm 2023 và 2024 còn rất lớn. Điều này có thể thấy khi mới đây Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu.
Chờ Nghị định sửa đổi Nghị định 65 để chữa cháy
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 đã được trình Chính phủ và hy vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua. Bên cạnh các đề nghị sửa đổi về điều kiện của nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thời gian phân phối trái phiếu thì có hai điểm quan trọng là thay đổi kỳ hạn trái phiếu và chuyển đổi lãi/gốc trái phiếu bằng tài sản khác.
Với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp khó khăn, việc gia hạn hay có thể dùng tài sản khác thanh toán thay cho lãi/gốc được coi là cách giải cứu các doanh nghiệp này. Đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản với áp lực thanh toán trái phiếu lớn, gặp khó khăn về dòng tiền nhưng lại đang nắm giữ nhiều tài sản là bất động sản.
Tuy vậy, Nghị định sửa đổi có chữa cháy được hay không còn tùy thuộc vào đối tượng áp dụng. Chẳng hạn quy định có hiệu lực với các trái phiếu đang lưu hành thì là… “giải cứu”, còn nếu chỉ áp dụng cho các trái phiếu phát hành sau khi nghị định có hiệu lực thì không còn tác dụng với các doanh nghiệp đã phát hành và đang gặp khó khăn.
Để thị trường TPDN không bị méo mó
TPDN là một loại chứng khoán phức tạp và thường chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chẳng hạn như số liệu cho thấy các định chế tài chính nắm khoảng 86% lượng TPDN lưu hành ở Mỹ và Nhật Bản. Tỷ lệ này ở khu vực đồng euro là 93% và ở Anh là 98%. Ở Trung Quốc thì các định chế tài chính nắm khoảng 99% lượng TPDN (số liệu 2018). Trong số các nhà đầu tư tổ chức, có thể thấy nhiều nhất là các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư và các định chế tài chính tiền tệ (Monetary Financial Institutions).
Các định chế tài chính nắm khoảng 86% lượng TPDN lưu hành ở Mỹ và Nhật Bản. Tỷ lệ này ở khu vực đồng euro là 93% và ở Anh là 98%. Ở Trung Quốc thì các định chế tài chính nắm khoảng 99% lượng TPDN (số liệu năm 2018).
Trong khi đó thị trường TPDN ở Việt Nam thời gian qua có sự tham gia đáng kể của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, những người không được xem là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường TPDN thông qua kênh phân phối của các ngân hàng, các công ty chứng khoán, hay các công ty quản lý quỹ hoặc thậm chí mua TPDN mà không biết rằng mình đã mua.
Lý do là vì lượng TPDN phát hành chủ yếu là riêng lẻ. Tỷ trọng của phát hành công chúng năm 2020 là 7,1% và năm 2021 chỉ là 4,1%. Với một lượng phát hành riêng lẻ lớn như vậy thì rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân là rất lớn vì họ không có đủ khả năng để đánh giá rủi ro trái phiếu. Không những vậy, có đến 60-70% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hay bảo đảm bằng cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng chi trả thì nhà đầu tư cũng không có tài sản gì được dùng để gán nợ, mà nếu có gán nợ bằng cổ phiếu thì giá trị cổ phiếu cũng giảm nhiều cùng với khó khăn của doanh nghiệp. Ví dụ trước khi khó khăn tổng giá trị cổ phiếu dùng để bảo đảm là 100 tỉ đồng, nhưng khi khó khăn thì giảm đi vài chục phần trăm.
Như vậy, mặc dù biết TPDN là một kênh huy động vốn cần thiết cho doanh nghiệp và cũng là một kênh đầu tư cần phải có nhưng với đặc thù rủi ro của mình thì TPDN chỉ nên dành riêng cho các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Các nhà đầu tư cá nhân nếu muốn đầu tư vào TPDN thì nên có những công cụ riêng dành cho họ, chẳng hạn một quỹ trái phiếu chỉ gồm những TPDN được xếp hạng có thể đầu tư (investment-grade bond). Cùng với đó là tăng tỷ trọng phát hành công chúng, phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm trái phiếu để giảm rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.
Lửa đang cháy thì phải chữa cháy thôi. Cách xử lý như vậy, trước mắt là ổn, chưa phải chuẩn. Nhưng để chuẩn, thì còn rất nhiều việc phải làm, cả ngắn hạn và dài hạn. Tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh luôn là việc quan trọng nhất. Muốn vậy, phải đồng bộ cả 3 mặt, nhà quản lý, nhà kinh doanh, nhà đầu tư. Những chủ nhân tham gia cuộc chơi này phải luôn ý thức rõ về vai trò, quyền và trách nhiệm của mình. Không có quyền đổ lỗi, cũng như đổ tội cho bất kỳ ai. Đó chính là “kiềng ba chân”, luôn có tinh thần chủ động ứng phó với các tình huống rủi ro xảy ra, góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho chính mình và cho toàn xã hội.