(KTSG Online) - Việt Nam cần sớm ban hành cơ chế về thuế tối thiểu nội địa, đồng thời chuyển từ ưu đãi đầu tư bằng thuế thu nhập doanh nghiệp sang hỗ trợ về chi phí, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực để hạn chế tác động tiêu cực của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
- Hết thời thu hút ‘đại bàng’…. bằng ưu đãi thuế?
- Lo ngại thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm sức hút của Việt Nam với đầu tư nước ngoài
- Sẽ được phép thu thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% từ các công ty đa quốc gia vào 2023?
Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu - Trụ cột II nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) bắt đầu được một số quốc gia thực thi. Việc áp dụng Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp tới thu ngân sách nhà nước và năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài của các nước, đặc biệt là nhóm các nước đang phát triển tiếp nhận đầu tư.
Với bối cảnh trên, nếu không hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế và cả thuế bổ sung nếu phát sinh, đồng thời giảm thiểu khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.
Cân đối chính sách để thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng ảnh hưởng của chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu với hoạt động thu hút đầu tư vào Việt Nam là có, nhưng mức độ và khía cạnh ảnh hưởng cần nghiên cứu thêm.
Với các doanh nghiệp châu Âu, ông Minh cho biết các yếu tố gồm lợi thế về vị trí địa lý, độ mở nền kinh tế Việt Nam đã ký, mức độ gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách tăng trưởng xanh sẽ được cân nhắc khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
“Khảo sát hàng quý cho thấy trong thứ tự ưu tiên thu hút đầu tiên thì đứng đầu là thủ tục hành chính Việt Nam, chất lượng cơ sở hạ tầng, chính sách tạo điều kiện nhập cảnh, tăng trưởng xanh…. Trong khi ưu đãi thuế thì đứng gần cuối bảng. Đôi khi ưu đãi thuế là vấn đề với Việt Nam khi nhiều ưu đãi chưa rõ ràng, doanh nghiệp sợ truy thu”, ông Minh nói và cho rằng đây là thời điểm Việt Nam điều chỉnh lại chính sách thu hút đầu tư của mình, đặt ra các trọng tâm cần điều chỉnh ở một số lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Tâm, đại diện Tập đoàn Corning tại Việt Nam, cho biết doanh nghiệp “rất thích” đầu tư vào Trung Quốc vì công cụ hỗ trợ bằng tiền của Chính phủ nước này.
“Chính phủ Trung Quốc không cho doanh nghiệp được hưởng chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp như Việt Nam áp dụng, nhưng điều làm cho khẩu vị đầu tư tăng lên là hỗ trợ về chi phí, cụ thể là cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng”, bà Tâm dẫn chứng.
Việc hỗ trợ bằng tiền ngay lập tức cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu với nhiều khó khăn là chất xúc tác rất là lớn. Vì vậy, bà Tâm bày tỏ mong muốn các cơ quan xây dựng chính sách tại Việt Nam có những chính sách cân đối lại để đảm bảo tính thu hút môi trường đầu tư khi xây dựng các chính sách về Thuế tối thiểu toàn cầu.
Với các doanh nghiệp có kế hoạch dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh cho biết nhiều nhà đầu tư châu Âu đã đặt vấn đề về hỗ trợ chi phí bằng tiền khi họ chuẩn bị.
“Đây là vấn đề mà các tập đoàn rất quan tâm, nó có thể gia tăng chi phí tiềm tàng cho họ nên Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc”, ông Minh nói và cho rằng cần có các chính sách ưu đãi trong tình hình mới để giữ tính cạnh tranh cho môi trường đầu tư.
Với các ưu đãi và chính sách ban hành trong quá khứ, ông Minh cho rằng cần có cam kết giữ vững.
Ông Son Won Sik, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cho rằng Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình trong bối cảnh chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ vô hiệu hoá các ưu đãi thuế trước đó. Theo đó, cơ quan quản lý có thể đưa ra hình thức ưu đãi dựa trên chi phí phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại. Điểm mạnh của chính sách này là ngăn chặn chuyển giá và chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất và dài hạn vào Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam cần linh hoạt trong các hình thức ưu đãi mới như ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư. Điều này giúp tăng tính hấp dẫn về môi trường đầu tư tại Việt Nam, thu hút "đại bàng" vào các địa phương. Hiện hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang đươc nhiều quốc gia áp dụng, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của quốc tế thì nên áp dụng luật chơi chung”, ông Son Won Sik nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, phương thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư có thể chi trả nhiều lần, giúp doanh nghiệp nhận hỗ trợ có thể tạo ra doanh thu, từ đó họ có thể nộp thuế và dựa trên khoản thuế sẽ tạo thành vòng tuần hoàn giúp Việt Nam tháo gỡ các khó khăn tài chính.
Lựa chọn chính sách thuế nào cho Việt Nam?
Bên cạnh việc thay đổi hình thức ưu đãi thu hút đầu tư từ ưu đãi thuế sang ưu đãi chi phí, hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng, các chuyên gia và doanh nghiệp đều khuyến nghị Chính phủ Việt Nam sớm nghiên cứu, xây dựng chính sách liên quan tới Thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Ông Sohn Dea Geun, Giám đốc Tài chính Samsung Electronics Vietnam, cho biết các nhà máy sản xuất tại Việt Nam thường chiếm hơn 50% sản lượng của Samsung trên toàn thế giới. Ngoài ra, những sản phẩm mới và công nghệ mới đều được sản xuất tại Việt Nam.
Nhưng khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được được áp dụng thì khả năng cạnh tranh về giá thành sản xuất của Samsung tại Việt Nam sẽ không còn nữa do không còn ưu đãi thuế. Thêm vào đó, Ấn Độ - quốc gia áp dụng thuế suất cao hơn Việt Nam (khoảng 22% - PV), nhưng có chương trình là hỗ trợ cho sản xuất và đầu tư – nên sẽ có năng lực cạnh tranh của Samsung tại Ấn Độ là cao hơn Việt Nam.
“Là doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu, nên chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ nhanh chóng nghiên cứu và có những sửa đổi luật hóa hay xây dựng pháp luật nhanh chóng trong năm nay, và để năm sau thực thi được”, ông Sohn Dea Geun nói.
Ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác như một biện pháp phản ứng nhanh.
“QDMTT là cơ chế nội địa, trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột 2 theo hướng dẫn của OECD. Đây là biện pháp mà một số quốc gia và vũng lãnh thổ như Hồng Kông, Singapore, Malaysia đã công bố ý định áp dụng”, ông Thomas McClelland nói
Tuy nhiên, đây là biện pháp phản ứng nhanh, nên việc áp dụng QDMTT – theo ông Thomas McClelland - cần được cân nhắc, chỉ nên áp dụng cho các đối tượng là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2 - các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm trên 750 triệu Euro.
“Việc áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có thể gây tác động tiêu cực đến các công ty không thuộc phạm vi Trụ cột 2 mà đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành tại Việt Nam”, ông Thomas McClelland đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, nếu áp dụng QDMTT, việc tính toán Thu nhập GloBE (GloBE income) cũng như Thuế được bao gồm (Covered tax) có thể sẽ rất phức tạp và tốn kém. Do đó cần được cân nhắc giữa lợi ích mà QDMTT đem lại so với chi phí quản lý hành chính có thể phải bỏ ra.
“Việt Nam có thể áp dụng các cơ chế thuế tối thiểu nội địa khác mà không phải thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn như áp dụng trực tiếp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 15% mà không áp dụng cơ chế tính toán như của QDMT. Tuy nhiên nếu áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa khác QDMTT, do các nguyên tắc tính toán không tương đồng, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng có thể phải nộp thêm thuế tại Việt Nam đồng thời vẫn phải nộp Thuế bổ sung tại quốc gia khác, gây khó khăn trong việc tính toán và kê khai thuế”, ông Thomas McClelland lưu ý.